06/12/2012 3:33 PM
Trong lịch sử của TP. Đà Nẵng sau hơn 16 năm chia tách, đây là năm đầu tiên Đà Nẵng thất thu nguồn thu từ khai thác quỹ đất do thị trường bất động sản đóng băng kéo dài…

Thất thu ngân sách từ khai thác quỹ đất

Trên bàn nghị sự của Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng kỳ họp thứ 5 khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 họp sáng 4/12 kéo dài đến ngày 6/12, vấn đề nguồn thu ngân sách được các đại biểu phân tích và mổ xẻ nhằm tìm ra nguyên nhân để định hướng cho chiến lược phát triển Đà Nẵng trong tương lai.

Theo đánh giá, năm 2012 là năm mà Đà Nẵng cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước đối mặt với quá nhiều thách thức. Nhiều chỉ tiêu quan trọng về kinh tế mà Đà Nẵng đặt ra không đạt.
Tổng chi ngân sách năm 2012 là hơn 13.600 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn thu ngân sách ước đạt 10.900 tỷ đồng, thất thu so với kế hoạch đặt ra hơn 3.600 tỷ đồng.

Toàn cảnh thành phố Đà Nẵng phát triển sau 16 năm chia tách.

Sở dĩ nguồn thu đạt thấp so với kế hoạch là do sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, đặc biệt là việc đóng băng thị trường bất động sản khiến nhiều dự án dừng, bỏ triển khai dẫn tới nguồn thu từ đất giảm mạnh.

Kế hoạch đặt ra của TP. Đà Nẵng trong năm 2012 là thu 3.500 tỷ đồng từ đất, nhưng đến thời điểm này chỉ thu được gần 1.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TP. Đà Nẵng phải thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế do doanh nghiệp gặp khó khăn với tổng số tiền khoảng 630 tỷ đồng.

Báo cáo của Chi cục thuế TP. Đà Nẵng đưa ra tại cuộc họp Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng cho biết, sự giảm sút mạnh của thị trường bất động sản không chỉ ảnh hưởng lớn đến thu lệ phí trước bạ mà còn khiến số thu tiền sử dụng đất đạt rất thấp.

Tính đến nay, Đà Nẵng chỉ mới thu được 1.300 tỷ đồng từ tiền thuế sử dụng đất và trước bạ, bằng 37,1% kế hoạch. Đây cũng là năm Đà Nẵng có mức thu tiền sử dụng đất đạt thấp kỷ lục trong nhiều năm gần đây.

Nguồn thu chính từ nhiều năm nay của TP. Đà Nẵng có thể khẳng định là từ khai thác quỹ đất. Chỉ tính trong năm 2011, Đà Nẵng thu tiền sử dụng đất được 5.102 tỷ đồng, đạt 138% kế hoạch dự toán HĐND TP giao. Năm nay nguồn thu hết sức quan trọng này từ khai thác quỹ đất đã bị sụt giảm tới 3.802 tỷ đồng.

Ngoài thất thu từ nguồn khai thác quỹ đất, hoạt động sản xuất công nghiệp cũng đang gặp khó khăn, giá trị ước đạt hơn 14.600 tỷ đồng, tăng trưởng thấp so với kế hoạch. Nguyên nhân là do sức mua giảm, khan hiếm đơn hàng xuất khẩu dẫn tới hàng tồn kho nhiều, trong khi giá nguyên vật liệu, xăng dầu, lãi suất ngân hàng lại liên tục tăng cao.

Các khu đô thị được xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng do thị trường bất động sản đóng băng nên chưa có người mua.

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng, hiện còn tồn kho hơn 15.000 tấn phôi thép, 30.000 tấn xi-măng, 7.000 tấn thép các loại... Chính điều này đã khiến nhiều DN hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động.

Nguyên nhân tăng trưởng của Đà Nẵng không đạt kế hoạch vì quy mô nền kinh tế nhỏ, khi suy giảm kinh tế không đủ sức cạnh tranh. Trong khi đó, từ nhiều năm nay, nguồn thu chính của Đà nẵng là khai thác quỹ đất. Nhưng thị trường bất động sản lại đóng băng kéo dài khiến thất thu là điều khó tránh khỏi.

Tìm biện pháp tháo gỡ cho bài toán kinh tế

Không phải đến bây giờ, mà trước đó nhiều năm, các chuyên gia kinh tế cũng như các đại biểu Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng đã đưa ra cảnh báo nguồn thu ngân sách Đà Nẵng không thể mãi dựa vào khai thác quỹ đất.

Bởi theo một nhà kinh tế đề nghị không nêu tên khẳng định rằng: Quỹ đất Đà Nẵng sẽ dần cạn kiệt cũng như sự tăng trưởng nóng của Đà Nẵng trong những năm qua đã cho thấy không bền vững. Tuy nhiên, đây là giai đoạn chỉnh trang đô thị và phát triển thành phố cần có giải pháp ngắn hạn từ khai thác quỹ đất mới có thể đầu tư cho các công trình trọng điểm

Để khắc phục tình trạng thất thu ngồn ngân sách phục vụ cho yêu cầu phát triển, chính quyền TP. Đà Nẵng ngoài việc thắt chặt chi tiêu, chỉ đầu tư những công trình trọng điểm còn đề ra chiến lược phát triển kinh tế bền vững.

Đà Nẵng đặt ra chiến lược lấy du lịch dịch vụ làm đầu tàu kinh tế để kích thích thị trường bất động sản

Một trong những chiến lược phát triển kinh tế bền vững theo lộ trình được vạch ra theo ông Văn hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định là phát triển đồng bộ các biện pháp. Trong đó, xác định Đà Nẵng là thành phố du lịch, dịch vụ. Vì vậy, việc đầu tư, thu hút, quảng bá hình ảnh là vô cùng quan trọng.

Đây là biện pháp mà theo ông Nguyễn Duy Khương, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, khẳng định là biện pháp kích cầu để đưa thị trường bất động sản sống lại và vượt qua khó khăn. Bởi các nhà đầu tư ào ạt đổ về Đà Nẵng trong thời gian qua chứng tỏ thị trường bất động sản của TP. Đà Nẵng có dấu hiệu bắt đầu hồi phục.

Song hành với kinh tế du lịch dịch vụ, kinh tế biển cũng được TP. Đà Nẵng chú trọng với những chiến lược đầu tư cho ngư dân đóng tàu công suất lớn để bám biển và đội tàu hậu cần cho nghề cá.

Cùng với kinh tế biển, du lịch, dịch vụ, phát triển công nghiệp, công nghệ cao đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… đổ bộ vào Đà Nẵng là những cú hích đủ mạnh để Đà Nẵng phát triển như chiến lược đã được hoạch định.

Nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng được đầu tư đồng bộ như hỗ trợ vốn cùng nhiều chính sách khác, nên hiện 15.800 DN với tổng nguồn vốn đầu tư 65.600 tỷ đồng đang phục hồi và phát triển.

Ngoài ra, thu hút 241 dự án FDI với tổng nguồn vốn 3,6 tỷ USD, trong đó vốn đã thực hiện là 1,61 tỷ USD. Đây là động lực để Đà Nẵng vượt qua khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế kéo dài.

Để tăng nguồn ngân sách đầu tư cho các công trình trọng điểm, giảm áp lực do thất thu ngân sách từ nguồn thu khai thác quỹ đất, chính quyền TP. Đà Nẵng đã quyết định phát hành 5.000 tỷ đồng từ trái phiếu để đầu tư cho các công trình dân sinh và phát triển thành phố.

Đầu tư đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh phát triển du lịch dịch vụ cùng nhiều chiến lược kinh tế khác, Đà Nẵng đặt hy vọng thị trường bất động sản của Thành phố sẽ được phá băng theo chiến lược “nước nổi thì bèo nổi”….

  • Nhà trong ngõ "hạ mình" xuống giá

    Nhà trong ngõ "hạ mình" xuống giá

    Thị trường nhà đất khá ảm đạm, gia chủ nhiệt tình chào mời, giá giảm 10 – 20% so với mức giá ban đầu vẫn không dễ bán. <br/br>

  • Đất sạch “dài cổ” chờ nhà đầu tư

    Đất sạch “dài cổ” chờ nhà đầu tư

    Hơn 11 tháng sau khi giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhiều nhà đầu tư thứ cấp tại Dự án khu đô thị mới Kim Văn – Kim Lũ vẫn chưa đến nhận bàn giao đất sạch. <br/br>

  • TP HCM giữ nguyên giá 'đất vàng'

    TP HCM giữ nguyên giá 'đất vàng'

    Năm 2013, khung giá đất trên địa bàn TP HCM không thay đổi nhiều so với năm trước, mức giá trần cao nhất đối với các khu "đất vàng" vẫn là 81 triệu đồng/m2. Cùng bảng giá đất, 7 tờ trình khác cũng được HĐND thông qua. <br/br>

Theo Vũ Trung (Vland)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.