02/10/2014 9:21 PM
Có người sở hữu hàng nghìn m2 đất nhưng không thể cất nổi một căn nhà cho con cái ở tạm; có người vừa dựng lán trồng lan chăm kiểng ngay trên đất của mình để tìm nguồn sống cho cả gia đình hàng chục người thì bị tháo dỡ; có người bị bệnh nặng phải cưa chân nhưng không thể cho thuê hoặc sang nhượng đất để lấy tiền chữa bệnh... Hoàn cảnh trớ trêu này của hàng trăm hộ dân tại khu phố (KP) 3, KP 8, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM đã diễn ra hơn 10 năm qua, chỉ vì đất đai của họ nằm trong khu quy hoạ

Căn nhà này ba lần cất tạm đều bị chính quyền tháo dỡ

Hoang phí “tấc vàng”

Đưa chúng tôi ra tận khu đất nông nghiệp rộng hàng ngàn m2 cỏ dại mọc um tùm, ông Đỗ Văn Tài (ngụ tại 12/5 KP.3) kể: "Câu “tấc đất tấc vàng” của người xưa đã không còn đúng với chúng tôi, vì từ khi có quy hoạch, người dân ở đây không thể cất nhà cho con; khó khăn quá làm đơn xin được cất tạm nhà kính cấy mô, trưng bày lan, nhưng đều không được chấp nhận, bị tháo dỡ, đành để đất phơi sương phơi nắng. Giấy tờ nhà đất “dính” quy hoạch nên không ngân hàng nào cho vay. Nhà có hơn 1.000m2 đất nhưng vợ chồng tôi không thể cất nhà cho con trai, đành để nó đi ở rể tận Hóc Môn, nghĩ mà xót xa”.

Ông Võ Văn Ghê buồn rầu: “Nhà có 10 người con chưa kể dâu rể, cháu chắt đành phải sống chung với nhau, hết sức chật chội. Gia đình đông con, đất rộng mênh mông, có chủ quyền hẳn hoi nhưng 10 năm qua chỉ để trồng cỏ cho bò ăn. Suốt từ đó đến nay, nói là quy hoạch nhưng có thấy ai làm gì đâu, trong khi nhà của tôi đang xuống cấp, muốn xây dựng lại cho khang trang thì không được cấp phép mà chỉ được hướng dẫn “xây dựng tạm”.

Cũng hoàn cảnh tương tự, cụ Võ Văn Manh, 74 tuổi (ngụ tại 12/11 KP.8) cho biết: “Nhà có hơn 1.700m2 đất ruộng, nay tôi ở tuối xế chiều muốn cho con miếng đất cất nhà không được, tính xây ki-ốt cho thuê cũng không xong…”.

“Giàu có” hơn là ông Võ Văn Ghê (ngụ tại 28/10 - KP.8) sở hữu khoảng 8.000m2 đất nhưng vì nằm trong quy hoạch nên khi con trai cưới vợ, ba lần ông cất nhà cấp 4 cho con thì ba lần bị phường tháo dỡ, chỉ còn lại mấy bức tường lẫn trong đám cỏ dại mọc cao gần nửa người.

Bi đát hơn là trường hợp của ông Đỗ Văn Lưu bị tiểu đường lâu năm nhưng không có tiền chữa bệnh. Chỉ khu đất gần 5.000m2, ông Lưu bức xúc: “Từ khi khu đất này bị liệt vào quy hoạch công viên cây xanh thì không ai dám mua. Tôi bệnh nặng, nếu Nhà nước cho xây vài ki-ốt hoặc bán được vài chục mét đất thì đâu phải chấp nhận cưa chân đau đớn như thế này. Tôi đang sống cùng con trai làm công nhân, thu nhập năm triệu đồng/tháng nhưng nó còn phải nuôi hai đứa con. Giờ tôi chỉ mong Nhà nước triển khai sớm dự án để bồi thường cho người dân hoặc là xóa quy hoạch để người dân bớt khổ”.

Ông Nguyễn Văn Của (ngụ 12/3 KP.8) cho biết: Ở đây có hàng trăm hộ dính quy hoạch, mỗi hộ ít thì cũng có hơn 1.000m2 đất. Tất cả rất bức xúc, khốn khổ vì hàng chục năm nay dự án chưa được triển khai. Cha mẹ ông đều ngoài 80 tuổi, già yếu nằm liệt giường, ông muốn bán lô đất lấy tiền chăm sóc cha mẹ nhưng không thể. Ông Của chua xót: “Cứ tình hình này thì nhiều người đến tận ngày nhắm mắt cũng chẳng được nhìn thấy dự án triển khai và không được nhận tiền bồi thường”.

Cảnh tương phản giữa khu vực trong và ngoài khu quy hoạch

Phường đổ quận, quận đổ Sở

Theo quyết định 121/QĐ-UB ngày 31/5/2004 của UBND Q.12, tại P.Tân Chánh Hiệp sẽ có 310ha quy hoạch trong đó có 33,7ha đất cây xanh.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, đối với khu đất nông nghiệp, khu đất mở rộng mà người dân có trước quy hoạch thì chủ trương vẫn cho tách thửa, nhưng với điều kiện UBND phường phải xác nhận hộ đó có nhu cầu. “Đất nông nghiệp, muốn xây vườn ươm, công trình phục vụ sản xuất phải cho chứ sao lại không cho”, ông Toàn nói.

Trao đổi với phóng viên, bà Đỗ Thị Kim Yến, Phó chủ tịch UBND P.Tân Chánh Hiệp, cho biết, theo thẩm quyền, quận quy hoạch, phường chỉ quản lý quy hoạch được duyệt. Một đại diện khác của UBND P.Tân Chánh Hiệp cho biết thêm, cách đây khoảng tám tháng, phường có công văn gửi UBND Q.12 đề xuất kiến nghị và xin ý kiến của Sở Xây dựng đối với các trường hợp có đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch được cải tạo cuộc sống, nhưng Sở Xây dựng đã không đồng ý.

Trong khi đó, theo bà Lương Ngọc Oanh, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị Q.12, đồ án quy hoạch công viên cây xanh tại P.Tân Chánh Hiệp đang được quận điều chỉnh, tuy nhiên chưa rõ khi nào xong. Sở dĩ dự án chưa thực hiện được vì ngân sách của quận chưa đủ. Khi được hỏi đây có phải là dự án “treo” hay không thì bà Oanh cho biết, theo Luật Quy hoạch, phải có các chỉ tiêu đất công cộng trồng cây xanh, còn vấn đề “treo” hay không “treo” là do ngân sách tài chính. Chúng tôi chất vấn: “Liệu người dân còn chờ đợi đến bao giờ?” thì bà Lương Ngọc Oanh khẳng định: “Câu trả lời không thuộc thẩm quyền của Q.12”.

Ngày 30/9, phát biểu tổng kết tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 19, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chỉ đạo: dứt khoát trong quý IV cho đến hết năm nay, phải xóa cho hết quy hoạch treo vì chính nó gây khó, gây khổ cho dân.

Làm việc với phóng viên Báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM cho biết, đồ án quy hoạch công viên cây xanh thuộc quy hoạch định hướng, cần thiết phải có, nhưng phải có sự điều chỉnh cho phù hợp. Riêng đồ án công viên cây xanh tại P.Tân Chánh Hiệp đang được điều chỉnh do có sự thay đổi hướng tuyến monorail (cụ thể là tuyến số 3 lộ trình ngã tư Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh - ga Tân Chánh Hiệp - PV); chưa triển khai được do khó khăn về nguồn vốn. Hiện Sở đang chờ Q.12 chuyển hồ sơ lên để thẩm định tiếp. Để đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh đồ án quy hoạch này, Sở sẽ thường xuyên nhắc nhở, mời quận lên họp, chứ không thể để tình trạng “trôi thế nào thì trôi, làm thế nào thì làm; không thể để công tác làm đồ án quy hoạch quá 11 tháng mà luật đã quy định”.

Ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết thêm, để tháo gỡ khó khăn cho người dân trong các khu quy hoạch, TP đã ban hành quyết định 27/2014 ngày 4/8/2014 về cấp phép xây dựng. Theo đó, dù nằm trong quy hoạch, có chủ quyền sử dụng, được tạo lập trước khi có quy hoạch thì người dân vẫn được cấp giấy phép xây dựng tối đa ba tầng nếu có nhu cầu. Ngoài ra, theo chỉ đạo của lãnh đạo TP, từ nay về sau không được ghi vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phần đất hoặc vị trí nằm trong quy hoạch; như vậy là làm khó dân.

Khi đề cập đến chuyện người dân vẫn rất “mù mờ” về các chính sách mang tính “cởi trói” của TP thông qua quyết định 27/2014 kể trên, ông Nguyễn Thanh Toàn cho rằng, cán bộ phường xã chưa phổ biến cho người dân là không được, làm như vậy sẽ khổ bà con. “Quận là cơ quan lập quy hoạch thì phải có trách nhiệm, phối hợp với đơn vị tư vấn lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Nếu đồ án quy hoạch không khả thi, bất cập quá, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân thì quận phải có trách nhiệm kiến nghị đưa vào nội dung điều chỉnh. Nhân viên của tôi mà trả lời rằng không biết, không rõ trách nhiệm như vậy chính là thiếu trách nhiệm”, ông Nguyễn Thanh Toàn thẳng thắn.

Quỳnh Mai - Tình Xuân (Phụ nữ TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.