Thực hiện Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội về thí điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đến nay, cả nước mới bán được nhà cho 126 trường hợp. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến người nước ngoài chưa “mặn mà” với thị trường nhà ở Việt Nam?
GS - TSKH Đặng Hùng Võ
Năm 2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 19/2008/QH12 ưu tiên cho những người nước ngoài thuộc diện đầu tư ở Việt Nam, có công với Việt Nam, có chồng hoặc vợ là người Việt Nam được mua nhà để ở, trong đó mỗi người chỉ được mua 1 căn hộ chung cư.
Với chính sách này, người nước ngoài thấy rằng, chúng ta đã khá cởi mở, song có lẽ như vậy vẫn chưa thỏa mãn so với nhu cầu thực tế của họ. Theo tôi, có 2 lý do.
Thứ nhất, người nước ngoài thường có nhiều tiền và có thể có công việc ở nhiều nơi, phạm vi hoạt động của họ lại rất rộng, nay ở dự án này, mai ở dự án khác.
Do đó, nếu chỉ cho họ mua một căn nhà thì như vậy ta đã vô tình bó buộc họ.
Thứ hai, quan trọng hơn là về khâu thủ tục giấy tờ, chúng ta đã có cơ chế rồi, thế nhưng, đến khi thực thi lại xa rời so với thực tế. Đã có rất nhiều trường hợp người nước ngoài phản ánh việc gặp rất nhiều khó khăn khi làm thủ tục mua nhà ở thành phố. Các cơ quan chức năng thường đẩy đi, đẩy lại, khiến họ cảm thấy chính sách của chúng ta chưa được chặt.
Vậy theo ông, cần cải thiện những điểm nào về mặt thủ tục để người nước ngoài dễ dàng tiếp cận với nhà ở của Việt Nam?
Sự thực là, pháp luật quy định thủ tục mua bán nhà cho người nước ngoài ở Việt Nam khá rõ ràng và không có gì là phức tạp. Nhưng làm thế nào để quá trình làm thủ tục đi vào thực tế mà không gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người mua nhà thì vẫn là thách thức lớn.
Thứ nhất, thủ tục còn nhiều vướng víu có thể là do những người làm thủ tục chưa hiểu biết rõ về pháp luật.
Thứ hai, cũng không ít ý kiến lại cho rằng, ở đây có thể vướng víu về mặt tiêu cực, nhũng nhiễu, chứ không phải chỉ đơn giản là chuyện trình độ.
Để cải thiện thực trạng này, chúng ta phải “nâng cấp” cơ quan làm thủ tục hành chính về đất đai, đồng thời, cũng nên thành lập ngay đường dây nóng, giải quyết những vướng mắc mà người nước ngoài gặp phải khi làm những thủ tục hành chính mua bán nhà…
Bộ Xây dựng đang đề xuất nới điều kiện mua và sở hữu nhà ở cho người nước ngoài như cho phép tất cả các đối tượng được cấp visa vào Việt Nam từ 3 tháng trở lên có thể được mua và sở hữu nhà; cho phép một người cùng lúc sở hữu nhiều căn hộ… Đề xuất này có khiến cho “bức tranh” bất động sản trở nên khởi sắc hơn, thưa ông?
Theo tôi, đề xuất này sẽ có nhiều tác động tốt, làm tăng nguồn cầu đối với thị trường bất động sản, tuy nhiên nó không phải là giải pháp chủ yếu cho thị trường bất động sản, bởi sức mua của người nước ngoài không phải là ồ ạt.
Do đó, họ không thể mua hết những diện tích nhà đang tồn đọng.
Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ nên nới rộng đối tượng mua nhà đến một phạm vi nhất định có thể kiểm soát được, chứ không nên “thả cửa” đến mức ai cũng mua được. Ông đánh giá ra sao vấn đề này?
Tôi cho rằng, việc nới rộng đối tượng mua nhà theo đề xuất của Bộ Xây dựng là tương đối hợp lý. Nó tương đương với điều kiện mua nhà của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Trước hết, bản thân người nước ngoài định cư ở Việt Nam với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là không khác gì nhau. Do đó, không có lý do gì khiến chúng ta tạo ra vạch cản ngăn cách giữa người Việt Nam với người nước ngoài.
Điều quan trọng là, chúng ta phải quản lý thế nào đối với người nước ngoài sinh sống ở đây, chứ không phải sợ rằng không quản lý được mà co hẹp lại.
Theo nhiều chuyên gia, chỉ nên cho người nước ngoài được mua và sở hữu căn hộ chung cư hạng sang có giá bán từ 21 triệu đồng/m2 trở lên để tránh cạnh tranh. Theo ông, ý kiến này có hợp lý?
Đã là thị trường thì phải bình đẳng, chúng ta chỉ có thể không cho người nước ngoài tiếp cận với nhà ở xã hội, bởi dự án nhà ở xã hội có sự trợ giúp của Nhà nước đối với những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, không nên đặt ra vấn đề là người nước ngoài chỉ được mua nhà trong phạm vi này, phạm vi kia, bởi đã là nhà ở thương mại thì họ có quyền được tiếp cận.