09/11/2012 7:45 AM
Hiến pháp và luật pháp đều nói “đất là tư liệu sản xuất đặc biệt”, “là hàng hóa đặc biệt”. Nông dân không đất thì không là chủ. Một cộng đồng không đất thì không tồn tại là một dân tộc, cho dù là dân tộc thiểu số.

Mất đất là mất hết

Thực tế, từ khi nước nhà thống nhất, vấn đề đất đai chưa bao giờ thật sự lắng dịu, ngược lại càng ngày càng bộc lộ nhiều mâu thuẫn và xung đột gay gắt, thậm chí có đổ máu. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, có đến hơn 70% các vụ khiếu kiện là về đất đai.

Vậy cốt lõi của vấn đề ở đây là gì?

Như Hiến pháp và Luật Đất đai đã khẳng định đất là thứ “tư liệu sản xuất” hay “hàng hóa đặc biệt”, là không gian sinh tồn nên có giá trị cũng rất đặc biệt: kinh tế, thị trường, chính trị, văn hóa, môi sinh..., mà không có bất cứ tư liệu, hàng hóa nào sánh được. Từ ý nghĩa đặc biệt đó mà “quyền sở hữu toàn dân” về đất và “quyền định giá đất là do Nhà nước thống nhất quy định” tuy có cái hay là thống nhất nhưng cũng có mặt trái của nó, dễ nảy sinh va chạm khó giải quyết, thậm chí dai dẳng, gay gắt như đã và đang diễn ra.

Qua một số hội thảo, hội nghị gần đây, xu hướng chung cho là “do định giá đất không sát (thấp hơn) thị trường” và “mức giá liền kề chênh lệch lớn” nên nảy sinh khiếu kiện. Hầu hết đều đổ cho yếu tố thị trường. Thực ra, không quá đơn giản như vậy!

Một diện tích đất lớn được thu hồi để quy hoạch KCN Cổ Chiên thuộc xã Thanh Đức,
huyện Long Hồ - Vĩnh Long từ năm 2004, đến nay vẫn còn bỏ hoang. Ảnh: Ca Linh
Trước hết, về vấn đề sở hữu, dù có giải thích thế nào và nông dân có thể chấp nhận nhưng những phát sinh trong quá trình quản lý như các vụ va chạm ở Thái Bình, Kim Nỗ (huyện Đông Anh - Hà Nội), Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên)... là khó tránh. Vì định giá đất để đền bù khi thu hồi thì không phải cứ “sát giá thị trường” là nông dân chịu, cho dù có tính cộng thêm các khoản hỗ trợ, đào tạo nghề... lên đến 150% hoặc 200% giá thị trường.
Bởi nông dân đâu có tính chuyện bán đất. Đơn giản là vì bán đất rồi làm sao mà sống? Lên TP hoặc vào khu công nghiệp thì không quen với điều kiện mới, lại mất đi không gian văn hóa bao đời nay. Đó là chưa nói họ đã mất niềm tin vì nhà đầu tư, cho dù là Nhà nước, sẽ thu lợi lớn từ các dự án kinh tế trên đất của họ, chưa kể cá nhân cán bộ có kẻ lợi dụng “đục nước béo cò”. Là nông dân, chuyện này dễ bị chột dạ lắm bởi đã có nhiều bài học nhãn tiền!

Cần củng cố niềm tin

Chìa khóa để giải quyết vấn đề này là niềm tin. Một thời, suốt 10 năm sau khi nước nhà thống nhất, dân tin Nhà nước nên Nhà nước nói gì cũng nghe và làm theo. Vả lại, thời ấy cán bộ có mấy ai dám “xơ múi” gì của dân, kể cả đất. Họ cùng toàn dân cắn răng chịu đựng, vượt khó, chờ đợi ngày mai khấm khá hơn. Niềm tin ấy nay cơ bản bị lung lay. Đó là cốt lõi của vấn đề làm nảy sinh mọi rắc rối xung quanh đất đai như ta đã thấy.

Soạn thảo, thiết kế luật, trong đó có Luật Đất đai, cho dù hiện đại thế nào đi nữa mà không giải quyết được niềm tin thì chỉ mới có được một nửa tác dụng. Muốn khôi phục niềm tin thì phải cho dân có tiếng nói thật lòng, cho dù cay đắng, đồng thời chính quyền phải biết lắng nghe và đối thoại với dân một cách thật tâm. Ngoài ra, những kẻ đã “ăn” đất của dân, làm mất lòng tin từ dân phải bị trừng trị.

Nguyễn Minh Nhị (Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang)
Theo NLĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.