5023m2 bị thu hồi với giá đền bù… hơn 2 triệu đồng. Dư luân địa phương nghi ngờ chính quyền sở tại thu hồi đất để mở đường “phục vụ” doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và sớm báo cáo sự việc.

Mất gần 30 năm cải tạo, nhưng khi bị thu hồi, mảnh đất hơn 5.000m2 của ông Ngọc chỉ được đền bù 2 triệu đồng.

Thủ tướng yêu cầu làm rõ

Ông Lê Hồng Ngọc (77 tuổi, trú tại xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, Hà Nam) “khổ chủ” của mảnh đất bị thu hồi cho biết: Năm 1982, ông nhận 4,68ha đất do đơn vị quân đội X10 trả ra vì không sản xuất được cộng với 5,7ha đất mặt nước thả cá, nuôi vịt đẻ. Mảnh đất này sau đó được gia chủ bỏ tiền, thuê người san lấp, đắp bờ giữ nước để trồng lúa , thả cá và thu được năng suất cao trên diện tích này.

Đến nay, ông Ngọc đã cải tạo thành công khu đất, phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình trang trại với diện tích 10,83 ha (gồm 4,68 ha đất hai vụ lúa và 5,7 ha mặt nước thả cá và nuôi vịt đẻ) đồng thời, ký hợp đồng trồng lúa giống với Trung tâm khuyến nông tỉnh Hà Nam, trường Đại học Nông nghiệp I, cải thiện đời sống gia đình và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Với cách thức sản xuất hiệu quả, mô hình trang trại của gia đình ông Ngọc là mô hình điểm của tỉnh, huyện. Ông Ngọc đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Giấy chứng nhận Chiến sĩ Thi đua của tỉnh Hà Nam, Giấy chứng nhận Chiến sĩ Thi đua của Hội Nông dân Việt Nam… và hàng loạt giấy khen về việc có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất thời kỳ đổi mới với hình thức kinh tế trang trại.

Nhưng trớ trêu hơn, năm 2009, gia đình ông Ngọc nhận được quyết định thu hồi mảnh đất đó kèm theo phương án đền bù do ông Phó Chủ tịch huyện Phạm Đức Luân ký, trả cho gia đình ông hơn 2,2 triệu đồng khi thu hồi 5.022m2 ruộng lúa của gia đình.

Ngày 10/2, chỉ còn cách tết âm lịch 4 ngày, UBND xã Tiên Tân đã huy động 50 cán bộ, công nhân, công an và các cơ quan ban ngành đến để cưỡng chế, buộc ông Ngọc phải giao đất.

Trước sự việc này, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có văn bản giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ kiểm tra, kết luận khiếu nại, đồng thời tổ chức đối thoại công khai với dân và báo cáo chính xác kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Xã đưa ra văn bản “rởm”?

Việc UBND xã Tiên Tân ra quyết định thu hồi 5023m2 đối với chủ trang trại là “mô hình điểm của tỉnh” với giá đền bù là 2.294.611 (hai triệu hai trăm chín tư ngàn sáu trăm mười một đồng) đã như giọt nước làm tràn li, buộc chủ khu đất phải khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền.

Ngày 31/5, tại trụ sở UBND xã Tiên Tân, Thanh tra Chính phủ, cán bộ Văn phòng Chính Phủ và Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với ông Lê Hồng Ngọc với mục đích thu thập toàn bộ tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ việc. Tại buổi làm việc, đại diện chính quyền xã Tiên Tân đã đưa ra lá đơn xin thuê đất nông nghiệp với nội dung ông Lê Hồng Ngọc xin thuê 103.860m2, trong đó đất 2 lúa là 46.800m2 với thời hạn thuê 50 năm tính từ ngày 25/12/2005. Hoàn toàn bất ngờ với văn bản này, trao đổi với phóng viên, ông Ngọc khẳng định chữ ký bên dưới lá đơn xin thuê đất đó chắc chắn không phải do ông ký.

Quay trở lại vấn đề được cho là “khởi nguồn” của vụ việc, hiện nay người dân xã Tiên Tân rất băn khoăn tại sao chính quyền xã lại thu hồi một diện tích rất lớn đất 2 lúa canh tác hiệu quả của nông dân để làm một con đường dài gần 1 km, rộng 36m nhằm mục đích gì, kinh phí ở đâu khi mà con đường liên thôn chỉ cách con đường mới kia chỉ vài trăm mét?. Dư luận ở xã Tiên Tân cho con đường đó được hình thành chỉ để phục vụ một doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã làm bãi tập ô tô và phân lô bán kiếm kiếm lời.

Theo PLVN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.