Dự án khu đất vàng nằm ngay góc đường Hai Bà Trưng và Hàng Bài.
Đền bù kỷ lục, dân vẫn không nhận
Trao đổi với phóng viên, ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho hay, dù đã qua thời hạn các hộ dân còn lại thuộc dự án Trung tâm thương mại 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng phải bàn giao nhà đất cho dự án, song Quận vẫn chưa thể thực hiện cưỡng chế vì các hộ dân tiếp tục có đơn thư khiếu nại.
Trong khi đó, được biết, hiện các ban ngành và Thanh tra TP Hà Nội đang tiến hành kiểm tra nội dung đơn thư của các hộ dân tại dự án theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội.
Nhìn lại việc giải phóng mặt bằng tại dự án này, ngay từ đầu, chủ đầu tư đã áp dụng hình thức bồi thường kỷ lục. Cụ thể, bồi thường hỗ trợ cho phần diện tích tầng 1 (thông tầng) là 500 triệu đồng/m2; tầng 1 không có nóc: 300 triệu đồng/m2 và tầng 2 là 200 triệu đồng/m2.
Theo đại diện chủ đầu tư, ông Trần Hồng Sơn, Phó Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Thời đại mới T&T, nhiều hộ đã nhận tiền, đủ mua được cả biệt thự ở nơi khác, vẫn còn dư tiền tỷ gửi tiết kiệm dưỡng già. Có hộ còn gửi thư cảm ơn, nhờ có dự án mà đổi đời.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn hai hộ chưa đồng ý di dời, dù chủ đầu tư đã chấp nhận tăng giá bồi thường tới 1 tỷ đồng/m2. Nhìn ở góc độ nhà đầu tư, ông Sơn nói: "Chúng tôi không thể xuống thang nữa, đó là giá chịu không nổi rồi. Chúng tôi quá mệt mỏi vì dự án này rồi. Kiểu này làm sao thành phố chỉnh trang được bộ mặt đô thị".
Ông Hoàng Quốc Định, con trai cụ Hoàng Đình Trung (đại diện của hai hộ dân cuối cùng) cho biết, chúng tôi chưa chấp nhận mức bồi thường này, chưa hẳn là vì tham tiền, mà vì dự án còn nhiều ẩn khúc chưa được làm rõ.
Theo Quyết định 7774 của UBND TP Hà Nội thì hơn 4.000m2 đất của dự án được giao cho Cty Kinh doanh & Xây dựng nhà (thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội), đây là doanh nghiệp nhà nước. Sau đó, doanh nghiệp này thực hiện cổ phần hóa, đổi tên thành Cty cổ phần Kinh doanh và Xây dựng nhà.
Đến thời điểm này, đơn vị triển khai thực hiện dự án lại là Cty cổ phần Thời đại mới T&T. Công ty này có đến 96% là vốn của các thể nhân và pháp nhân khác, trong khi đó Cty cổ phần Kinh doanh và Xây dựng Nhà chỉ có 4% vốn.
"Trong trường hợp này thì Nhà nước không áp dụng việc thu hồi đất để thực hiện các dự án không thuộc nhóm A (phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng, công cộng...) thì nhà đầu tư phải thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng với dân. Họ tung hô rằng đền bù mức kỷ lục 1 tỷ đồng/m2 nhưng thực ra diện tích đất phải thỏa thuận với dân rất ít, chủ yếu là đất của Nhà nước được thuê với giá bèo ở vị trí đắc địa" - Ông Định phân tích.
Với mức giá này, không chỉ người dân mà lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cũng cho rằng: "Dự án có diện tích đất bị thu hồi nằm ở vị trí đẹp, có khả năng sinh lời rất cao, địa tô chênh lệch giữa giá đất thực tế theo thị trường và giá đất quy định của TP là rất lớn".
Những dấu hỏi?
Có được cưỡng chế giải phóng mặt bằng? Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN &MT, luật pháp hiện nay quy định thẩm quyền quyết định giá đất đền bù do UBND tỉnh, thành phố quyết định. "Nếu dự án thuộc khung phải thỏa thuận thì không thể cưỡng chế được". Ông Võ cũng phân tích, Luật Đất đai năm 2003 quy định rõ những trường hợp nào thì nhà nước mới thu hồi, cụ thể nhà nước chỉ thu hồi đất khi thực hiện các dự án đầu tư có vốn 100% của nước ngoài; các dự án xây dựng hạ tầng chung; các dự án phục vụ cho quốc phòng, an ninh, phục vụ mục đích công cộng. |
Quyết định này cũng ghi rõ, sau 12 tháng kể từ ngày giao nhận đất, nếu Cty không triển khai xây dựng thì Sở Tài nguyên & Môi trường lập hồ sơ trình UBND TP thu hồi quyết định cho thuê đất.
Đến tháng 5-2009, UBND TP Hà Nội lại có quyết định điều chỉnh tên chủ đầu tư sử dụng đất từ Cty Kinh doanh và Xây dựng nhà thành Cty cổ phần Kinh doanh và Xây dựng nhà (do doanh nghiệp này thực hiện cổ phần hóa theo chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước), đồng thời yêu cầu doanh nghiệp này ký lại hợp đồng thuê đất. Thời hạn thuê đất cũng được nâng từ 20 năm lên thành 50 năm.
Đáng ra, quá thời hạn, chủ đầu tư không thực hiện được dự án, khu đất phải được thu hồi. Tuy nhiên, thay vì thu hồi, tháng 9-2009, dự án được chuyển giao cho một pháp nhân mới, Công ty cổ phần Thời đại mới T&T làm chủ đầu tư.
Pháp nhân mới này được thành lập bởi các cổ đông sáng lập: Cty Cổ phần Kinh doanh và Xây dựng nhà Hà Nội (góp vốn 80%); Cty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (góp vốn 14%) và 2 cá nhân khác góp 4% và 2%.
Tuy nhiên sau đó, tỷ lệ góp vốn của các bên trong Cty Cổ phần Thời đại mới T&T có sự thay đổi: Cty Cổ phần Kinh doanh và Xây dựng nhà Hà Nội chỉ còn giữ 4% vốn, hai cá nhân khác giữ 4% và 2% vốn, còn Cty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh nắm giữ 90% vốn.
Theo Bộ Xây dựng, hồ sơ dự án đã thực hiện theo hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư nhưng lại thành lập pháp nhân mới (Cty Cổ phần Thời đại mới T&T) là không phù hợp với Luật Đầu tư.
Xuất xứ mảnh đất, được thành phố giao cho Cty Kinh doanh Xây dựng nhà, một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (sau đó doanh nghiệp này được cổ phần hóa). Theo quy định, trường hợp này không được chuyển nhượng, bán dự án. "Suốt quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, chúng tôi hỏi nhưng chủ đầu tư và chính quyền quận Hoàn Kiếm không chứng minh được việc chuyển giao dự án là hợp pháp", ông Hoàng Quốc Định nói.
Theo ông Định chủ đầu tư hiện tại đã nhận được món hời lớn, khi có được khu đất vàng giữa Thủ đô mà không phải đấu thầu dự án? Giá thuê đất (do Cty Cổ phần Thời Đại mới T&T được kế thừa dự án của Cty Kinh doanh - Xây dựng nhà HN) thì áp theo khung giá UBND TP quy định - tức rất thấp so với giá thị trường.
Lý do của món hời này, đơn giản là, giá trị quyền sử dụng đất dự án này không hề được tính vào giá trị doanh nghiệp khi Cty Kinh doanh & Xây dựng nhà Hà Nội thực hiện cổ phần hóa).
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Hồng Sơn, nói: "Nhiều người cứ tưởng bở, chứ để thực hiện dự án này chủ đầu tư phải làm vô vàn công việc. Đến nay, chúng tôi đã chi ra hơn trăm tỷ đồng cho bồi thường, giải phóng mặt bằng, trải qua cả trăm cuộc họp mà nay chưa đâu vào đâu. Còn việc thủ tục chuyển nhượng sang một pháp nhân mới nếu không đúng pháp luật thì ai dám cho mình làm. Đúng hay sai, phải hỏi cơ quan chức năng của thành phố".
Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà tái định cư tại 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng, gồm khu văn phòng và nhà ở tái định cư 7 tầng; khu thương mại và văn phòng cho thuê cao 4-7 tầng, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 221 tỷ đồng. Trong tổng số hơn 4.000m2 đất tại khu đất vàng này, thì Xí nghiệp nhựa Hà Nội chiếm 3.776m2 (đã di dời, bàn giao mặt bằng), số còn lại là 296,9m2 đất do 17 chủ sử dụng đất là các hộ gia đình và 1 tổ chức sinh sống, kinh doanh. Đến nay, đã có 15/17 chủ sử dụng đất bàn giao mặt bằng, còn lại 2 chủ sử dụng đất (gồm 5 hộ gia đình) tại phường Hàng Bài chưa chấp nhận phương án đền bù của chủ đầu tư gồm: Hộ gia đình cụ Hoàng Đình Trung và vợ là Nguyễn Thị Hoán (gia đình có 4 hộ khẩu) và gia đình ông Hoàng Quốc Cường. |