31/08/2013 7:32 PM
Sở QH - KT vừa báo cáo Tập thể UBND TP Hà Nội về Dự thảo Quy chế quản lý QH - KT công trình cao tầng trong khu vực nội đô.
Theo đó, các công trình cao tầng trong khu vực có tính chất đặc biệt tại nội đô sẽ phải chịu sự kiểm soát rất đặc biệt với yêu cầu về tổ chức không gian kiến trúc, giới hạn về dân số, yêu cầu về hạ tầng...

Kiểm soát theo khu vực

Mục tiêu của quy chế nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; đồng thời là cơ sở để tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, quản lý, kiểm soát việc quy hoạch, thiết kế và xây dựng các công trình cao tầng, tổ hợp công trình cao tầng, điểm nhấn cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử, định hướng cho quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và cấp phép xây dựng. Bổ sung hoàn thiện tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan các công trình cao tầng hiện hữu trong khu vực nội đô lịch sử. Phạm vi áp dụng gồm các quận gồm Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, phía Bắc quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ. Quy mô nghiên cứu quy chế khoảng 3.881ha, từ bờ Nam sông Hồng đến đường Vành đai 2.

Theo dự thảo, khu vực không xây dựng cao tầng bao gồm: Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, khu phố Cổ; khu vực Hồ Gươm và phụ cận. Khu vực hạn chế xây dựng cao tầng gồm: khu trung tâm chính trị Ba Đình; khu phố cũ; khu vực xung quanh Hồ Tây; khu vực hạn chế phát triển; khu Văn Miếu và phụ cận; khu cải tạo chỉnh trang - kiểm soát đặc biệt; khu cải tạo chỉnh trang - kiểm soát phát triển. Đối với những khu vực cho phép xây dựng công trình cao tầng (đường vành đai, đường xuyên tâm, đường phố chính, các khu vực tạo thành điểm nhấn đô thị), dự thảo cũng chỉ rõ tầng cao tối đa, chiều cao tối đa, khoảng lùi cho phép; trong đó khu vực có tầng cao tối đa cao nhất là 39 tầng với chiều cao tối đa 140m. Dự thảo cùng quy định quản lý công trình cao tầng đối với những khu vực đặc thù như: Các khu chung cư, tập thể cũ; khu vực trụ sở cơ quan bộ, ngành, trường đại học, cơ sở y tế, công nghiệp sau khi di dời; khu vực an ninh, quốc phòng.

Công trình nhà cao tầng trong nội đô sẽ được kiểm soát chặt chẽ, để đảm bảo mỹ quan, an sinh xã hội.  Ảnh: Linh Anh

Công trình nhà cao tầng trong nội đô sẽ được kiểm soát chặt chẽ, để đảm bảo mỹ quan, an sinh xã hội. Ảnh: Linh Anh
Cần làm rõ quan điểm, mục tiêu và nguyên tắc

Theo yêu cầu của UBND TP, Dự thảo sẽ tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung, chỉnh sửa. Tuy nhiên, theo đề xuất ban đầu một số tuyến phố được xây dựng công trình tối đa cao 30 - 36 tầng gồm có tuyến Kim Ngưu, Hoàng Hoa Thám (khu vực từ Vành đai 2 - Vành đai 1). Một số tuyến phố được xây dựng công trình cao tối đa 25 - 29 tầng là Láng Hạ (khu vực Thái Hà - Vành đai 1), Văn Cao - Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh. Trong khi đó khu vực Hoàng Cầu, Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn sẽ khống chế chiều cao công trình tối đa 21 - 24 tầng.

Các khu vực có khả năng được xem xét xây dựng với chiều cao riêng là khu vực chung cư Giảng Võ, Thành Công, đây là những khu vực giao thoa của các tuyến giao thông như đường Vành đai 1, đường Kim Mã, trục xuyên tâm Láng Hạ - Giảng Võ, đường Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh đi đại lộ Thăng Long. Tuy nhiên, tại khu vực này, Sở QH - KT cũng chỉ đề xuất giới hạn chiều cao công trình là 27 tầng. Đối với các khu vực bộ, ngành, cơ sở y tế, giáo dục, nhà máy - xí nghiệp khi di dời ưu tiên các chức năng phục vụ hạ tầng xã hội và tiện ích đô thị theo quy hoạch chung, chiều cao công trình cũng sẽ được xem xét theo quy chế.

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, đây là quy chế rất quan trọng, khó và phức tạp, vừa phải tuân thủ theo quy hoạch chung nhưng lại phải tạo điểm nhấn cho đô thị. Theo Chủ tịch UBDN TP, quy hoạch điểm nhấn nên đưa ra loại hình tổ chức không gian kiến trúc. Nếu công trình có công năng nhà ở chỉ nhằm mục đích giãn dân. Với bộ mặt đô thị Hà Nội hiện nay, phải cải tạo, chỉnh trang đô thị với nguyên tắc không được tăng dân số, chỉ tăng chiều cao; tạo điểm nhấn công trình cao tầng nhưng phải lập quy hoạch để quản lý. Bởi vậy, quy chế phải làm rõ quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc rồi mới đưa quy định cụ thể.
Theo Dự thảo quy chế, công trình cao tầng xây mới sẽ khống chế ở các chức năng công cộng, dịch vụ thương mại, khách sạn, văn hóa; hạn chế chức năng ở, văn phòng. Các công trình có chức năng ở chỉ phục vụ giãn dân, tái định cư thuộc 4 quận nội thành cũ. Hiện, khu vực nội đô lịch sử có dân số khoảng 1,2 triệu người, theo yêu cầu của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, dân số khu vực sẽ phải giảm xuống còn 0,8 triệu người.
Song Hà (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.