TP Hồ Chí Minh đang quyết tâm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết trong quy hoạch đô thị.
Nguy cơ phá nát quy hoạch
Nhu cầu về nhà ở tại TP Hồ Chí Minh luôn là vấn đề nóng. Để có được một chỗ ra vào, nhiều hộ dân phải "nhắm mắt" mua đại một căn nhà không phép với giá rẻ. Trong khi đa số những người dân nhập cư lại có tâm lý sở hữu một miếng đất nhỏ để dành, với hy vọng một ngày nào đó xây dựng được một tổ ấm. Thấu hiểu điều này, từ năm 1999, TP Hồ Chí Minh đã thí điểm cho phép được phân lô hộ lẻ. Tuy nhiên, sau đó xảy ra nhiều bất cập, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 19/2009/QĐ-UBND quy định diện tích tách thửa đất ở và đất nông nghiệp. Kể từ khi Luật Đất đai 2013 ban hành, chỉ cho phép cấp tỉnh, thành được tách thửa trên đất ở, TP Hồ Chí Minh liền ban hành Quyết định 33/2014/QĐ-UBND. Quyết định này xuất phát từ nhu cầu chính đáng của bà con ở các vùng ven, ngoại thành. Đó là tách thửa cho con cháu ra riêng hoặc thay đổi chỗ ở. Tuy nhiên, thực tế lại không như mong muốn vì kể từ khi Quyết định 33 ra đời, người dân rất khó tách thửa.
Bởi theo quy định này, đất ở mới được phép tách thửa, còn đất nông nghiệp thì không. Trong khi đó, đa số bà con khu vực ngoại thành chủ yếu sở hữu đất nông nghiệp là chính. Muốn tách thửa họ phải chuyển đổi thành đất ở. Điều này gần như không thể vì vướng quy hoạch, chi phí lại rất cao so với thu nhập trung bình của người dân. Một thực tế khác mà chính quyền TP Hồ Chí Minh không lường trước được đó là thực trạng phân lô, bán nền tràn lan xuất hiện ở khắp các quận, huyện và gần như không thể kiểm soát được. Nhức nhối nhất là tại các địa bàn có dân nhập cư cao như Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức, quận 9... Hậu quả là quy hoạch của thành phố bị băm nát, gây hệ lụy nghiêm trọng và kéo dài đến tận hôm nay.
Chủ trương đúng, áp dụng sai
Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, việc UBND thành phố ban hành Quyết định 19, rồi Quyết định 33 là chủ trương đúng, bởi nó xuất phát từ nhu cầu rất bức thiết của người dân là nhu cầu về nhà ở, đồng thời phù hợp với thực tiễn sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Nhìn nhận về những bất cập, lỗ hổng để xảy ra hiện tượng phân lô, bán nền gây phá vỡ quy hoạch nhiều nơi, ông Lê Văn Khoa thừa nhận, có những người đã cố tình "hiểu sai" tinh thần của quyết định trên. "Đã có sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng của thành phố, đặc biệt là các cơ quan cấp quận, huyện. Ngoài ra, nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã lợi dụng quyết định này để phân lô, bán nền trục lợi bất chính", ông Lê Văn Khoa nhận định.
Nhằm khắc phục những lỗ hổng trên, đồng thời đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người dân thành phố, ông Lê Văn Khoa cho biết, UBND thành phố sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các quận, huyện nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung, thậm chí sẵn sàng thay thế bằng một quyết định mới quy định về phân lô, tách thửa trên cơ sở vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, vừa ngăn ngừa những khiếm khuyết trước đây. "Chúng tôi đặt ra yêu cầu ngay trong tháng 8-2016, Sở Tài nguyên - Môi trường phải dự thảo xong vấn đề này. Sau đó thành phố sẽ công khai xin ý kiến rộng rãi nhân dân để làm sao có được một dự thảo tốt nhất, để kịp ban hành ngay trong tháng 9 tới", ông Lê Văn Khoa nhấn mạnh.
Rà soát quy hoạch "treo" 24 quận, huyện Để sớm ổn định cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bởi những dự án treo, quy hoạch treo, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, chủ trương của thành phố là những quy hoạch, dự án không còn phù hợp, không khả thi dứt khoát phải bị xóa, đưa ra khỏi quy hoạch. Theo đó, UBND thành phố đã chỉ đạo 24 quận, huyện chậm nhất là cuối năm 2016 phải hoàn tất việc rà soát hiện trạng quy hoạch trên địa bàn, báo cáo UBND thành phố để có hướng xử lý tiếp theo. |