17/08/2012 9:15 AM
Thật là nghịch lý, trong khi người tái định cư (TĐC) phải ở tạm thì vẫn còn rất nhiều nhà TĐC lại bỏ hoang. Con số nhà TĐC bị bỏ hoang tại TPHCM có thể lên đến vài ngàn căn.

>>Chuyện dài tái định cư - Bài 1: Đằng đẵng đời tạm cư

Vườn không nhà trống

Trên trang web của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn còn đầy dòng chữ tự hào về chung cư 481 Bến Ba Đình quận 8, do mình làm chủ đầu tư: Được quyết định công nhận của Hội đồng thi đua khen thưởng TPHCM, tổ chức lễ gắn biển “Công trình chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2010”. Thông số của dự án thể hiện một chung cư hiện đại: Tọa lạc trên khuôn viên đất rộng 7.108,3m², tổng vốn đầu tư 173,7 tỷ đồng, bao gồm hai khối chung cư 15 tầng với tổng số 350 căn hộ, trong đó diện tích xây dựng nhà trẻ 544m².

Còn xét về vị trí, chung cư này hẳn là mơ ước của những người chưa có nhà ở, chỉ cách quận 5 cây cầu Nguyễn Tri Phương. Thế nhưng, điều đáng tiếc là chung cư này đã bị bỏ trống 3 năm qua, từ khi việc xây dựng hoàn tất, dù Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn có bố trí người trông coi. Một chị thuộc ban quản lý chung cư cho biết: “Lúc trước nơi đây là điểm tập trung tệ nạn xã hội, hút chích, còn nay đã bố trí lực lượng dân phòng bố ráp, nhưng lâu lâu vẫn lượm được vài kim tiêm”. Theo thông tin chúng tôi được biết, chung cư 481 Bến Ba Đình ban đầu dự tính là nhà ở thương mại để bán ra thị trường, nhưng sau đó dùng để bố trí TĐC cho dự án rạch Ụ Cây giai đoạn 2. Hiện nay giai đoạn 1 của dự án chưa thực hiện xong, còn giai đoạn 2 đang “đàm phán” với người dân để giải tỏa, có thể chung cư này sẽ phải bỏ hoang trong nhiều năm nữa?

50 căn hộ tái định cư Bắc Rạch Chiếc quận 9 đã bỏ trống 5 năm, bò tha thẩn ăn cỏ xung quanh. Ảnh: HUY ANH

Chung cư Tân Mỹ quận 7, chung cư được xem là điểm sáng về TĐC, vì nằm sát ngay khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng, với 2 lốc chung cư, mỗi lốc 300 căn hộ. Người dân giải tỏa từ rạch Ụ Cây đã được bố trí vào đây. Tuy nhiên ông Lê Văn Sáu, Ban quản trị chung cư Tân Mỹ, cho biết, hiện nay chỉ có lốc A là ở kín, lốc B chỉ có 50 hộ đang ở. Trên địa bàn quận 7, một chung cư khác đang có nhiều căn hộ bỏ trống là chung cư Tân Hưng, mặc dù có vị trí khá đẹp trên đường Nguyễn Hữu Thọ. Chung cư này được hoàn thành từ năm 2006, nhưng đến nay chỉ có 25 hộ dọn về sinh sống trên tổng số 72 căn.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận 7, cho biết, các căn còn trống của chung cư Tân Hưng sẽ dành để bố trí TĐC cho dự án di dời nhà ở ven kênh Tẻ. Theo đó sẽ có 410 hộ phải di dời, trong đó sẽ có một số được bố trí vào chung cư này qua hình thức bốc thăm. Dự kiến phải sang năm 2013, quận 7 mới tổ chức di dời bố trí TĐC. Điều này đồng nghĩa nếu triển khai chậm, 47 căn hộ của chung cư Tân Hưng sẽ nâng lên năm thứ 8 bỏ trống!

Tại khu chung cư TĐC Bắc Rạch Chiếc quận 9, mặc dù xây xong đã 5 năm nhưng nguyên một cụm 50 căn hiện đang bỏ trống, bò tha thẩn ăn cỏ xung quanh. Một bảo vệ chung cư cho biết, vì không có ai ở nên hệ thống cửa sắt bị mục, gỗ cong vênh. Chung cư này bố trí TĐC cho dự án Bắc Rạch Chiếc, nhưng vì người dân chưa đồng ý nên vẫn còn bỏ trống. Tương tự, cụm chung cư TĐC Vĩnh Lộc B nhằm bố trí 166 hộ dân ở chung cư Cô Giang bị giải tỏa được bố trí tạm cư và TĐC từ lô A2.6 đến A2.10 nhưng rất ít hộ dân ký nhận căn hộ. Bởi lẽ, đa số cuộc sống của cư dân tại chung cư Cô Giang phụ thuộc hoàn toàn vào việc kinh doanh, mua bán tại chỗ, hơn nữa là chung cư nằm ngay trung tâm quận 1 nên khi về chung cư Vĩnh Lộc B, xung quanh là ruộng nước, điều kiện sống thiếu thốn nên họ không chấp thuận.

Gần như ở chung cư TĐC nào cũng có ít hoặc nhiều căn hộ bị bỏ trống, đó là một sự lãng phí rất lớn đến nay chưa có lời giải!

Kém chất lượng?

Không phải không có lý do mà mỗi khi nhắc đến chung cư TĐC người dân lại có “ác cảm”, đó là những khu nhà kém chất lượng. Trong đợt khảo sát các dự án chung cư TĐC của Sở Xây dựng vào tháng 10-2011, chung cư nào cũng có dấu hiệu xuống cấp, kể cả chung cư mới đưa vào hoạt động, còn thời gian bảo hành.

Không chỉ những chung cư đã sử dụng từ 5 năm đến 10 năm như An Sương quận 12, Chu Văn An quận Bình Thạnh, Bình Trưng và Thủ Thiêm quận 2 mà một số chung cư mới đưa vào sử dụng như chung cư An Phúc - An Lộc quận 2 (năm 2008) và chung cư Tân Mỹ quận 7 (tháng 2-2010) đều có dấu hiệu xuống cấp. Mẫu số chung kém chất lượng, là thấm tại khu vực nhà vệ sinh, tường bị thấm khi mưa, hệ thống thoát nước bị nghẹt hoặc trào ngược vào trong nhà… gây mùi hôi, ẩm thấp. Mặt ngoài chung cư An Sương quận 12 đã bị đóng rêu xanh, loang ố tại tầng trệt, về lâu dài sẽ gây gỉ cốt thép, khả năng chịu lực sẽ giảm nhanh.

Một số chung cư có hiện tượng lún sụt như chung cư An Phúc - An Lộc quận 2, nền sân lối đi xung quanh chân công trình làm gạch lát vỉa hè hư hỏng và tường gạch xây bao ngoài các cột biên bị nứt. Ngoài ra, hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại một số chung cư không đảm bảo như không có dây dẫn nước trong các hộp chữa cháy, chung cư Bình Trưng quận 2 thì hệ thống PCCC hỏng đã lâu…

Tại chung cư Tân Mỹ, mặc dù gọi là kiểu mẫu nhưng thang máy chung cư hoạt động không ổn định, thường xuyên bị kẹt. Trong sổ của ban quản lý chung cư vào những ngày đầu tháng 8, có 24 hộ đăng ký sửa chữa, hầu hết là bị thấm nhà vệ sinh. Một hộ cho biết, có khi vào nhà vệ sinh phải đội nón vì nhà trên dội bao nhiêu nước là chảy lọt ra ngoài xuống nhà vệ sinh bên dưới bấy nhiêu.

Cũng tại chung cư TĐC Vĩnh Lộc B huyện Bình Chánh, chỉ 1 năm sau khi đưa vào vận hành nhưng đã xuống cấp như bị thấm dột, rớt trần nhựa, gạch ốp lát bị bong tróc, vỉa hè bị lún sâu, hệ thống PCCC không hoạt động; nước sinh hoạt thường xuyên có màu xanh, điện liên tục bị cắt, điện chiếu sáng trên các tuyến đường nội bộ không mở…

Ông Lê Hữu Tùng, Trưởng ban Quản trị chung cư TĐC Thạnh Mỹ Lợi quận 2, cho biết, hiện 70% số căn hộ tại chung cư này có nhà vệ sinh bị thấm nước. Hệ thống cống thoát nước của chung cư rất tệ, hễ mưa là nước ngập lênh láng. Có nhiều hộ dân đi làm về mở cửa ra mới hỡi ơi, cống nghẹt làm nước tràn vô sàn nhà, mọi thứ trong nhà nổi lềnh bềnh. Chung cư đã hết thời gian bảo hành, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 2 đang thực hiện bảo trì.

“Nếu người dân có hư hỏng gì thì Ban quản trị ghi nhận, chụp hình để gửi đến đơn vị liên quan sửa chữa. Tuy nhiên, từ ngày nhận chung cư (năm 2009) đến nay, việc bảo hành, bảo trì của chung cư rất ì ạch” - ông Tùng nói. Đây cũng chính là tình trạng chung ở đa số các chung cư TĐC .

Theo đánh giá của Sở Xây dựng TPHCM sau các đợt khảo sát, ngoài hư hỏng theo thời gian, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng chung cư TĐC mau xuống cấp là do các chung cư không được bảo trì đúng mức; do bố trí lại các khu chức năng trong căn hộ, một số chung cư ban đầu được thiết kế là nhà lưu trú công nhân, sau đó chuyển sang chung cư TĐC; các đơn vị quản lý chung cư không có biện pháp ngăn chặn từ đầu nên dẫn đến hiện tượng xuống cấp nhanh.
Theo SGGP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.