Hàng trăm độc giả đã gửi ý kiến tranh luận về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, bày tỏ bức xúc xung quanh đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn của Bộ Xây dựng.
Sao an cư, sao lạc nghiệp?

Độc giả quochuy170126 cho rằng: "Vấn đề này tôi thấy cần phải nghiên cứu kỹ. Không phải ai cũng có điều kiện để mua được một căn nhà. Có an cư mới lạc nghiệp. Khi ở trên một căn nhà bao nhiêu năm trời mà có cảm giác sắp đến ngày mất nó thì chẳng khác gì đi thuê nhà mà ở chứ đâu phải là mua nhà ở cho mình và cho con cái sau này. Tôi nghĩ nên tập trung đầu tư cho nhà ở xã hội và nhà cho thuê".

"Còn vấn đề khi muốn sửa lại chung cư thì là ở cơ chế chính sách, nếu có chính sách đền bù hợp lý thì chẳng ai muốn ở lại khu chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng của mình.Khi đã bỏ tiền mua nhà là phải được sở hữu vĩnh viễn.Việc giá các căn hộ chung cư quá cao là do nạn đầu cơ. Mà nạn đầu cơ còn tồn tại là do cơ chế chính sách quản lý chưa tốt. Không phải cái gì cũng đổ lên đầu người dân và người dân phải gánh chịu hết".

Lo lắng không kém, độc giả Cafedangsaigon than thở: "Các bác ơi, em tiết kiệm cả đời để mua căn hộ chung cư năm em 30 tuổi, em phải trả góp trong khoảng 25 năm, quy định căn hộ của em chỉ được sử dụng trong thời hạn 50 hoặc 60 năm, vậy nếu có phúc em sống tới hơn 80 hoặc 90 tuổi (khi đó chắc chắn không còn tiền mua nhà) các bác nghĩ xem, họ lấy căn hộ của em thì em đi đâu ở???"


Câu chuyện "đi đâu về đâu" sau khi nhà chung cư hết hạn, cũng là câu hỏi được nhiều độc giả đặt ra với các nhà nghiên cứu của Bộ Xây dựng. Độc giả Trantheanh bình luận: "Tôi năm nay 35 tuổi, đến nay mới để dành được 300 triệu, phải vay thêm từ ngân hàng 700 trăm triệu để trả nợ nhà chung cư. Nhà chung cư này tuổi thọ đã được 15 năm, nếu luật ban ra cho nó tuổi thọ 50 năm, thì khi mua tôi chỉ còn sở hữu 35 năm, trong khi đó phải tiếp tục còng lưng trả nợ 20 năm cho ngân hàng.

Đến khi 55 tuổi thì vừa trả xong nợ. Và lúc này con tôi mới được 20 tuổi, chưa học xong đại học. Tôi và con tôi chỉ được quyền sống trong chung cư thêm 15 năm, có thể tôi cũng đã chết rồi. Các ông nghỉ xem con tôi biết làm gì khi các ông thu lại nhà chung cư, mà không cho nó quyền TÁI ĐỊNH CƯ???".

Còn theo bạn đọc Thanhnguyen: "Chung quy lại thì vẫn chỉ người dân là thiệt thòi. Tích cóp bao nhiêu năm mới mua được cái nhà cho mình và cho con cháu, nhưng cuối cùng thì đến đời con mình lại phải lo từ đầu. Thật bất an nếu bỏ tiền ra mua nhà chung cư mà thấy rõ ràng nó mất giá từng ngày. Mà liệu khi cái nhà mất giá, đủ rẻ để người ít tiền có thể mua thì ở được bao lâu nữa? Và liệu giá có rẻ hơn được nhiều so với hiện tại không?".

Học nước ngoài để làm gì?

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam lý giải: Ở hầu hết các nước, đối với nhà chung cư người ta chỉ cho sở hữu có thời hạn, phù hợp với thời hạn sử dụng của cấp nhà đó. Khi đã hết thời hạn sử dụng thì cũng hết tuổi thọ của nhà. Lúc ấy, nhà không còn thuộc sở hữu của người dân nữa, việc lấy lại nhà để xây lại dễ hơn là việc bán vĩnh viễn cho người dân như hiện nay.

Phản bác quan điểm này, nhiều độc giả cho rằng, việc học tập nước ngoài phải tùy theo tình hình thực tế ở nước mình để áp dụng, không thể cái gì cũng bắt chước và làm theo.

Bạn đọc nguyentt1969 phân tích: "Việt Nam thấy nước ngoài bán nhà chung cư có thời hạn cũng bắt chước. Xin thưa, nhà mà họ bán là nhà do nhà nước xây chứ không phải do các công ty hay dự án tư nhân bỏ tiền ra xây. Vậy nếu muốn bắt chước thì nhà nước cứ bỏ tiền ra xây rồi bán theo kiểu đó, các chung cư do tiền của dân xây thì họ có quyền quyết định bán theo kiểu nào. Và cứ để chọn lọc tự nhiên xem dân sẽ mua nhà nào. Có gì phải bàn?"

Độc giả viettrung886 thẳng thắn nêu câu hỏi với Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: "Ông Nam ơi! Người dân chúng tôi cả ba đời mới mua được căn hộ chung cư. Ông nói học tập các nước, tôi đồng ý, nhưng sao các ông không học tập việc nhà nước xây nhà bán cho trả góp cho dân như các nước để người dân có thu nhập thấp cũng có nhà ở. Nếu làm việc đó được thì người dân ai mà không hưởng ứng??? Căn nhà là cả ba đời người dân mới có đấy".

Còn theo bạn đọc quaduachuot: "Ở các nước tư bản có làm vậy không? Họ có những ngôi nhà tồn tại hàng trăm năm mà vẫn sử dụng tốt. Quy định này chỉ làm lãng phí và tạo điều kiện sảy ra tình trạng nhà chưa hỏng nhưng chính quyền muốn thu hồi để lấy đất, mặt khác hiện nay nhà ở và kể cả chung cư đều được chứng nhận sở hữu gắn liền với đất, không như vậy thì chẳng ai mua chung cư cả. Người Việt Nam tích cóp mấy đời mới mua được nhà chung cư, họ sẽ không để mất dễ vậy đâu".

Độc giả huyhoanghgv thì cho rằng: "Một công chức cần tới 26 năm uống nước lã, thở khí trời, ngủ vỉa hè không bị đánh thuế mới có thể dùng toàn bộ thu nhập gom góp được để lo cho mình có được chỗ ở (chung cư dạng bèo nhèo) trong điều kiện viễn tưởng là tỷ lệ lạm phát trong 26 năm đó bằng 0%. Hy sinh gian khổ cả cuộc đời để cho con cháu có được nơi ở, nhưng nay lại định tước đi cái đích đó của họ... đúng là tối kiến đỉnh cao. Đừng cái gì cũng so với các nước, khi việc so sánh đó là khập khiễng".

Dân sẽ quay lưng với chung cư

Nhiều độc giả cho rằng, đề xuất của Bộ Xây dựng sẽ khiến người dân quay lưng lại với nhà chung cư, bởi lẽ chả ai muốn bỏ số tiền tích cóp cả đời để mua một căn nhà có thời hạn như vậy.

Độc giả Dangduchieu cho rằng: "Nếu quy định nhà chung cư chỉ được sở hữu có thời hạn thì dân sẽ không mua nhà chung cư nữa khi đó các công ty sẽ không đầu tư xây dựng nhà chung cư nữa. Thành phố sẽ không có nhiều khu nhà cao tầng có quy hoạch đẹp và khi không có quỹ nhà cho người dân thì hiện tượng xây nhà ống nhà tự phát sẽ bùng phát và lúc đó thì cảnh quan đô thị sẽ rất lộn xộn. Khi đó chắc nhà nước chắc giống con kiến leo phải cành cụt leo vào leo ra và lại cho sở hữu nhà chung cư vĩnh viễn".

GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng nhận định việc quy định thời hạn sở hữu sẽ làm giá nhà chung cư rẻ đi. Ông Võ phân tích: Hiện giá bán nhà chung cư cao hơn rất nhiều số tiền đầu tư làm ra nó, cao hơn tới 2-3 lần. Trong cơ cấu giá nhà chung cư trên thị trường hiện nay có 10% là chi cho đất, 40% chi cho xây dựng, còn lại 50% là thổi giá. Đưa ra thời hạn sở hữu, giá trị nhà giảm đi, kéo theo giá bán cũng giảm.

Tuy nhiên, theo bạn đọc duyhuongnd: "Theo tôi, ông Võ nói chưa chắc đã đúng là khi áp dụng chính sách mới này giá nhà chung cư rẻ nên kéo theo giá đất cũng rẻ vì khi đó người dân quay lưng lại với chung cư và tập trung vào săn đất thì giá đất sẽ tăng cao kỷ lục. Người dân nước Nam ta luôn muốn có đất nhà bền vững để truyền đời cho con cháu nên chính sách trên e lợi bất cập hại! Chỉ béo cho các ông bà đầu cơ đất đai thôi!".

Độc giả lavamua cho hay: "Nhà chung cư hiện nay đặc biệt là chung cư cao cấp đang ở gần giá trị thật của nó rồi. Không hiểu Bộ Xây dựng muốn giá chung cư hạ xuống dười giá thị trường hay muốn kích giá đất nền tăng không phanh lên vài trăm phần trăm nữa? Bộ Xây dựng có đủ tiền để đền bù cho những người gom góp tiền cả đời để mua 1 căn chung cư trước đây không? Trước đây Bộ Xây dựng cũng có quyết định gây tranh cãi là không cho làm văn phòng, công ty ở chung cư không biết là học ở nước nào gây khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ".

Cafeland.vn - Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland