Dân lo vì quy hoạch quá đồ sộ
Người dân chen chúc chờ đến lượt được vào xem quy hoạch chung Hà Nội. Ảnh Nguyễn Lê
Có mặt tại Cung Triển lãm quy hoạch Quốc Gia sáng 2.8, dù trời mưa rất to, chứng kiến cảnh người dân nô nức kéo nhau đi xem quy hoạch chung Hà Nội mới thấy người dân rất quan tâm. Qua trao đổi với PV Laodong.com.vn, đa số người dân đều phấn khởi khi quy hoạch đã được phê duyệt nhưng người dân cũng bày tỏ nỗi lo lắng về vấn đề hiện thực hóa của quy hoạch.
Ông Vũ Duy Tư, kỹ sư xây dựng đã về hưu chia sẻ: “Mong là quy hoạch thực hiện được nhưng với quy mô đồ sộ như thế này, thời gian thực hiện không nhiều, đến năm 2020 còn 9 năm và đến năm 2030 còn 19 năm thì khó thực hiện được. Tôi thấy một vài dự án ở Hà Nội chỉ có một đoạn thôi mà 5 năm cũng chưa làm xong. Tôi thấy cái quy hoạch giao thông nội đô là cái khó nhất, tất nhiên đã nằm trong quy hoạch là phải thực hiện nhưng bao giờ thực hiện được lại là vấn đề khác. Song, với quy hoạch trên giấy như thế này, tôi vẫn chưa tin tưởng giao thông Hà Nội sẽ thoát khỏi được ách tắc như hiện nay.
Quy hoạch giao thông Thành phố được nhiều người dân quan tâm. Ảnh Nguyễn Lê
Khá đông giới trẻ đến tham quan triển lãm, anh Hưng đến từ quận Đống Đa nêu quan điểm: Tôi thấy quy hoạch vẫn còn chung chung, để thực hiện được thì không phải là điều dễ dàng, các cơ quan quản lý còn mất nhiều thời gian để biến những bản vẽ này thành hiện thực. Qua quy hoạch, tôi thấy đô thị hóa rất cao nhưng diện tích dành cho không gian xanh còn hạn chế.
Trăn trở quy hoạch liệu có thành hiện thực, nhiều người dân lo lắng rằng, quy hoạch thì rất lớn, nhưng quan trọng là tiền, thiếu tiền thì khó mà thực hiện được. Bên cạnh đó, năng lực quản lý và triển khai quy hoạch cũng là vấn đề quan trọng sau vấn đề kinh tế.
Một người dân nói thẳng: Phải rõ ràng ai chịu trách nhiệm chính khi thực hiện quy hoạch? Nhóm làm việc theo dõi dự án cần trong sạch, có tâm, có trách nhiệm cao với đất nước, nếu không sẽ kéo theo tham nhũng.
Lãnh đạo, giới chuyên môn cũng băn khoăn
Dự án quá đồ sộ, nguồn vốn để thực hiện quy hoạch đang là vấn đề lớn. Ảnh Nguyễn Lê
Nguồn tiền để thực hiện quy hoạch Thủ đô lên đến hàng trăm tỷ đôla là vấn đề không đơn giản. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, trước mắt chúng ta sẽ cần khoảng 90 tỷ đôla - lớn hơn hẳn dự án đường cao tốc Bắc - Nam, để thực hiện những hạng mục cơ bản.
Giải pháp vốn hiện nay được nhắc đến nhiều nhất là giải pháp đổi đất lấy hạ tầng, tức là dựa vào nguồn lực và giá trị đất đai để xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng thì vấn đề ở đây không đơn giản, theo cách hiểu thông thường là đổi đất lấy hạ tầng, mà vấn đề là làm sao khai thác được nguồn lực nằm trên chính mảnh đất mà chúng ta phát triển thành đô thị.
Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội thì cho rằng: “Theo tính toán của chúng tôi, để thực hiện được dự án này thì đã vượt qua con số 90 tỷ USD, thậm chí lên tới 300 – 400 tỷ USD”.
Vấn đề đặt ra là nguồn vốn huy động từ đâu trong khi ngân sách thành phố có hạn. Ông Nghiêm khẳng định, nguồn vốn từ ngân sách TP không quá 20%. Nguồn vốn từ đấu thầu sử dụng đất cũng không lớn bởi muốn đấu thầu sử dụng đất thì phải có đất sạch mới đấu thầu có giá.
Hơn nữa, theo ông Nghiêm cái khó của Hà Nội hiện nay là Luật Thủ đô chưa được Quốc Hội thông qua do vậy Hà Nội chưa có được cơ chế đặc thù trong việc huy động nguồn vốn.
Thêm vào đó, chúng ta lại chưa có Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Trong bối cảnh hàng loạt dự án chiếm đất lúa mọc kín tại vùng ven thời gian qua do phát triển đô thị quá nóng đã khiến quỹ đất ngày càng cạn kiệt. Vì thế, ông Nghiêm cho rằng, không còn cách nào khác, việc điều chỉnh theo quy hoạch, thu hồi các dự án không đủ điều kiện để lấy lại quỹ đất này là điều phải tính đến.
“Đừng nghĩ còn rằng 20 năm nữa mới đến năm 2030 là thời gian dài. Vì vậy, để thực hiện quy hoạch đòi hỏi chính quyền thành phố cần có sự quyết liệt. Hà Nội tương lai phải có hình thức quản lý theo kiểu mới và đặc biệt phải tìm ra nguồn lực để phát triển”, ông Nghiêm nhấn mạnh.