17/02/2012 12:45 AM
Hà Nội hiện có hàng chục dự án giao thông, hạ tầng đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Tuy nhiên, có không ít dự án triển khai quá chậm, thi công kéo dài hết năm này qua năm khác, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và tổn thất không nhỏ cho ngân sách nhà nước.

Hàng loạt dự án triển khai chậm

Năm 2004, thành phố phê duyệt dự án nâng cấp và mở rộng quốc lộ 32 nối thị trấn Cầu Diễn với thị xã Sơn Tây... Theo đó, đường được cải tạo, mở rộng thành 2 làn, phục vụ nhu cầu đi lại thuận lợi của người dân. Tuy nhiên đến nay, đã 8 năm trôi qua, dự án vẫn chưa thể hoàn thành. Đoạn đường từ thị trấn Cầu Diễn đến Nhổn dài khoảng 4km vẫn đang là một "đại công trường". Có đoạn, làn đường chưa được khớp nối khiến các phương tiện phải đi trái làn. Giữa đường, hệ thống dây điện, cáp ngầm đang còn giăng mắc do chưa được di dời hay hạ ngầm. Hệ thống cống thoát nước hai bên đường chưa hoàn thiện, nhiều đoạn cống hộp đúc sẵn vứt chỏng chơ ngay trên mặt đường. Việc thi công kéo dài quốc lộ 32 gây ảnh hưởng không nhỏ cho người tham gia giao thông và các hộ dân sinh sống hai bên đường.


Dân khổ với những dự án “rùa”

Dự án cống hóa mương Thái Hà - Láng là một điển hình về thi công "rùa".

Một điển hình về công trình "rùa", thi công kéo dài khác cần phải nhắc đến là dự án cống hóa tuyến mương Thái Hà - Láng. Dự án này thuộc dự án đầu tư xây dựng đường La Thành - Thái Hà - Láng được phê duyệt dự án từ năm 2001. Đến nay, đoạn mương Thái Hà - Thái Thịnh - Láng vẫn đang ì ạch thi công. Chị Nguyễn Thu Thủy (KTT Yên Lãng, phường Thịnh Quang, Đống Đa) bức xúc: "Tôi không hiểu chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công làm ăn kiểu gì mà chậm đến vậy. Đất, cát đào lên chất đống, vệ sinh công trường quá kém nên người dân qua lại tuyến đường này thường xuyên phải hít bụi. Khổ nhất là hơn 1.000 học sinh Trường Tiểu học Thái Thịnh hằng ngày phải đến lớp, học tập trong môi trường như vậy".

Ngoài các dự án kể trên, Hà Nội còn vô vàn dự án giao thông khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, như dự án đường 5 kéo dài tại huyện Đông Anh triển khai quá chậm nên đất bỏ hoang, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân sinh; dự án đường Văn Cao kéo dài còn vướng khâu GPMB nên chưa thể hoàn thiện. Bên cạnh đó, nhiều dự án trọng điểm của ngành GTVT cũng đang chậm tiến độ như dự án đường Vành đai 3 Hà Nội giai đoạn 1, Nhà ga T2 Nội Bài, quốc lộ 3 cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên…

Tổn thất không nhỏ từ các dự án chậm tiến độ

Theo thống kê của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, có đến hơn 99% các dự án xây dựng, trong đó chủ yếu là dự án trọng điểm quốc gia bị chậm tiến độ. Các dự án thi công kéo dài gây tổn thất không nhỏ do chịu tác động "đội giá" của đủ mọi chi phí: giá nhân công, vật liệu, giá đền bù GPMB, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật… Nguyên nhân của việc chậm tiến độ, thi công "rùa" của hầu hết các dự án chủ yếu vẫn là do bất cập trong giá đền bù. Ngoài ra là vấn đề năng lực nhà thầu; chênh lệch do trượt giá quá lớn so với hợp đồng ký ban đầu khiến nhiều nhà thầu thua lỗ. Do đó, nhiều nhà thầu cố tình thi công chậm vì càng làm càng lỗ. Báo cáo kết quả giám sát "việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về quản lý, phân bổ và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2003 - 2010" của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội công bố năm 2010 cho biết, tổng mức đầu tư ban đầu của các công trình, dự án thuộc danh mục đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn này là 246.447 tỉ đồng. Nhưng qua tổng hợp của Bộ KH-ĐT, do nhiều yếu tố làm các công trình, dự án bị chậm tiến độ nên tổng mức đầu tư phải điều chỉnh đã lên tới 558.654 tỉ đồng. Đại lộ Thăng Long - Hà Nội là dự án điển hình bị đội vốn lớn do chậm tiến độ. Mức đầu tư ban đầu (tháng 7-2003) của dự án là khoảng 3.700 tỉ đồng, nhưng đến khi hoàn thành (tháng 10-2010), tổng mức đầu tư của dự án này bị điều chỉnh tăng lên hơn 7.500 tỉ đồng.

Tình trạng thi công chậm, đặc biệt là các tuyến đường giao thông, đã gây ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân. Để đẩy nhanh tiến độ thi công, ngoài việc chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng cũng cần tăng cường đối thoại với dân, giải quyết những khúc mắc trong công tác GPMB; đôn đốc nhà thầu tập trung thiết bị, nhân lực thi công, hoàn thành nhanh các công trình khi có mặt bằng, tránh để kéo dài, làm ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Theo Dạ Khánh (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.