Hạ tầng kỹ thuật đô thị (HTĐT) là một nền tảng quan trọng đảm bảo đô thị, khu đô thị mới phát triển bền vững. Tuy nhiên, đầu tư phát triển HTĐT đòi hỏi các nguồn vốn đầu tư lớn. Thu xếp nguồn vốn thế nào cho các công trình hạ tầng – tạo những điểm nhấn hấp dẫn để các nhà đầu tư chịu bỏ tiền đầu tư tiếp cho sự phát triển của đô thị, đặc biệt là những đô thị lớn?
Ảnh minh họa
Chính phủ đã có các định hướng chính sách lớn trong huy động vốn xây dựng hạ tầng, như: Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư; Tạo điều kiện khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư hạ tầng cơ sở; Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài; Phân bố nguồn lực phát triển hạ tầng cho các địa phương từ ngân sách một cách công bằng, công khai và hiệu quả… Nhưng thực tế các công trình HTĐT vẫn phụ thuộc chủ yếu vào vốn ngân sách.
Trong khi đó, nguồn vốn này thường rất hạn chế, nhiều khi dàn trải, kiểu “chia đều” cho mỗi địa phương, đô thị, mỗi nơi một ít... Hơn thế, nguồn vốn này cũng đang đang có xu hướng giảm. Việc thiếu vốn trong đầu tư cơ sở hạ tầng xảy ra ở hầu hết các đô thị.
Ví dụ, đối với TP. Hồ Chí Minh, tổng nhu cầu vốn đầu tư trong năm 2012 lên đến gần 40.000 tỷ đồng, trong khi đó nguồn vốn cân đối cho đầu tư phát triển chỉ khoảng 15.000 tỷ đồng. Trong khi đó, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 74 dự án phát triển khu đô thị mới (có quy mô từ 20 ha trở lên) với tổng quy mô là 24.760 ha. Vì thế, dự báo trong các năm tới nhu cầu vốn tăng cao, nhưng khả năng đáp ứng vốn lại thấp nên đầu tư cho hạ tầng của thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo TS.KTS Trần Thị Lan Anh – Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), công tác phát triển đô thị và khu đô thị mới, tuy có nhiều thành quả nhưng cũng còn nhiều tồn tại, bất cập, đặc biệt là do thiếu vốn đầu tư nên phát triển đô thị về không gian, dân cư và HTĐT còn chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý đầu tư, khai thác HTĐT còn theo kiểu bao cấp, nhất là không “tranh thủ” được các nguồn vốn của khu vực ngoài Nhà nước.
Ngay cả khi công trình hạ tầng đã được đầu tư xây dựng xong thì những bất cập trong mối quan hệ về sở hữu chung và riêng; giữa chủ đầu tư và chính quyền đô thị… cũng khiến công trình không phát huy hiệu quả như mong muốn, gây lãng phí vốn đầu tư.
TS.KTS Trần Thị Lan Anh cho rằng, phải giải quyết tốt vấn đề lớn nhất của HTĐT là nguồn vốn đầu tư, thì những vấn đề tiếp theo mới thuận lợi, hiệu quả. Để đa dạng hóa nguồn vốn, ngoài vốn từ ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương, chính quyền đô thị có thể huy động các công ty phát triển và khai thác HTĐT, phát hành trái phiếu đô thị nhằm tạo vốn phát triển các dạng hạ tầng mà các DN chưa sẵn sàng đầu tư; huy động đóng góp của cộng đồng. Bên cạnh đó, vốn ODA, vốn FDI... cũng rất quan trọng.
TS.KTS Trần Thị Lan Anh cho rằng, cũng như đối với các lĩnh vực hoạt động khác, nguyên tắc kinh doanh có lãi là nền tảng của phát triển và quản lý HTĐT một cách bền vững trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, do đầu tư xây dựng HTĐT có đặc điểm là yêu cầu vốn lớn, nhưng tốc độ hoàn vốn chậm, nên sẽ là bài toán khó về mặt hiệu quả, khả năng sinh lời cho chủ đầu tư. Do đó chính quyền địa phương cần hỗ trợ các dự án xây dựng và khai thác HTĐT một cách phù hợp.
Ví dụ, các ưu đãi về thuế, chính sách hỗ trợ trong đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư…Trong các công trình phát triển HTĐT, có một số công trình hạ tầng có thể mang lại lãi trong thời gian tương đối ngắn (ví dụ cung cấp nước sạch, xây dựng nhà ở...), chính quyền đô thị nên tổ chức đấu thầu có tính cạnh tranh giữa các DN để khuyến khích đầu tư có hiệu quả. Đối với các công trình hạ tầng không có doanh thu như cây xanh, chiếu sáng công cộng, chống ngập úng... thì chính quyền dùng tiền ngân sách để cấp cho các DN xây dựng, khai thác và bảo dưỡng cũng trên cơ sở đấu thầu cạnh tranh giữa các DN.