Trong khi đất dành cho bệnh viện, trường học, khu vui chơi luôn thiếu thốn, Hà Nội vẫn rất chậm chạp trong việc thu hồi các dự án bỏ hoang. Điều này dẫn đến tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần không ra” ngay tại trung tâm TP.

Bỏ hoang hàng loạt

Có thể nói Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều dự án treo nhất nước. Tính đến hết tháng 6-2013, TP vẫn còn 131 dự án, chiếm tới hơn 1.618ha đất chậm triển khai và chưa triển khai giải phóng mặt bằng.

Thống kê của UBND TP cho thấy có 30 dự án vướng mắc về chính sách; 28 dự án vướng mắc do khiếu nại của người dân; 16 dự án chậm triển khai do thiếu vốn hoặc thiếu quỹ nhà tái định cư; 4 dự án chưa triển khai do quyết định hết hiệu lực; 18 dự án chủ đầu tư không liên hệ với địa phương để thực hiện; 6 dự án chủ đầu tư tự thỏa thuận bồi thường và 7 dự án có khó khăn, vướng mắc khác chưa triển khai. TP đã phải ra tối hậu thư buộc giải quyết dứt điểm 131 dự án này trong năm 2013.

Trước đó, vào giữa năm 2012, UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo kiểm tra và phát hiện 32 khu đất có sai phạm trên địa bàn 4 quận, huyện (Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Từ Liêm), với diện tích khoảng 488.545m2 của 23 chủ đầu tư.

Trong số đó, trên 15 khu đất trống chưa sử dụng với diện tích 309.368m2; 10 khu đất các chủ đầu tư được giao quản lý nhưng sử dụng sai mục đích (làm bãi đỗ xe, quán ăn, sân bóng đá mini, gara sửa ô tô...) với diện tích 159.328m2.

Nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã bị nêu đích danh vì bỏ hoang đất nhiều năm như Tổng CTCP Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Xây dựng Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội...

Tuy nhiên, cho đến nay, tình hình thu hồi các dự án bỏ hoang hoặc chậm triển khai vẫn chưa tiến triển, nhiều dự án lớn vẫn trong tình trạng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Điển hình như ô đất ký hiệu D23, rộng trên 5.000m2 thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (bỏ hoang từ năm 2008); ô đất mang ký hiệu BĐX, CXTT trên 9.000m2 thuộc Khu đô thị Mễ Trì Hạ (huyện Từ Liêm) của CTCP Tu tạo và Phát triển nhà; ô đất ký hiệu CC1, rộng 7.463m2, thuộc Khu đô thị Mỹ Đình II (huyện Từ Liêm) của HUD…

Còn tại quận Hà Đông, địa bàn được cho là “thiên đường” của dự án hoang, có thể dễ dàng thấy những dự án đình đám đang trong tình trạng cỏ mọc lút đầu như Booyoung Vina, Park City…

Thiếu sự kiên quyết

Còn nhớ tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội vào cuối năm 2012, một đại biểu đã thẳng thắn nêu lên tình trạng bất cập của việc thu hồi đất trên địa bàn: thu hồi đất của các hộ dân phục vụ cho doanh nghiệp phát triển kinh tế làm rất quyết liệt, thậm chí tổ chức cưỡng chế, trong khi dự án doanh nghiệp 10 năm không triển khai, lại ở những vị trí đắc địa, việc thu hồi lại rất khó khăn.

Đó cũng chính là thực trạng nhiều năm qua của Hà Nội, đó là điểm danh nhiều, thu hồi ít. Thậm chí có dự án đã bị nêu tên qua nhiều lần kiểm tra nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn là ô đất để hoang, chủ đầu tư cho thuê lại để kinh doanh bãi rửa xe, nhà hàng. Nhiều dự án chiếm đất hàng chục năm nhưng bỏ không, trong khi phường chủ quản phải gửi học sinh đi học nhờ vì không có đất xây trường.

Việc chậm thu hồi dự án bỏ hoang khiến dư luận bức xúc.

Trên thực tế, mặc dù luật đã quy định rõ ràng về thời gian thu hồi dự án nhưng khi áp dụng vào thực tế không dễ. Đa phần dự án đều chậm triển khai 5-6 năm, thậm chí hàng chục năm nhưng TP Hà Nội vẫn chưa thể thu hồi. Mới đây nhất, cuối tháng 9, UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi gần 12.633m2 đất thuộc 2 dự án BĐS chậm triển khai để ưu tiên đầu tư xây dựng trường học, nhà văn hóa. Điều đặc biệt, 2 dự án này cùng nằm trên địa bàn quận trung tâm Ba Đình và đã để hoang đến… 14 năm.

Theo ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, theo quy định của pháp luật, dự án không triển khai quá 12 tháng hoặc triển khai chậm quá 24 tháng sẽ bị thu hồi, nhưng việc thu hồi không đơn giản nếu chủ đầu tư đã đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhiều địa phương gặp khó vì không đủ kinh phí để hoàn trả cho chủ đầu tư đã trả tiền thuê đất, sử dụng đất. Đây là một trong những lý do khiến nhiều địa phương chưa kiên quyết trong việc thu hồi.

Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp không thể triển khai dự án nhưng cũng không chịu trả lại, đã khiến việc thu hồi trở nên khó khăn hơn. Một số dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chủ đầu tư đã rút khỏi Việt Nam hoặc chỉ để lại bộ phận văn phòng khiến việc giải quyết trở nên mất thời gian, đặc biệt khi dự án đã triển khai được một phần. Nhiều chủ đầu tư khác lại tìm đủ mọi cách để “câu giờ”, như tái khởi động dự án rồi tiếp tục bỏ hoang.

Một số dự án khác do chủ đầu tư đã đổ rất nhiều tiền và công sức nhưng kinh tế suy thoái không thể tiếp tục triển khai nên TP còn nhân nhượng xem xét. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất do chính quyền địa phương đã không kiên quyết thu hồi.

Nếu kiên quyết, việc thu hồi không khó. Luật đã có quy định rõ ràng, thậm chí ngay cả những dự án FDI, chủ đầu tư đã rút về nước cũng có thể thông qua cơ quan chủ quản của họ để thông báo, nên đối với các dự án trong nước càng dễ. Một khi đã đúng luật họ không thể không thực hiện.

Ông Phạm Sỹ Liêm,
Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Hoài Trâm (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.