03/05/2012 7:43 AM
Nắng nóng đầu hè càng thêm bức bối bởi mật độ các tòa nhà dầy đặc, bốn bề xung quanh toàn bê tông cốt thép trong khi không gian cây cối sân vườn vì nhiều lý do bị hạn chế, bóp nghẹt.

Muôn mặt nỗi khổ

Nghỉ lễ ở Hà Nội đúng đợt nắng nóng chị Thu Huệ sống tại chung cư 17T5 - khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính mô tả, nhà chị cứ đi thì thôi chứ về là chỉ đóng kín cửa, chui vào phòng bật điều hòa. Mặc dù rất ý thức tiết kiệm điện nhưng cũng không thể đừng với thời tiết 40 độ bức bí ở chung cư. Mang tiếng ở tầng cao nhưng cứ mở cửa là hơi nóng bên ngoài và từ các tòa nhà xung quanh lại phả vào hầm hập như xông hơi.

Các tòa nhà cao tầng ken kín nuốt chửng số cây xanh nhỏ lẻ trong khu đô thị được cho là đầu tiên và lớn nhất của Vinaconex. Sân chơi cho trẻ em duy nhất chỉ là sân bê tông trước tòa nhà 34 tầng. Vậy mà những ngày qua đến cuối chiều vẫn nóng hầm hập không phụ huynh nào dám cho con xuống sân. Ngay cả thanh niên, người già cũng không dám xuống đường tập thể dục như mọi lần. Chưa dám mơ đến một công viên cây xanh, riêng một bể bơi theo như bản vẽ ban đầu, hàng nghìn hộ dân sinh sống tại khu đô thị này vẫn chưa thấy đâu.

Trường hợp sống ở "ngoại ô" như chung cư An Sinh, Cầu Diễn, Từ Liêm tuy hai bên đường là hai hàng cây khá xanh mát nhưng gia đình anh Đào Tuấn vẫn ngậm ngùi nỗi khổ là tình trạng cắt điện. Anh cho biết, về vị trí mặc dù ngay sát trung tâm Mỹ Đình nhưng khu chung cư nhà anh lại đi theo đường điện của Cầu Diễn. Là khu ngoại vi nên bình quân mỗi tuần cắt điện 1 lần, có tuần 2 lần, có khi rơi vào cuối tuần. Tình trạng này đã kéo dài cả mùa đông sang mùa hè từ năm ngoái đến nay.

"Hôm nay vừa thấy có thông báo mai cắt điện rồi. Cắt từ 8h sáng đến 18h chiều. May mà con mình đi nhà trẻ chứ ở nhà thì bà cháu phát ốm, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Nhớ năm ngoái cứ cuối tuần cả nhà đông đủ thì cắt điện, con thì quấy khóc, người lớn ngày tắm 3-4 lần cũng không chịu nổi nhiệt. Năm nay chắc không khá hơn, tôi đang phải sắm mấy cái quạt tích điện đây" - anh bộc trực.

Trục trặc đường ống nước dẫn tới mất nước 1 tuần là trường hợp tại chung cư CT1 Văn Khê, Hà Đông vừa qua. Chị Ngọc Hằng chủ một căn hộ trên tầng 11 tại đây cho biết để có nước cho dân sinh hoạt, vừa rồi phía quản lý tòa nhà phải mở vòi nước ở bể cứu hỏa để các cư dân tự xách nước lên nhà mình.

Tuy nhiên, điều khiến các hộ dân không hài lòng là chất lượng nước sinh hoạt của khu đô thị mới này từ ngày về ở là không tốt, nếu không nói là bẩn. Vì thế nhiều gia đình tại đây đều phải mua nước bình các nhãn hiệu về để ăn uống, nước bơm lên chỉ dùng để rửa chân tay, sơ chế thực phẩm.

Sống tại chung cư kiểu mẫu Định Công, quận Hoàng Mai, chị Minh Hồng - một cư dân tại đây tỏ ra ưng ý về không gian sống sạch sẽ, mát mẻ do có nhiều cây xanh, đầy đủ dịch vụ tiện ích, hạ tầng xã hội, nhưng xem ra đó vẫn chưa đủ làm nên đẳng cấp của một khu đô thị được cho là gần trung tâm Bờ Hồ nhất. Nỗi ám ảnh đối với gia đình chị từ ngày sống tại đây chính là cảnh tắc đường hai đầu.

Mùa hè nắng nóng, dùng ô tô đi làm là tốt nhất nhưng đường của khu đô thị mấy chiều đều theo hình thắt cổ chai. Chị Hồng phải dùng xe máy đi làm có hôm mất đến 30 phút mới đến cơ quan cách nhà 5-6km. Để tránh tắc nghẽn, giải pháp của gia đình chị một là phải ra khỏi nhà trước 7h30, hai là đi làm muộn sau 8h30 sáng.

"Đường vào khu đô thị chỉ cho ô tô đi một chiều, muốn ra phải đi vòng vèo. Còn đường Lê Trọng Tấn nhỏ hẹp mà lại đông dân luôn là điểm nóng trên VOV giao thông. Cũng vì lý do đường sá bất tiện, không chịu nổi mà họ hàng nhà mình phải chuyển ra khu đô thị mặt đường Nguyễn Trãi sinh sống" - chị Hồng chia sẻ.

Mơ về một đô thị xanh

Từ thiếu nước, mất điện, thiếu chỗ đỗ xe đến nạn tắc đường, không chốn vui chơi, giải trí, tránh nóng - những vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng thuộc phạm trù tầm nhìn, chất lượng công trình và quản lý xây dựng, quy hoạch kiến trúc vẫn cứ "đến hẹn lại lên", cơ cực nhất là lúc thời tiết... không thuận.

Trong lúc chờ cơ quan chức năng củng cố hoàn thiện thể chế, pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, quản lý quy hoạch kiến trúc thì nâng cao nhận thức của cộng đồng gồm doanh nghiệp và người dân về một môi trường sống xanh là hết sức quan trọng. Đó là một lý do mà Hội Kiến trúc sư VN đã phát động và lần đầu trao giải Kiến trúc xanh VN vào cuối tháng 4/2012.

Ông Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu quan điểm, đô thị xanh, kiến trúc xanh là một trào lưu, xu hướng bắt buộc tại các quốc gia. Nếu không chứng minh được công trình của mình tiết kiệm được 30% năng lượng trở lên thì không được xây dựng. Nước Mỹ đã bắt đầu đặt vấn đề này từ năm 1925 và ngày nay các công trình xây dựng trên nước Mỹ đều tuân thủ xu hướng này. Trong khi chúng mới đang trên con đường, bắt đầu phát triển tư tưởng này vào cuộc sống.

Các công trình được giải phải đáp ứng được 5 tiêu chí chính. Thứ nhất là tổng thể quy hoạch hợp lý, tổng thể tạo ra các tuyến thông gió tự nhiên nối liền, làm điều hòa các khu nhà. Mật độ xây dựng xử lý tốt, tôn trọng, bảo vệ tự nhiên, không đào bới, phá hủy đất đai môi trường để làm công trình.

Thứ hai là tạo dựng một môi trường sống chung quanh ngôi nhà hài hòa, chất lượng cao. Thứ ba, coi trọng tiết kiệm tài nguyên năng lượng, từ gió, nước, ánh sáng mặt trời, không khí. Thậm chí, cư dân nhiều khu đô thị phải đạt đến cấp độ không cần dùng điều hòa thông qua sự thông gió tự nhiên giữa các phòng và không gian sống. Đó là cách giải quyết thông minh khi mà con người không cần đầu tư mà vẫn có cuộc sống thoải mái trong mọi hoàn cảnh.

Thứ tư là phải có và tạo ra một cộng đồng dân cư mang tính nhân văn. Đó là thiết kế cởi mở, coi trọng sự giao lưu giữa con người, tạo ra cộng đồng và những chỗ sinh hoạt cộng đồng, cơ sở của một cộng đồng sống bình an. Sự tinh tế này không phải một đô thị sang nào hiện nay cũng làm được.

Cuối cùng đó là phải tiến tới một nền kiến trúc hiện đại, thân thiện và bản sắc. Các khu nhà có màu sắc hài hòa, cây cỏ và xử lý các yếu tố trong ngôi nhà một cách hợp lý, không thừa thãi, không khoa trương. "Tôi đã thấy những ngôi nhà rất to, thừa thãi diện tích tuy nhiên đó không phải là sự thông minh. Chúng ta có thể rất giàu nhưng biết xây dựng ngôi nhà mình ấm cúng, dành tiền bạc cho việc khác, đây không phải là nơi khoe sự giàu sang.

Chúng ta cần hướng đến để làm sao mọi người sống thông minh trong môi trường sống hài hòa, nhưng biết tiết kiệm tiền bạc, của cải, thiên nhiên, đất đai, kể cả tiết kiệm điện nước; một khu đô thị xanh không có nghĩa trồng nhiều cây xanh mà chiều sâu, bản chất tạo ra một nguồn xanh, một cộng đồng sống xanh. Nghĩa là để duy trì một đô thị xanh, trách nhiệm của cộng đồng rất lớn. Tôi cho đó là kiến trúc thời đại ngày nay. Khu đô thị mới hiện không thể lặp lại kiểu đô thị cũ, những vấn đề mà chúng ta đã và đang vấp phải" - ông Vạn nêu bật.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.