16/05/2011 3:14 AM
NNVN vừa có loạt bài phản ánh về những bất cập trong quản lý đất đai, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Vẫn những câu chuyện xoay quanh sự yếu kém và hành vi tiêu cực của cán bộ trong bộ máy chính quyền cơ sở.

Trong khi báo nêu, thì một hội nghị về quản lý đất đai của Bộ TN-MT đồng thời được tổ chức. Ở hội nghị này, người ta đúc kết những “kết quả” giật mình: Giai đoạn 2003 - 2006, khiếu nại hành chính và tố cáo về đất đai chiếm khoảng 70% tổng lượng khiếu kiện của người dân. Năm 2009, tỷ lệ trên là 80%. Nhưng từ năm ngoái đến nay, con số đã tăng tăng vọt lên đến hơn 90%...

Bộ TN-MT, cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về đất đai, cũng phải thừa nhận rằng, tình trạng tham nhũng trong quản lý đất đai là vấn đề nhức nhối tại Việt Nam trong nhiều năm qua.

Tuy khiếu kiện trong lĩnh vực này nhiều như vậy, nhưng việc xử lý, giải quyết chẳng thấm vào đâu. Một kết quả của nhóm nghiên cứu gồm Đại sứ quán Thụy Điển, Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cho biết, dù có đến 90% tranh chấp, khiếu kiện, tố cáo ở tòa liên quan đến đất đai, nhưng chỉ 1% người khởi kiện thỏa mãn với kết quả giải quyết.

Một chuyên gia đất đai, người được xem là dám nói những điều “ngang tai trái mắt” về lĩnh vực này, GS Đặng Hùng Võ, nhìn nhận: “Cơ chế đất đai đang tạo nên nguy cơ tham nhũng rất cao”.

Thật ra, nói như GS Võ thì chưa hẳn đã chính xác. Đúng hơn, không phải nguy cơ, mà là thực tiễn đã xảy ra. Đã có những quan chức tỉnh, huyện tùy tiện sửa chữa, bổ sung quy hoạch, mỗi nhiệm kỳ là một lần quy hoạch mới, một tuyến đường mới làm giá đất tăng vọt; rồi tình trạng nhiều vị lãnh đạo móc ngoặc với DN chia chác đất đai, đút túi hàng tỷ đồng. Hàng tỉnh, hàng huyện còn vậy, ở cấp nhỏ hơn còn rối ren hơn nhiều.

Chính sách quản lý đất đai hiện nay có tạo cơ hội cho tham nhũng? Câu trả lời là chắc chắn có. Người dân bị nhũng nhiễu, o ép, ngân sách nhà nước thất thu và hối lộ tồn tại gần như trở thành "chuyện thường ngày ở huyện" trong thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.

Để thay đổi tình trạng này là không hề dễ dàng. Theo đánh giá, hệ thống quản lý đất đai đã có nhiều tiến bộ và hoàn thiện, nhưng quá nhiều kẽ hở vẫn còn tồn tại. UBND các cấp vẫn được quyết tất, từ ra quyết định sử dụng đất đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thậm chí xác định giá đất đền bù... Đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng người dân không có tiếng nói trong quy hoạch, phân phối, sử dụng đất.

Người dân phải được giám sát việc thu hồi và sử dụng đất; quyền “tự quyết” của các quan chức xã, phường, tỉnh phải giảm bớt; tăng tính độc lập trong việc xác định giá trị đất, giá trị đền bù và phân đất… là những khuyến nghị được các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra. Vấn đề là những đề xuất này sẽ được những nhà làm luật, những người có thẩm quyền cân nhắc và thực hiện ra sao!

Cafeland.vn - Theo Nông nghiệp Việt Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.