Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện đề án giãn dân phố cổ (GDPC) của quận Hoàn Kiếm sang sinh sống tại khu Việt Hưng (quận Long Biên), chiều 6-7, UBND TP Hà Nội đã họp với quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành liên quan.
Cơ bản đồng thuận với bản dự thảo đề án do UBND quận Hoàn Kiếm lập, song đại diện các sở, ngành cho rằng còn nhiều điểm cần được làm rõ, đặc biệt về cơ chế, chính sách GPMB và tái định cư; khống chế nhân khẩu, hộ khẩu; cơ chế vốn và ưu đãi nhằm kêu gọi các nhà đầu tư... tất cả những vấn đề này đều rất phức tạp, chưa có tiền lệ từ trước tới nay.
 EmailPrint Đề án giãn dân phố cổ: Cần di chuyển hơn 2,6 vạn dân
Người xe tấp nập, hàng quán đông đúc, nhà cửa chật chội... hiện đang là “đặc trưng” của phố cổ Hà Nội.

Đề án giãn dân phố cổ đang được khẩn trương hoàn thiện. Đây là đề án được cho là rất phức tạp và chưa từng có tiền lệ. Nếu thực hiện thành công đề án này, Hà Nội sẽ giải quyết được 3 mục tiêu lớn: giảm mật độ dân cư trong khu phố cổ; từng bước cải thiện đời sống người dân; bảo tồn và tôn tạo phố cổ, góp phần phát huy các giá trị di sản vật thể của Thủ đô...

Cần hơn 4.300 tỷ đồng để giãn dân


Khu phố cổ với diện tích 81ha nằm trên địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm có tổng số dân trên 66.660 người, mật độ khoảng 840 người/ha. Mật độ quá cao trong khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội xuống cấp và ô nhiễm môi trường đã khiến điều kiện sống của người dân rất khó khăn. Chính vì vậy, ngay từ cuối năm 1998, Hà Nội đã có chủ trương lập đề án GDPC nhằm khống chế đến năm 2020 mật độ chỉ còn khoảng 500 người/ha. Tuy nhiên, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, đến nay đề án này vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

 EmailPrint Đề án giãn dân phố cổ: Cần di chuyển hơn 2,6 vạn dân
Sự xuống cấp của những ngôi nhà trong con ngõ 15 Hàng Điếu được xếp vào hạng “đặc biệt” cần phải được tu sửa gấp Ảnh: Viết Thành - Ánh Nguyệt

Theo ông Vũ Văn Viện, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, quận đã tổ chức điều tra xã hội học đối với 953 hộ. Kết quả cho thấy, có 255/953 hộ đồng ý di chuyển (đạt 26,8%). Theo tính toán, nhu cầu GDPC khoảng 26.200 người (tương ứng với 6.550 hộ). Giai đoạn I giãn dân khoảng 1.800 hộ sang quỹ đất tại Khu đô thị mới Việt Hưng có quy mô khoảng 11,12ha. Trong đó có khoảng 780 hộ sống trong các di tích, công sở, trường học, dự kiến sẽ di chuyển ngay từ quý I-2012. Từ quý III-2013 di chuyển 1.020 hộ. Ước tính nhu cầu đất giãn dân cho toàn bộ đề án là hơn 40ha. Trừ 11,12ha đã có, TP cần bổ sung thêm 29,34ha đất. Ngay sau khi được TP phê duyệt đề án, quận sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai nhiệm vụ, phấn đấu tới cuối năm 2011 có thể khởi công xây dựng khu nhà ở GDPC; năm 2015 hoàn thành giai đoạn I và bàn giao cho dân; đồng thời triển khai giai đoạn II của đề án.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo tính toán, tổng vốn đầu tư giai đoạn I của đề án khoảng 4.300 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 400 tỷ đồng (chiếm khoảng 9%). Gần 3.900 tỷ đồng còn lại là vốn huy động và kêu gọi đầu tư.


Phải làm rõ các cơ chế, chính sách


Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh, để đề án thành công, ngay từ bây giờ, TP phải có chính sách hạn chế nhập hộ khẩu vào quận Hoàn Kiếm nhằm tránh tình trạng di dời được một hộ lại có thêm cả chục hộ mới đến định cư trong khu phố cổ. Bên cạnh đó cần xem xét tới các tiêu chí quy hoạch cụ thể để có phương án tập trung ưu tiên các hộ trong vùng "lõi" của phố cổ, tức là các hộ cần di dời để bảo tồn công trình di tích lịch sử, văn hóa khu vực trung tâm.


Về cơ chế đầu tư dự án xây dựng quỹ nhà giãn dân tại Việt Hưng, quận Hoàn Kiếm đề xuất mời nhà đầu tư vào làm theo phương thức BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng ông Nguyễn Quốc Tuấn lưu ý: Chính phủ chưa có cơ chế cho phép thực hiện mô hình này theo phương thức BT. Do đó, cần tìm phương thức đầu tư khác phù hợp hơn, thậm chí xem xét, xin Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia dự án.


Một số ý kiến băn khoăn, sau khi các hộ đã di chuyển đến tái định cư tại Việt Hưng, phần diện tích họ để lại sẽ quản lý thế nào hoặc bán cho ai? Liệu có khả năng người dân nơi khác đến mua các phần diện tích này? Về vấn đề này, ông Vũ Văn Viện cho biết: Đề án đã đưa ra các điều kiện khống chế nhằm ngăn ngừa tăng dân số trở lại. Cụ thể, đối tượng được mua và sử dụng do các hộ đã di chuyển bán lại phải là hộ dân trong cùng biển số nhà; người mua không nhằm mục đích đưa người không có hộ khẩu trong khu phố cổ đến ở. Các hộ đủ điều kiện nói trên có thể được ưu tiên vay vốn có hỗ trợ lãi suất để mua nhà.


Để đề án sớm thành hiện thực, trong buổi họp ngày 6-7, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi yêu cầu, đối với phần diện tích 11,12ha đã có, trước ngày 20-7, Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải hoàn thành khâu điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/500. Từ đó, quận Hoàn Kiếm cùng các đơn vị liên quan lên phương án thiết kế và cơ cấu căn hộ. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các sở, ngành, trong tháng 7-2011, quận Hoàn Kiếm hoàn thiện đề án. Các cơ chế, chính sách về GPMB, ưu đãi về nhà ở, giá bán nhà tái định cư, ưu đãi đối với nhà đầu tư; cơ chế kiểm soát và ngăn ngừa khả năng tăng dân số trở lại... phải cụ thể và có tính khả thi cao. Đề án sẽ được báo cáo Thường trực Thành ủy Hà Nội sớm để có thể duyệt ngay trong tháng 8-2011 làm cơ sở chính thức triển khai.
Theo Tuấn Lương (Hà Nội Mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0