Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định không bắt buộc công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch đất đai. Đây là những vấn đề đang nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau. Người cho rằng đây là một bước đột phá trong thực hiện cải cách hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai. Ý kiến khác lại lo lắng việc thiếu người "gác cổng" dẫn đến giao dịch đất đai vốn phức tạp sẽ càng phức tạp hơn.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 206 điều, trong đó bỏ 7 điều, sửa đổi 38 điều, bổ sung mới 23 điều. Dự thảo có quy định không bắt buộc công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch đất đai. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Luồng thứ nhất đề nghị quy định hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền: chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực. Trường hợp cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện công chứng, chứng thực theo nhu cầu của các bên. Ngược lại, loại ý kiến thứ hai tán thành với quy định của dự thảo luật không bắt buộc công chứng hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất.

Người dân đến giao dịch tại Phòng công chứng số 4. Ảnh: Khánh Nguyên
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc chuyển quyền sử dụng đất bắt buộc phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng nghĩa đã xác lập đầy đủ tính pháp lý của việc chuyển quyền sử dụng đất. Do đó, có thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất hay không nên để cho các bên lựa chọn nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Nếu bắt buộc phải có công chứng sẽ gây khó khăn cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

Tuy nhiên, việc bãi bỏ quy định công chứng đối với các giao dịch liên quan tới đất đai đã vấp phải sự phản đối của nhiều cơ quan. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng, việc công chứng và đăng ký tại văn phòng đăng ký bất động sản là khác nhau. Không thể khẳng định được việc đăng ký tại văn phòng đăng ký bất động sản là đã bảo đảm các yếu tố pháp lý cho hợp đồng giao dịch. Hơn nữa, trong điều kiện hiểu biết pháp luật của người dân nói chung hiện nay còn hạn chế, việc công chứng, chứng thực sẽ giúp họ phòng tránh các rủi ro pháp lý trong quá trình giao dịch. Mặt khác, một số loại hợp đồng, giao dịch có tính chất chuyển dịch tài sản quan trọng, nguy cơ rủi ro cao, cần phải bắt buộc công chứng, chứng thực để các công chứng viên giúp kiểm tra tính xác thực và hợp pháp của hợp đồng.

Cho rằng vấn đề bảo đảm an toàn cho người dân trong giao dịch phải đặt lên hàng đầu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phân tích, khi có giao dịch cần đăng ký tại văn phòng nhà đất là để Nhà nước quản lý, theo dõi biến động của mảnh đất đó. Còn công chứng cần hiểu đó là yêu cầu về mặt dân sự, pháp luật dân sự cũng đã yêu cầu bắt buộc đối với các giao dịch bất động sản. Có công chứng sẽ giảm thiểu được rủi ro pháp lý trong các hợp đồng, giao dịch, nhất là bất động sản

Lâu nay, nhiều người vẫn coi công chứng viên là "người gác cổng" trong thực hiện các giao dịch liên quan đến nhà, đất. Bởi theo quy định của pháp luật, để công chứng hợp đồng mua bán nhà, chuyển quyền sở hữu đất, một công chứng viên hoạt động tại các tổ chức hành nghề công chứng phải thực hiện rất nhiều khâu như kiểm tra các loại chứng từ, tình trạng hôn nhân của bên bán, kiểm tra tài sản mua bán có bị ngăn chặn hay không thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu... Đó là chưa kể đến công chứng viên phải xem xét, nhận định người thực hiện có đủ điều kiện sức khỏe, tinh thần khi thực hiện giao dịch hay không. Với những trường hợp quá già yếu, không đủ minh mẫn lại phải yêu cầu người làm chứng. Quy trình kỹ lưỡng là vậy song trên thực tế tình hình tội phạm có liên quan đến làm giả giấy tờ, tài liệu về quyền sở hữu nhà, giả người để thực hiện công chứng đang có dấu hiệu gia tăng, hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, phức tạp. Nhiều vụ án liên quan tới làm giả giấy tờ nhà đất đã bị phát giác và đưa ra xét xử.

Thiết nghĩ, trong khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quản lý đất đai còn nhiều hạn chế, việc duy trì quy định các hợp đồng giao dịch về nhà, đất phải được công chứng trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Về lâu dài, người dân mong muốn Luật Đất đai (sửa đổi) khi được thông qua sẽ đưa ra được những quy định cụ thể, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, vừa giải quyết thấu đáo những bất cập trong quản lý nhà đất hiện nay.
  • “Lấy đất của người chết bán cho người sống” làm… căn hộ

    “Lấy đất của người chết bán cho người sống” làm… căn hộ

    Toàn bộ nghĩa trang Ao Đường (xã Hoàng Văn Thụ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) nằm trong quy hoạch, phải di dời để thực hiện dự án di dân Đền Lừ III và đấu giá quyền sử dụng đất...

  • Giải cứu bất động sản hay là lại “thổi bóng”?

    Giải cứu bất động sản hay là lại “thổi bóng”?

    Dẫu hầu hết các chuyên gia đều cho rằng việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, là việc mà Chính phủ không thể không làm, nhưng hiện có không ít ý kiến băn khoăn. Vì với một lĩnh vực hiện đang còn tồn tại quá nhiều “góc khuất” như thị trường bất động sản, thì việc giải cứu, không cẩn trọng, sẽ chỉ là đổ tiền cứu nhà giàu và thổi lại bong bóng bất động sản mới, nền kinh tế không thu được lợi gì và cả người dân cũng vậy.

  • Cứu BĐS: Chuyển ế qua nhà xã hội?

    Cứu BĐS: Chuyển ế qua nhà xã hội?

    Nghị quyết số 02/NQ-CP đã đưa ra một số giải pháp giải cứu thị trường BĐS. Điều này mang lại hy vọng sẽ thức đẩy thị trường này khởi sắc. Tuy nhiên, ngay từ đầu nó đã cho thấy nhiều rắc rối sẽ phát sinh.

Đà Đông (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.