02/07/2013 8:31 PM
Hiện danh sách các dự án xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội (NƠXH) của cả nước đã được công bố. Nhiều DN có chung ý kiến đa phần các dự án xin chuyển đổi đều gặp khó do vướng quá nhiều thủ tục.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: “Nói các dự án chuyển đổi dễ hay khó đều đúng cả. Dù các dự án được ưu tiên nhằm mục tiêu từng bước gỡ khó cho thị trường BĐS thì vẫn phải làm theo đúng trình tự. Chủ đầu tư phải thuyết phục được cơ quan chuyên môn về hiệu quả của dự án khi chuyển đổi. Việc chuyển đổi chắc chắn sẽ khó khăn hơn so với dự án được lập ngay từ đầu. Hơn nữa, các dự án gặp khó thường là các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất nhỏ, đang xây dựng dở dang hoặc ngừng triển khai, một số dự án thì chưa giải phóng xong mặt bằng…Bộ Xây dựng phải xem xét kỹ trước khi đồng ý vì nếu không làm “chặt” rất dễ hình thành một dạnh nhà ở “ế” khác trong tương lai. Thực tế, việc làm chặt giúp các DN lựa chọn hình thức quản lý dự án cho phù hợp, thay vì chuyển đổi có thể mua bán, sát nhập… Đừng xem NƠXH là cái phao mà nên xem đó là một hướng đi mới, trong đó nhu cầu thực tế là căn cứ phải được DN tính kỹ”.

Còn đối với việc chuyển đổi sang NƠXH, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Việc chuyển đổi là để khắc phục sự lệch pha trong cung - cầu hiện nay. Theo đó, các dự án thực hiện kết nối hạ tầng đồng bộ hoặc thực hiện một phần hạ tầng sẽ được xem xét chuyển đổi cho phù hợp với nhu cầu và quy hoạch phát triển của từng khu vực. Đối với các dự án đang xây dựng dở dang hoặc đã hoàn thiện nhưng thiếu hạ tầng thì việc chuyển đổi chỉ là hạn hữu”.

Không riêng gì lãnh đạo Bộ Xây dựng mà cả lãnh đạo TP Hà Nội hay TP.HCM cũng chung quan điểm này. Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: Thành phố không khó khăn gì với các DN nhưng vấn đề là ở chỗ dự án chuyển được sẽ chuyển ngay, còn các dự án không đảm bảo yêu cầu thì không thể. Chẳng hạn như 35 dự án xin chuyển đổi thì có một số dự án mới gửi văn bản còn hồ sơ chưa có. Nhiều dự án cũng cứ làm văn bản gửi như vậy, còn bản thân DN họ cũng đang cân nhắc lựa chọn hình thức phù hợp. Như vậy, từ quan điểm của người đứng đầu ngành Xây dựng cho đến lãnh đạo các địa phương cho thấy chuyển đổi dự án không phải DN muốn là được.

Với các dự án xin chuyển đổi, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành khuyến cáo: Các DN nên thận trọng, nếu không có kinh nghiệm về NƠXH rất dễ “chết” ở loại nhà này bởi quy định về đối tượng được mua, phải qua kiểm duyệt chứ không được bán tự do. Nhà có thể rẻ nhưng đối tượng được mua không có tiền. Chuyển từ nhà thương mại sang NƠXH thì được chứ chuyển ngược thì chưa có tiền lệ. Ông Nghĩa cho biết thêm: Dự án Khu dân cư Lê Thành tại phường An Lạc, quận Bình Tân nằm trong số các dự án xin chuyển sang NƠXH, trước đó là dự án thương mại nhà chia lô thấp tầng. Hiện Công ty xin chuyển thành NƠXH cao 14 tầng để cho thuê. Dự kiến giá thuê khoảng 2,2 triệu đồng/căn hộ 38m2, hợp đồng ký 5 năm nhưng người thuê sẽ trả tiền hàng tháng. Vì thế, việc chuyển đổi phải đợi các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, còn khi nào phê duyệt xong, khi nào được chuyển đổi thì chưa biết. Sở dĩ Công ty xin chuyển đổi dự án vì vừa rồi Công ty xây 625 căn nhà có diện tích từ 30 - 45m2 cho thuê mua trong vòng 49 năm hiện đã bán được 600 căn nên mới xin thí điểm xây căn hộ NƠXH cho thuê. Nếu dự án được phê duyệt thì Lê Thành sẽ là DN tư nhân đầu tiên xây NƠXH cho thuê.

Dư luận đang hoài nghi việc hàng tồn kho BĐS đang chất cao như núi chưa được giải cứu thì hàng loạt các dự án NƠXH mới được triển khai. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định: Chiến lược NƠXH chỉ có thể thành công khi nguồn cung phù hợp, còn việc thừa, thiếu Nhà nước sẽ điều chỉnh bằng chính sách và bản thân thị trường cũng phải điều tiết phù hợp quy luật cung cầu. Bộ Xây dựng chủ trương tung nhà giá rẻ để các DN phải tự điều chỉnh giá và người tiêu dùng sẽ hưởng lợi. Như thế các đối tượng được mua NƠXH mới có điều kiện để có nhà. Các DN tính toán cẩn trọng chứ không thể xin chuyển đổi theo phong trào.

Trung Kiên (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.