Đặt ga ngầm trước trụ sở EVN Hà Nội sẽ giảm thiểu thấp nhất tác động tới cảnh quan Hồ Gươm
Ga C9 ngầm dưới đất 15-20 m
Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, Phó Giám đốc Sở QH-KT Dương Đức Tuấn cho biết, nghiên cứu cụ thể về đường sắt đô thị Hà Nội đã được UBND TP và cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) bắt đầu từ năm 2004. Trên cơ sở xem xét số liệu khảo sát cụ thể, đánh giá tổng thể tác động môi trường, xã hội, kinh tế, tính hiệu quả... các nghiên cứu đã thống nhất lựa chọn phương án tuyến đi qua khu vực phố cổ. Trong giai đoạn tiếp theo, các nghiên cứu này đã được cụ thể hóa bằng hàng loạt các văn bản pháp quy của cơ quan có thẩm quyền. Đương nhiên, trong quá trình nghiên cứu lập dự án, TP Hà Nội luôn tham vấn các bộ, ngành, hiệp hội nghề nghiệp và cơ quan có liên quan về hướng tuyến cũng như việc lựa chọn địa điểm quy hoạch ga ngầm C9 (nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội - EVN Hà Nội) và đều nhận được sự đồng thuận.
Đại diện Sở QH-KT cho biết, phương án được chọn nói trên (từ 3 phương án nghiên cứu như Báo An ninh Thủ đô đã đề cập) cũng đã được Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch TP và Bộ VH-TT&DL, cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa và di sản, thống nhất cao. Dù vậy, khi có chỉ đạo rà soát lại một lần nữa các phương án đặt ga C9 của UBND TP, Sở QH-KT vẫn tiếp tục tổ chức một cuộc họp với tất cả các cơ quan liên quan. Tại đây, các đơn vị và bản thân đơn vị sử dụng đất (EVN Hà Nội) đã thống nhất vị trí quy hoạch ga C9 như đã đề cập.
Phó Giám đốc Dương Đức Tuấn nói: “Nhiều người nghĩ ga C9 sẽ chiếm diện tích đất lớn nên lo lắng song không phải như vậy. Cần nhắc lại, đây là ga ngầm. Toàn bộ ga sẽ nằm sâu dưới mặt đường từ 15-20 m. Sẽ có từ 2-4 lối lên, tùy theo lưu lượng hành khách, với bề rộng chỉ khoảng 3m/lối lên và được bố trí linh hoạt ở các vị trí khác nhau”. Phó Giám đốc Sở QH-KT cho biết: “Một vài hạng mục nổi như tháp làm lạnh, giếng thông gió (rộng chừng 20-30 m2, cao 4m) được xem xét, bố trí lùi vào các ô đất phía trong liền kề, cách rất xa mặt hồ. Nói chung, dù lối lên có bố trí gần mặt đường Đinh Tiên Hoàng thì cảnh quan hầu như không ảnh hưởng gì, nếu không nói là vẫn y như hiện nay”.
Lựa chọn tối ưu
Lý giải việc không thể chọn vị trí nào khác, ông Dương Đức Tuấn phân tích: “Đây là vấn đề kỹ thuật bắt buộc chứ không phải thích đặt ga ở đâu là được. Ga C10 (ga tiếp theo của C9) đặt ở đầu phố Hàng Bài – Trần Hưng Đạo là không thể thay đổi, vì là điểm giao cắt với tuyến đường sắt số 3. Tương tự, ga C8 (ga trước của C9) đặt ở Vườn hoa Hàng Đậu cũng bất di bất dịch vì là điểm giao cắt với tuyến đường sắt số 1. Các nguyên tắc kỹ thuật buộc ta phải đặt ga C9 trên phố Đinh Tiên Hoàng. Tính toán mấy thì cũng chỉ dịch chuyển vị trí được vài chục mét thôi”.
Ông Dương Đức Tuấn cũng nhấn mạnh, việc đặt ga C9 trên phố Đinh Tiên Hoàng sẽ tạo cơ hội thuận tiện cho người dân tiếp cận các di tích văn hóa – lịch sử, trung tâm thương mại ở khu vực Hồ Gươm và phụ cận: “Sao phải “trốn” đặt ga metro ở đó? Nên đưa đường sắt tới để khai thác du lịch, thương mại tốt hơn chứ. Việc hình thành tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm cũng không ảnh hưởng gì. Nó sẽ hỗ trợ đường sắt đô thị chứ không có gì cản trở”.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở QH-KT, sau khi TP chấp thuận giữ nguyên địa điểm quy hoạch ga C9 (nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước EVN Hà Nội), bước tiếp theo sẽ phải làm Quy hoạch tổng mặt bằng của ga ngầm cùng phương án kiến trúc để xác định cửa lên xuống của ga ngầm đặt ở vị trí nào, tháp làm lạnh đặt ở đâu... Ông Dương Đức Tuấn nói: “Chúng tôi luôn thận trọng và ý thức rất rõ việc bảo vệ không gian Hồ Gươm. Do vậy, quy hoạch tổng mặt bằng sẽ được cơ quan tư vấn của nước ngoài, chủ đầu tư dự án và các cấp, ngành nghiên cứu chi tiết, kỹ lưỡng trước khi trình duyệt”.