Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 43/NQ-CP về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh.

“Cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư và đảm bảo thi hành có hiệu quả Luật Đất đai; tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; cắt giảm ít nhất 40% thời gian thực hiện gắn với tiết kiệm tối đa chi phí, thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế; nâng cao vị trí xếp hạng của Việt Nam về chỉ số thuận lợi kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy thu hút đầu tư, góp phần phòng chống tham nhũng và phát triển kinh tế - xã hội” - nghị quyết nêu rõ.

TS Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức, cho rằng giá nhà, đất tại Việt Nam cao cũng có một phần nguyên nhân từ thủ tục. Thủ tục càng nhiều, thời gian thực hiện càng lâu, vì vậy chi phí càng lớn, do đó tạo nên giá thành sản phẩm cao là điều khó tránh khỏi. Một dự án phát triển nhà ở thông thường kéo dài 3 đến 4 năm mới có thể khởi công, cá biệt có những dự án kéo dài đến cả chục năm.

TS Hiếu cho rằng, nghị quyết này rất phù hợp và đáp ứng sự mong đợi của nhà đầu tư vì quy định cụ thể và thời gian thực hiện từng hạng mục theo hướng nhanh gọn. Chỉ đạo “cắt giảm ít nhất 40% thời gian thực hiện” là người đứng đầu Chính phủ đã thấu hiểu nỗi khổ của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Hàng loạt nội dung từ nghị quyết đã “chỉ đúng tên, gọi đúng bệnh” mà lâu nay người dân - doanh nghiệp kêu ca, tác động xấu đến môi trường đầu tư.

Cụ thể, tại khoản h, điểm 1, Điều 2 của nghị quyết nêu rõ: “Không yêu cầu thực hiện việc cấp phép xây dựng đối với công trình dự án đầu tư thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500”. Chỉ riêng quy định này đã tháo gỡ khó khăn cho hàng loạt doanh nghiệp, người dân đang ngắc ngứ vì trước đó dù dự án đã được phê duyệt quy hoạch 1/500, có mẫu nhà nhưng khi người dân muốn xây nhà cũng phải xin phép (báo SGGP ngày 20-4-2014 đã đăng bài “Mắc kẹt vì đất nền dự án”).

Đại diện CTCP Đầu tư Him Lam cho biết, dự án nhà ở tại quận 7 mỗi lần đi xin phép xây dựng, công ty phải chuẩn bị rất nhiều giấy tờ liên quan và đưa đến cơ quan chức năng để xem xét cấp phép cho từng nền nhà. “Việc cấp phép cho từng căn nhà đã có quy hoạch 1/500 chẳng khác gì cấp phép lần hai, gây phiền hà, lãng phí thời gian tiền bạc cho xã hội. Không cần cấp phép, cơ quan chức năng vẫn có thể giám sát về quy hoạch, mẫu nhà… khi người dân tiến hành xây dựng dựa vào quy hoạch 1/500” - một lãnh đạo doanh nghiệp cho biết.

Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm xây dựng văn bản sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ các quy định về thủ tục hành chính theo các nhiệm vụ đã được phê duyệt của nghị quyết này để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trước ngày 15-10-2014. Đến nay, doanh nghiệp đã đi hết gần 1/2 đoạn đường làm ăn của 1 năm.

Như vậy sự khởi đầu cho những quy định mới từ nghị quyết này xem như gần hết năm nay mới có thể triển khai được. Do đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng triển khai những quy định mới để “khơi thông” lòng tin cho doanh nghiệp và người dân.

Đỗ Trà Giang (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.