Sau tám năm thành lập, quận Hoàng Mai có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng và quản lý đô thị, từng bước giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc. Tuy nhiên, sự phát triển của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị vẫn chưa tương xứng với tốc độ đô thị hóa. Quận đang chủ động tìm giải pháp khắc phục bất cập nêu trên.

Diện mạo đô thị đã được hình thành

Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, quận xác định xây dựng và quản lý đô thị là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cần tập trung chỉ đạo. Từ năm 2006 đến 2010, tổng vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn đạt gần 2.900 tỷ đồng, trong đó ngân sách quận là 579 tỷ đồng, còn lại là huy động các nguồn vốn khác. Các nguồn vốn đều được quản lý, sử dụng có hiệu quả. Hàng chục dự án lớn của trung ương và thành phố được triển khai trên địa bàn quận, điển hình như dự án xây dựng đường vành đai ba, cầu Thanh Trì, công viên Yên Sở, nhà máy xử lý nước thải, các hạng mục dự án Thoát nước Hà Nội, các khu đô thị lớn như Linh Ðàm, Ðịnh Công, Pháp Vân, Ðền Lừ, khu tái định cư Ðồng Tàu... tạo diện mạo khang trang tại vùng đô thị vốn trước là vùng trũng của thành phố.

Cùng với những dự án nêu trên, quận đã đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường ngõ trên địa bàn 14 phường. Trước đây, tại các phường của huyện Thanh Trì chỉ toàn đường gạch, đường đất, hệ thống thoát nước do người dân tự làm, rất mất vệ sinh. Việc đầu tư đồng bộ đường ngõ, xóm kết hợp làm hệ thống thoát nước bảo đảm sự đi lại thuận tiện cho người dân, giảm ô nhiễm môi trường. Việc cung cấp nước sinh hoạt có chuyển biến rõ rệt. Nếu như thời điểm khi mới thành lập quận, người dân của chín phường vốn là các xã của huyện Thanh Trì vẫn dùng hệ thống nước sạch nông thôn, các phường Tân Mai, Tương Mai, Mai Ðộng... ở cuối nguồn nước, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, thì đến đầu năm 2011, cơ bản các hộ dân trên địa bàn quận đã được lắp đặt nước sạch, chất lượng dịch vụ được cải thiện. Nhờ đó, chất lượng sống của nhân dân được cải thiện, tạo tâm lý phấn khởi cho người dân, đồng thời tạo tiền đề quan trọng để quận tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.

Ðầu tư cho hạ tầng kỹ thuật

Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng và quản lý đô thị, nhưng nhìn chung hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị vẫn chưa tương xứng với tốc độ đô thị hóa, sự gia tăng dân số trên địa bàn và với vị thế của một quận nội thành Thủ đô. Thời điểm mới thành lập, dân số của quận có hơn 187 nghìn người, nhưng đến nay đã lên tới gần 340 nghìn người, trong đó có một số phường có tốc độ tăng dân số cao như Ðịnh Công, Vĩnh Hưng, Thịnh Liệt. Trong khi đó, công tác đầu tư xây dựng mới chỉ tập trung vào những công trình nhỏ, lẻ, giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc. Hạ tầng kỹ thuật của quận nhìn chung vẫn thấp kém, thiếu đồng bộ. 29 tuyến đường trên địa bàn quận do thành phố quản lý đều là các tuyến đường trọng điểm, nối từ tuyến quốc lộ vào trung tâm thành phố, mật độ giao thông lớn, nhưng mặt cắt nhỏ, hè đường, cây xanh, thoát nước chưa đồng bộ, chưa đáp ứng lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng. Các tuyến đường Lĩnh Nam, Nguyễn Tam Trinh, Pháp Vân, Ðại Từ, Ðịnh Công... là những tuyến đường điển hình về sự xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm nay, mà chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp, trở thành những điểm 'đen' về tai nạn và ùn tắc giao thông. Chưa kể, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng tuyến đường mới trên địa bàn chưa được quan tâm. Hệ thống giao thông vẫn chỉ dựa trên các công trình đã có, nhưng đã bị xuống cấp, mà chưa phát triển thêm các tuyến đường khu vực, tạo thành mạng lưới, vì thế thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ. Thí dụ như trên địa bàn phường Ðịnh Công, hệ thống giao thông trong phường khá tốt, nhưng các tuyến đường đấu nối với hệ thống giao thông chung của thành phố là phố Ðịnh Công và Bùi Xương Trạch thì quá nhỏ, hẹp, không đáp ứng lưu lượng giao thông, gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm hằng ngày. Giao thông không thuận tiện, cho nên nhiều phường của Hoàng Mai mặc dù cách trung tâm Thủ đô không xa, nhưng trình độ phát triển kinh tế - xã hội vẫn thấp, cuộc sống, thu nhập của người dân còn khó khăn.

Các công trình thoát nước, giao thông ngõ, xóm được cải tạo từ nguồn kinh phí ít ỏi từ ngân sách của quận, phường nên mới chỉ ở tình trạng chắp vá, thiếu tính đồng bộ, tổng thể, cho nên hiệu quả đầu tư chưa cao. Mặc dù trên địa bàn quận có công trình thoát nước đầu mối Yên Sở, nhưng tình trạng úng ngập cục bộ vẫn thường xuyên xảy ra mỗi khi có lượng mưa nhỏ khoảng 50 mm/giờ tại khu vực như dốc Ðoàn Kết (phường Vĩnh Hưng), phố Trương Ðịnh, khu vực trước cửa Nhà máy bê-tông Thịnh Liệt, Công ty Vận tải hàng hóa (phường Thịnh Liệt), các tuyến đường trong làng cổ Tương Mai, làng Giáp Nhị (phường Thịnh Liệt)... Khu vực các phường Trần Phú, Lĩnh Nam, Yên Sở có một phần diện tích nằm ngoài đê sông Hồng, hạ tầng còn khó khăn hơn do vướng mắc trong đầu tư xây dựng.

Ðể giải quyết những khó khăn, bất cập nêu trên, từng bước xây dựng hạ tầng khung về giao thông đô thị theo quy hoạch, từ nay đến năm 2015, quận Hoàng Mai tập trung đầu tư xây dựng các tuyến giao thông trọng điểm, có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của quận. Các dự án cụ thể bao gồm đường vành đai 2,5 đoạn từ đầm Hồng đến quốc lộ 1A; cải tạo mở rộng đường Lĩnh Nam, Nguyễn Tam Trinh; xây dựng đường nối từ cầu Ðền Lừ đến phía bắc khu công nghiệp Vĩnh Tuy, đường nối từ tuyến đường vành đai 2,5 đến đường Nguyễn Ðức Cảnh kéo dài, đường nối từ sông Gạo qua địa bàn các phường Vĩnh Hưng, Thanh Trì, Lĩnh Nam đến đê sông Hồng, đường từ cầu Ðền Lừ đến đường bao công viên Yên Sở, đường từ Vĩnh Tuy qua Vĩnh Hưng - Yên Duyên... Quận đang tập trung nhiều nguồn vốn, trong đó, đẩy mạnh việc đầu tư các tuyến đường theo phương thức hợp đồng BT, để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hoàng Mai.

Cafeland.vn - Theo Nhân Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland