16/08/2012 7:50 AM
Những năm qua, TPHCM đã có rất nhiều nỗ lực để xây dựng nhà tái định cư (TĐC), đảm bảo cuộc sống của người dân tại nơi ở mới “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tế, kết quả thực hiện TĐC chưa được tốt, người dân chê nhà TĐC, nhà TĐC bỏ hoang trong khi nhiều khu tạm cư, tạm bợ tồn tại hàng chục năm… Phải chăng chúng ta chưa có quy hoạch bài bản, thiếu nhạc trưởng đã dẫn đến kết quả chệch choạc, trở thành “điểm nóng” TĐC?

“Tạm cư” nghĩa là “chỗ ở tạm thời trong một thời gian ngắn trước mắt” - từ điển tiếng Việt. Nhưng sự thật tạm cư đang diễn ra tại thành phố lại khác: kéo dài vô tận, có những khu tạm cư tồn tại hàng chục năm trời biến thành “định canh định cư”, những khu nhà ổ chuột mới.

Chung cư 481 Bến Ba Đình quận 8 dành để tái định cư đã bỏ trống 3 năm qua. Ảnh: Huy A

Gần chục năm lây lất!

Mất gần buổi sáng chúng tôi mới tìm được “tung tích” những hộ dân tạm cư… thuộc dự án Trung tâm Thương mại Bình Điền giai đoạn 2. Bởi lẽ, một lãnh đạo UBND phường 7 quận 8 không biết họ ở đâu; Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8 hồi lâu mới tìm ra số điện thoại liên lạc với những người tạm cư. Nhưng thật ra, một số hộ dân ở ngay đó, tức là cách nơi ở cũ chưa tới 2km!

Dưới bóng cây bàng bên cạnh căn nhà tạm, chị Trịnh Thị Tuyết Hồng, tạm cư của dự án, nói: “May có cây bàng để anh chị ngồi mát chứ trong nhà nóng hầm hập, chịu không nổi đâu”. Trước nhà, đang mùa mưa nhưng con đường chạy ngang bụi bay mịt mù, một phần đường lún trũng xuống tạo thành ổ voi, đọng sình lầy. Bên kia đường là ao nước, ngay sau nhà cũng là ao nước, bốc mùi nặng mũi, cây cối rậm rạp, giữa trưa nắng muỗi mòng vẫn bay vèo đáp vào người.

Chị Hồng buột miệng: “Muỗi nhiều lắm, đứa con nhỏ vừa mới nhập viện vì bệnh sốt xuất huyết”. Năm 2004, gia đình chị Hồng đã giao hơn 700m² đất mặt tiền cho dự án để qua thuê khu đất gần nơi ở cũ, dựng nhà ở. Hồi đó nghĩ ở tạm khoảng một năm là có nhà mới nên dựng nhà bằng tôn và sử dụng lại những vật dụng cũ chứ không xây dựng kiên cố làm gì cho tốn tiền. Thế nhưng, căn nhà tạm đã trôi qua hơn 8 năm. Căn nhà rộng 4m, dài chừng 10m, trước nhà vá víu bằng tấm bạt, che chắn để bán đồ ăn sáng, giao gas, bán các thiết bị điện. Khi “ở tạm”, đứa con gái lớn mới học lớp 6 nay đã vô đại học.

Cuộc sống tại khu tạm cư có nhiều chuyện khiến người dân trăn trở. Chị Nguyễn Thị Kim Tuyền cho biết, khu đất cất nhà tạm là đất thuê, trả 1 triệu đồng/tháng. Sau 8 năm tạm cư, gia đình có thêm một thành viên nữa, bé gái sinh ra tại khu tạm cư đã 30 tháng nhưng không nhận được tiền tạm cư; một gia đình khác vừa có người mất là bị cắt tiền tạm cư ngay. Đó là chưa kể tiền tạm cư thường xuyên bị trễ hạn, trong khi đó tiền thuê nhà phải đóng từ đầu tháng hoặc chủ nhà yêu cầu đóng một lần mấy tháng liền! Không chỉ đơn thuần chỗ ở mà những người tạm cư rối bời công ăn việc làm. Khi còn ở nhà cũ, chồng chị Tuyền làm nghề sửa xe, hớt tóc ngay tại nhà, chị làm ruộng. Về ở tạm cư, chị Tuyền không còn ruộng để làm, người chồng cũng không sửa xe hay hớt tóc. Một hai nhà mở tiệm tạp hóa, quán ăn nhưng cũng chỉ đủ ăn qua ngày.

Tại đây có 7 hộ tạm cư, nhà cất san sát nhau, chung một mô-típ: vách dựng bằng tôn, trần cũng lợp tôn, tất cả đã hoen gỉ, ngồi trong nhà có thể nhìn lên thấy bầu trời trong xanh. Trời nắng, bên ngoài bụi đường cuộn lên, bên trong nóng hầm hập; trời mưa thì bên dưới nước tràn vô nhà, bên trên thì dột. Có lẽ là tạm cư nên những căn nhà này không bằng căn nhà cấp 4! Họ ở tạm để chờ nhận nền TĐC, mỗi tháng được hỗ trợ tiền tạm cư 300 ngàn đồng/người. Còn 40 hộ khác, cũng tạm cư, di tản khắp nơi, chúng tôi chưa thể gặp được…

Anh Nguyễn Văn Thành mỗi ngày phải đi 9 cây số từ khu tạm cư An Lợi Đông đến chung cư Thạnh Mỹ Lợi quận 2 để làm nghề sửa xe. Ảnh: Huy Anh

“Tạm” trước, tính sau?

Quận 2 có hai khu tạm cư, được coi là “trạm trung chuyển” của người dân bị giải tỏa để chờ được bố trí tái định cư, đó là khu tạm cư 1 ha tại phường An Phú và khu tạm cư tại phường An Lợi Đông.

Sát nách hai lốc chung cư TĐC khang trang là khu tạm cư 1 ha tại phường An Phú đã tồn tại từ năm 2002 tới nay. Hai dãy nhà tạm cư hoàn toàn bằng tôn cũ kỹ, mỗi dãy là một trệt và một lầu, mùa nóng nắng nóng như đổ lửa. Những hộ dân ở đây cũng tự lo cuộc sống của mình, xung quanh là dây điện giăng ngang chằng chịt. Ông Đào Nguyên Thành, Ban quản lý chung cư và cũng là người quản lý khu tạm cư này cho biết, khu tạm cư có 304 căn, hiện trống 22 căn. Hầu hết người tạm cư di dời từ dự án đại lộ Đông Tây và Thủ Thiêm; một số hộ bị cưỡng chế cũng đưa về đây. Có nhiều hộ chuyển từ khu tạm cư qua chung cư bên cạnh, theo tính toán có 512 hộ đủ điều kiện TĐC đã qua ở hẳn bên chung cư mới. Khu tạm cư này giống như “trạm trung chuyển”, lớp này được bố trí TĐC xong thì lớp khác đưa về tạm cư. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không đủ điều kiện TĐC thì bố trí tạm, chờ nhà ở xã hội. “Ở đâu thì không biết nhưng chắc chắn họ sẽ có nhà”, ông Thành khẳng định.

Một khu tạm cư khác gần như tách hẳn với thế giới bên ngoài, đó là khu tạm cư An Lợi Đông. Từ đường Trần Não đâm thẳng qua đại lộ Đông Tây rồi đi tiếp khoảng 2 cây số đường quanh co, hẻo lánh vì hai bên đường không có nhà, đến gần bờ sông Sài Gòn, bên tay trái có một tấm bảng viết bằng tay: “khu tạm cư”, cũng có tuổi đời 10 năm! Mặc dù tách biệt với thế giới bên ngoài nhưng khuôn viên đất khá rộng, những khu nhà được xây tường gạch, trần bằng mái tôn, lót la phông, xung quanh có cây xanh và không gian cho trẻ em vui chơi… Khu tạm cư này tươm tất, mát mẻ hơn nhiều so với khu tạm cư phường An Phú. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Liễu, ban quản lý khu tạm cư cho biết, khu tạm cư có 113 căn, người dân vào khu tạm cư này chủ yếu thuộc 5 phường của quận 2 bị giải tỏa để thực hiện dự án Thủ Thiêm. Khu tạm cư là một xã hội thu nhỏ, có đủ các thành phần: người dân lao động nghèo, cán bộ, giáo viên… Cứ hết lớp tạm cư này đi thì đến lớp tạm cư khác đến.

Cũng là “đời tạm cư” nhưng người dân tạm cư tại đây được chính quyền địa phương chăm lo khá chu đáo, con em của những người dân tạm cư tại đây được ưu tiên đăng ký những trường học gần nhất và cũng được hưởng các chế độ học bổng, trợ cấp… Ông Nguyễn Văn Thành, tạm cư tại căn hộ BIII/11 khu tạm cư An Lợi Đông cho biết, gia đình sống tại khu tạm cư này hơn 3 năm nay. Hai đứa con đang học đại học thì một đứa được học bổng 2 triệu đồng/năm nên gia đình đỡ vất vả. Khu khá an ninh vì có bảo vệ, dân phòng canh gác. “Khi có trộm cướp đột nhập, thanh barier bên ngoài đóng lại, 6 dân phòng có mặt, không thể thoát được”, bà Nguyễn Thị Nguyệt Liễu quả quyết. Tuy nhiên, vì con đường bên ngoài khu tạm cư nối với đại lộ Đông Tây hoang vắng, không có đèn đường dẫn đến mất an ninh. Cách đây chưa lâu, một người dân trong khu tạm cư bị đánh và bị cướp xe.

Theo SGGP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.