Theo thống kê của tỉnh Cà Mau, hiện có trên 4.219ha đất công được giao khoán cho trên 30 tổ chức tự túc sản xuất. Điều đáng nói là những đơn vị nhận khoán hầu hết không sản xuất, kinh doanh mà khoán lại cho cá nhân để “thu tô” hằng năm. Thậm chí có đơn vị không biết đất của mình nằm ở vị trí nào.

Từ năm 2002, Tỉnh ủy Cà Mau đã ban hành Chỉ thị 10 nhằm chấn chỉnh lại việc giao đất công cho các tổ chức tự sản xuất. Quan điểm của Tỉnh ủy rất rõ ràng, cương quyết thu hồi diện tích đất giao cho các tổ chức, đơn vị không trực tiếp sản xuất, để cấp cho dân nghèo không có đất. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 10 của Tỉnh ủy, những đơn vị nhận khoán đất công vẫn không trả lại đất, với diện tích lên đến hàng ngàn hécta.

Trên 4.219ha được giao khoán sản xuất

Đó là con số thống kê chính thức của đoàn công tác của Tỉnh ủy Cà Mau được công bố vào tháng 4.2012. Theo đó, có 26 đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận 1.377,33ha. Cụ thể, tại huyện Ngọc Hiển có 2 đơn vị nhận 63ha; huyện Đầm Dơi - 7 đơn vị nhận 835,3ha; huyện Năm Căn - 17 đơn vị nhận 479ha. Ngoài ra, có đến 8 đơn vị nhận khoán đất rừng với diện tích 185,6ha.

Ngoài các đơn vị trong và ngoài tỉnh, lực lượng vũ trang cũng nhận đất tự túc với diện tích lớn không sản xuất. Cụ thể, CA tỉnh quản lý sử dụng 4 phần đất tự túc với diện tích 528,2ha; các phòng nghiệp vụ trực thuộc CA tỉnh quản lý đến 246ha; CA các huyện, thành phố quản lý 168,8ha. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý 1.900ha... Tổng số diện tích các sở, ngành, đơn vị (bao gồm cả lực lượng vũ trang) quản lý trên 4.219ha đất. Hầu hết diện tích đất đều là đất vuông tôm, đất rừng kết hợp với nuôi tôm, có rất ít đất rừng phòng hộ (186,5ha).

Trong danh sách mà PV Báo Lao Động có được thể hiện các đơn vị nhận đất hoàn toàn không có chức năng, quyền hạn để tự sản xuất. Điển hình như: Sở Y tế tỉnh; Đoàn cải lương Hương Tràm; Hội Cựu chiến binh huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu; Báo Cà Mau; Thông tấn xã Việt Nam tại Cà Mau...

Sang bán, cho thuê tràn lan

Văn phòng UBND huyện Ngọc Hiển nhận 44,7ha đất tự túc tại thửa số 694, khoảnh 33, tiểu khu 165, phân trường Ngọc Hiển. Thay vì tự sản xuất để tạo nguồn kinh phí, huyện có chủ trương “phát canh” cho ông Đặng Quang Tăng để hằng năm “thu tô”. Làm ăn với nhau không bao lâu, ông Tăng và UBND huyện Ngọc Hiển kéo nhau ra tòa vì tranh chấp hợp đồng giao khoán. Ban Tài chính Tỉnh ủy Cà Mau nhận 117ha tại khoảnh 14, tiểu khu 93 xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, rồi giao khoán lại cho ông Huỳnh Cao Lực trực tiếp sản xuất.

Hằng năm ông Lực phải nộp một số tiền cho Ban Tài chính Tỉnh ủy. Do ông Lực đã đầu tư khá nhiều vào khoảnh đất này, nên vẫn chưa bàn giao lại cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đầm Dơi. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đầm Dơi có 14,4ha đất tại thửa số 248, khoảnh 42, tiểu khu 97 xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, rồi giao lại cho 3 hộ để hằng năm “thu tô”. Được giao diện tích đến 518ha, Cty dịch vụ giống cây trồng – thủy sản Cà Mau không tự sản xuất mà tự tiện ký hợp đồng giao khoán cho 100 hộ, thời gian giao khoán 12 năm, mãi đến năm 2013 mới hết hạn hợp đồng, để lấy tiền “tô”.

Không chỉ giao khoán, các tổ chức, đơn vị nhận khoán đất tự túc không sản xuất thay vì trả lại cho Nhà nước, họ lại tự động bán cho các cá nhân. Điển hình là Trung tâm Lao động giáo dục tỉnh Cà Mau – trực thuộc Sở LĐTBXH tỉnh - nhận 136,4ha tại huyện Năm Căn, rồi tự ý sang nhượng cho 10 hộ. Xí nghiệp đông lạnh Đầm Dơi nhận 18,3ha, rồi tự ý chuyển nhượng cho 2 hộ; Hội Cựu chiến binh tỉnh Cà Mau nhận 13ha, tự ý chuyển nhượng cho 1 hộ.

Có đến 29 cơ quan, đơn vị nhận khoán rồi tự điều chỉnh giao cho các hộ dân canh tác và 4 đơn vị tự ý chuyển nhượng sai quy định. Điều hết sức lạ lùng là tất cả những “ông chủ đất” đều trả lời với PV Lao Động, không biết đất mình ở đâu hoặc đổ lỗi cho những người tiền nhiệm.

Theo Lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.