Ngập lụt, tắc đường tại các đô thị, đặc biệt sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu không có những giải pháp cấp bách trong quản lý, phát triển đô thị. (Ảnh: TL)
Như Báo Xây dựng đã thông tin, căn cứ để xác định cao độ nền xây dựng đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng là đường tần suất lũ, việc xác định cần phải có chuỗi số liệu quan trắc mưa, thủy văn liên tục ít nhất 10, thậm chí lâu hơn là 100 năm. Tuy nhiên, hiện nay, đối với các đơn vị lập quy hoạch cao độ nền, việc tiếp cận các tài liệu còn rất hạn chế hoặc không có số liệu, dẫn đến thiếu chính xác khi dự báo cao độ nền các khu vực đô thị nên nhiều khu vực thường bị ngập úng vào mùa mưa.
Tuy nhiên, đổi về vấn đề này, ThS.KTS Nguyễn Trúc Anh - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lại khẳng định: Nguyên nhân của ngập úng khi mưa lớn tại Hà Nội không nằm ở việc cấp cao độ nền mà là do hệ thống thoát nước, do các trạm bơm đã cũ.
Ông Anh cho biết: Bản chất khi xây dựng các hồ điều hòa là hệ thống cống, mương phải kết nối lại với nhau thì mới dẫn được nước. Hiện nay, Hà Nội đã có hồ điều hòa, nhưng khi xây dựng kết nối hạ tầng lại giao cho chủ đầu tư làm. Khi xây dựng, các chủ đầu tư chỉ xây dựng kết nối hạ tầng xung quanh chứ không có một hệ thống triển khai đồng bộ nên khi kết nối vào các họng cống bị vênh nhau rất nhiều, đặc biệt là giữa Hà Nội và Hà Tây cũ.
Vị này cũng nêu rõ lý do khiến khu vực Keangnam, Nam Trung Yên, Mễ Trì ngập úng là do toàn bộ khu vực đang thoát nước qua hệ thống mương, trạm bơm thủy lợi từ ngày xưa, tức là chỉ từ 5 đến 8m khối nên gây ngập lụt. Dự án thoát nước của Hà Nội đã được phê duyệt rồi, nhưng chưa được triển khai xây dựng. Trong thời gian tới sẽ triển khai thì phải thay đổi các hệ thống trạm bơm cũ bằng hệ thống trạm bơm thoát nước trong đô thị, mới thoát đủ cho từ Tô Lịch đến sống Nhuệ.
Lý giải nguyên nhân giữa Hà Nội và Hà Tây cũ có sự vênh nhau về cao độ san nền, ông Nguyễn Trúc Anh nêu rõ: Do Hà Tây cũ quản lý không có chỉ giới xây dựng, không khớp nối hạ tầng kỹ thuật là một đầu mối như Hà Nội cũ về quy hoạch (Hà Tây dùng HN -72 là chủ yếu). Cho nên quy hoạch phân khu của Hà Nội đều được khống chế và xác định tương đối chuẩn, còn Hà Tây do không có số liệu, không có đầu mối, nên thực chất là cái này khớp được, cái kia không khớp được. Hiện nay, sau khi có Quyết định quy hoạch xây dựng chung thủ đô Hà Nội giai đoạn 2030 tầm nhìn 2050 (QH1259), Hà Nội đang thực hiện khớp nối tất cả các dự án Hà Tây cũ, nên có thực trạng xảy ra là ở địa bàn Hoài Đức, Hà Đông phần lớn có việc chênh cốt san nền.
Năm 2010 Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 83/2000/QĐ-TTg về sử dụng hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000 thay thế Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ Quốc gia HN-72, áp dụng thống nhất trên toàn quốc cho tất cả các loại tư liệu đo đạc – bản đồ. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan và quá trình lịch sử nên hiện nay, các tư liệu trắc địa tại một số nơi vẫn tồn tại hai hệ tọa độ khác nhau là HN – 72 và VN – 2000.
Ông Anh cho biết thêm: Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội được giao khớp nối, cung cấp hệ thống thông tin quy hoạch, trong đó có số liệu hạ tầng kỹ thuật và cao độ nền của tất cả các dự án trên địa bàn thành phố, còn nhà dân chỉ cung cấp chỉ giới xây dựng.
Liên quan đến công tác thẩm định, Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Trưởng phòng Hạ Tầng Kỹ thuật (Sở Quy hoạch – Kiến Trúc Hà Nội) cũng cho biết: Về công tác quản lý, Viện quy hoạch Xây dựng Hà Nội được thành phố ủy quyền giao cấp thông tin quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật đến cốt cao độ của từng dự án mà sở Quy hoạch – Kiến trúc ra quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để ra các thống số.
“Sở Quy hoạch – Kiến trúc là cơ quan tham mưu, giúp việc cho thành phố chịu trách nhiệm thẩm định các đồ án quy hoạch, trong đó có các thông số cụ thể về cốt xây dựng. Chúng tôi đã thẩm định cụ thể từng chi tiết, và không có việc sai sót đối với bất kể dự án nào”, ông Nghĩa nói.
Còn vấn đề ngập lụt, ông Nghĩa cho biết: Nội đô lịch sử được xây dựng từ lâu, sau này khi phát triển các đô thị ra ngoài thì mặt phủ đô thị lớn. Mặt khác, trạm bơm Yên Sở cũng có từ lâu nhưng mãi năm 2006, 2007 mới hoạt động. Mà Yên Sở khi hoạt động thì Hà Nội trông chờ chủ yếu ở đập Thanh Liệt, khi đập Thanh Liệt lại đẩy lên sông Nhuệ và Sông Nhuệ tràn vào thì Hà Nội giống như một cái hồ lớn.
Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến sự vênh nhau giữa các cao độ nền, đại diện phía Sở Xây dựng Hà Nội chia sẻ: Nguyên nhân của sự vênh nhau là do cách hiểu, bởi hiện nay pháp luật chưa có một thông số cụ thể về cao độ san nền. Mặt khác, do chủ đầu tư họ làm sai, bởi sau khi được cấp phép xây dựng, cách thiết kế của mỗi đơn vị tư vấn khác nhau, dẫn đến cao độ tại các ô đất khác nhau (tư vấn không khảo sát thực địa).
Đại diện phía Sở Xây dựng cũng kiến nghị: Chúng ta phải đưa ra các thông số về cao độ san nền và phải được quản lý như một chỉ tiêu quy hoạch, các thông số này sẽ được bổ sung thêm vào giấy phép xây dựng và quyết định phê duyệt dự án.
“Pháp luật hiện đã quy định tương đối đầy đủ về việc cấp, quản lý cao độ nền xây dựng, tuy nhiên, việc thanh, kiểm tra chưa có. Do vậy, để hạn chế bất cập này, khi nghiệm thu công trình, chúng ta nên nghiệm thu luôn cả cốt nền, cao độ san nền”, Vị này cho biết thêm.