26/04/2013 7:33 AM
Theo quy định mới được UBND TP Hà Nội ban hành ngày 25-4, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất (từ 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2004) mà không có giấy tờ vẫn được xem xét cấp “sổ đỏ”. Cán bộ, công nhân viên được cơ quan, tổ chức giao đất làm nhà ở trước ngày 1-7-2004 cũng được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngày 25-4, UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định mới về cấp “sổ đỏ” cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Theo đó, hàng loạt các vấn đề vướng mắc đã được tháo gỡ để việc cấp “sổ đỏ” cho người dân thông thoáng, dễ tiếp cận hơn. Đây là cơ sở để Hà Nội có thể kịp hoàn thành cấp hơn 86.420 “sổ đỏ” trong năm 2013.


Thủ tục cấp “sổ đỏ” đã thông thoáng hơn nhiều so với trước đây


Tháo gỡ nhiều nút thắt

Theo quy định vừa được Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh ký ban hành, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất (đã sử dụng từ 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2004) mà không có giấy tờ vẫn được xem xét cấp “sổ đỏ”. Tuy nhiên, đất đó phải được xác nhận là không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch. Các trường hợp được cấp “sổ đỏ” sẽ phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Tương tự, cán bộ, công nhân viên được cơ quan, tổ chức giao đất làm nhà ở trước ngày 1-7-2004 cũng được xem xét cấp “sổ đỏ”. Nếu trên đất đó đã xây dựng nhà ở kiên cố và vi phạm quy hoạch, thì UBND quận, huyện sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể. Nếu đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy, giao thông... thì được phép cấp “sổ đỏ” (nhưng không được vi phạm chỉ giới đường đỏ). Cũng theo quy định mới, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do UBND phường, xã, thị trấn, hợp tác xã nông nghiệp giao làm nhà ở không đúng thẩm quyền trước 1-7-2004, nếu phù hợp quy hoạch và đủ điều kiện cũng được cấp “sổ đỏ”.

Đối với đất sử dụng từ 1-7-2004 trở về sau mà không có giấy tờ, UBND TP nêu rõ: “Nhà nước không công nhận quyền sử dụng đất, không cấp Giấy chứng nhận và thu hồi toàn bộ diện tích đất do lấn chiếm và đất được giao, cho thuê không đúng thẩm quyền hoặc chuyển đổi mục đích trái pháp luật kể từ ngày 1-7-2004 trở về sau”. TP giao UBND quận, huyện có trách nhiệm lập hồ sơ thu hồi toàn bộ theo thẩm quyền.

Quy định mới cũng thoáng hơn rất nhiều khi cho phép cấp “sổ đỏ” cho các trường hợp sử dụng đất nằm trong hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng. Đương nhiên, trên “sổ đỏ” sẽ ghi rõ là “đất nằm trong hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng”. Ngoài ra, nhằm ngăn chặn nạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ có trách nhiệm khi làm thủ tục cấp “sổ đỏ” cho dân, UBND TP giao Sở TN-MT thanh tra, kiểm tra, phát hiện và đề xuất xử lý những cán bộ, công chức vi phạm.

Chung cư mini được cấp “sổ đỏ”

Theo đó, loại hình chung cư mini (nhà ở do hộ gia đình, cá nhân xây dựng có từ 2 tầng trở lên - mỗi tầng có từ 2 căn hộ khép kín trở lên, diện tích tối thiểu là 30m2 và đáp ứng các quy định về nhà chung cư) sẽ được xem xét cấp “sổ đỏ”. Tuy vậy, chung cư mini phải được xây dựng theo Giấy phép xây dựng được cấp có thẩm quyền cấp, đảm bảo quy chuẩn xây dựng theo quy hoạch 1/500 thì được cấp Giấy chứng nhận với hình thức sử dụng đất là sử dụng chung. Hộ gia đình, cá nhân xây chung cư mini thay mặt các hộ gia đình, cá nhân mua căn hộ làm thủ tục giấy chứng nhận quyền sở hữu các căn hộ khi làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất và chuyển quyền sở hữu nhà ở theo quy định.

Đáng chú ý, nếu công trình xây dựng không phép hoặc sai phép sẽ không được cấp “sổ đỏ”. Như vậy, người mua chung cư mini cần xem xét kỹ giấy tờ khi tiến hành giao dịch để tránh rơi vào trường hợp bán không được ở không xong.

Để khuyến khích người dân làm thủ tục cấp “sổ đỏ”, UBND TP Hà Nội cho phép ghi nợ tiền lệ phí trước bạ nếu người sử dụng đất chưa có khả năng tài chính. Khi muốn chuyển nhượng nhà đất, người dân phải nộp đủ số lệ phí còn nợ. TP Hà Nội cũng quy định cho phép ghi nợ tiền sử dụng đất khi cấp “sổ đỏ”. Cụ thể, hộ nghèo và hộ dân tộc ít người sẽ ghi nợ trên Giấy chứng nhận. Khi thanh toán nợ, người dân được trả dần trong thời gian tối đa là 5 năm. Khi muốn thực hiện các giao dịch (mua bán, cho thuê...), người dân phải nộp cho Nhà nước số tiền còn nợ. Cơ quan có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm xóa số tiền nợ đã ghi trên “sổ đỏ”. Đặc biệt, các giao dịch đối với đất có “sổ đỏ” còn ghi nợ sẽ không có giá trị pháp lý. Đây là điều người dân cần hết sức lưu ý khi mua bán nhà đất. Nếu không kiểm tra kỹ, mua phải đất tuy có “sổ đỏ” nhưng còn ghi nợ thì giao dịch bị xem là vô hiệu.

Chính Trung (An ninh Thủ đô)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.