Sở QH-KT Hà Nội sẽ cung cấp và công khai thông số quy hoạch cho từng khu chung cư cũ; Các chủ đầu tư có thể dựa vào đó để tiến hành thực hiện dự án; Các quận, huyện, sở, ngành tập trung làm công tác GPMB phá dỡ nhà nguy hiểm tại những dự án đã có chủ trương của TP và được giao đất để triển khai… là những yêu cầu của Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi tại cuộc họp ngày 04/8, của UBND TP Hà Nội với các sở, ngành, quận, huyện về việc triển khai cải tạo, xây dựng lại các KTT cũ.

Chung cư cũ ở Hà Nội: Không thể “đắp chiếu” lâu hơn nữa!


Hà Nội hiện có rất nhiều khu chung cư cũ đã hết tuổi thọ, xuống cấp, rơi vào tình trạng nguy hiểm đến mức buộc phải di dân. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai thí điểm chủ trương cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ nát theo Nghị quyết số 34 của Chính phủ, tiến độ thực hiện ở hầu hết dự án vẫn còn quá chậm. Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy: Toàn TP có 982 nhà chung cư cũ 4 - 5 tầng, đa số nằm trong 23 KTT và 1 số nhà nằm đơn lẻ rải rác do TP quản lý. Ngoài ra, còn 173 chung cư, nhà tập thể khác do Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - Bộ Quốc phòng quản lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc cải tạo lại chung cư cũ mới đạt xấp xỉ 1% số lượng các công trình cần cải tạo, xây dựng lại.


Một trong những nguyên nhân trên là do một số DN bằng mọi giá vào chung cư để thỏa thuận với dân. Nhưng trong quá trình thỏa thuận đã phát sinh rất nhiều ý kiến khác nhau của người dân, đặc biệt là đòi hỏi về quyền lợi như diện tích nhà tái định cư, các khoản phí hỗ trợ... khiến tiến độ cải tạo chung cư của Hà Nội phải “đắp chiếu” một thời gian dài, gây bức xúc trong nhân dân.


Điển hình, KTT Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội), sau 10 năm từ khi có quyết định cải tạo đến nay dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”, việc cải tạo nhà B6 Giảng Võ mới khởi công, C1 Thành Công chưa thực hiện, 148 - 150 Sơn Tây chưa tiến hành... Và có đến 13 dự án cải tạo chung cư có tiến độ quá chậm như: Dự án cải tạo chung cư khu Hào Nam (Đống Đa) do Liên danh Cty Quản lý phát triển nhà Hà Nội và Cty CP Đầu tư đô thị Kang Long làm chủ đầu tư; B15, B16, B18, B19 Kim Liên do Cty CP Đầu tư thiết kế và Xây dựng Việt Nam làm chủ đầu tư...


Ông Nguyễn Công Hùng, người dân sinh sống tại KTT Thành Công (Q.Ba Đình, Hà Nội) cho biết: KTT được xây dựng từ lâu nên hệ thống cấp thoát nước bị tắc liên tục, nhiều hôm gia đình đang ăn cơm cả tảng vữa rơi giữa mâm cơm nên đành phải bỏ. Căn hộ chỉ có 18m2, trong khi nhà có tới 5 người, vì vậy đành phải cơi nới thêm “chuồng cọp” để đồ đạc cho đỡ chật chội.


Chứng kiến tận mắt các KTT cũ tại các quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy không khỏi rùng mình khi nhìn thấy một số tòa nhà tường mọc rêu, nứt toác… thậm chí có khu còn trơ hết cả gạch bên trong. Bà Nguyễn Thị Hòa, tiểu thương ở chợ Thanh Xuân Bắc, nói: “Ngồi bán hàng ở ngay dưới khu chung cư cũ lắm hôm cũng lo, nhìn khu nhà trơ cả gạch ra không biết sẽ đổ lúc nào! Nói “dại”, nếu chẳng may có xảy ra động đất thì không biết có bao nhiêu chung cư phải gánh chịu hậu quả”.


Dự án cải tạo KTT Nguyễn Công Trứ (Q.Hai Bà Trưng), được triển khai từ năm 2002, đến nay chủ đầu tư là Cty Đầu tư và Phát triển nhà số 7 vẫn chưa hoàn thành công tác GPMB của hai nhà A1, A2 vì còn 40/199 hộ dân chưa chấp thuận phương án bồi thường, di dời (trong khi cả dự án có tới 14 nhà dự kiến xây mới). Trước thực trạng đó, DN đang chịu sức ép rất lớn về tài chính, còn dự án thì chưa biết khi nào mới khởi công được (?). Có một thực tế là hầu hết các khu chung cư cũ hiện nay đều xảy ra tình trạng vi phạm trong quá trình sử dụng như cơi nới, lấn chiếm đất công, lấn chiếm không gian tràn lan, vi phạm trật tự xây dựng kéo dài… Vì vậy, mức đền bù theo hệ số từ 1,9 - 2,5 như đang áp dụng tùy theo từng dự án là tương đối hợp lý.


Ông Vũ Kỳ Anh - Giám đốc Cty CP Xây dựng TNP cho rằng: Với một số dự án như tập thể Nguyễn Công Trứ hay Thành Công, ngoài việc phải lo quỹ nhà cho dân tái định cư, DN còn phải quy hoạch lại toàn bộ các hạng mục công cộng, đầu tư hạ tầng nên bài toán hạch toán lợi nhuận đặt ra rất khó khăn khiến nhiều nhà đầu tư nản chí. Hiện nay, vốn cải tạo chung cư cũ được xác định là xã hội hóa. Do đó, cần phải cân đối được lợi ích của người dân, DN và Nhà nước.


Không biết đã có bao nhiêu lần người dân sống trong những khu chung cư cũ ở Thủ đô phải nuôi hy vọng được “đổi đời” bằng căn hộ mới, và để hàng chục năm mỏi mòn chờ đợi (!). Nguyên nhân thì có nhiều, còn lời giải thì vẫn là ẩn số, dư luận đang chờ quyết sách từ các nhà quản lý.


Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi: Sở QH-KT phải cung cấp và công khai các thông số quy hoạch cho từng khu chung cư cũ của Hà Nội trong tháng 8/2011. Yêu cầu Sở Xây dựng tổng hợp, rà soát các dự án, kể cả khu chung cư, nhà đơn lẻ để xác định lại nhà đầu tư được giao có đủ điều kiện thực hiện, dựa trên các tiêu chí về quỹ nhà tạm cư, vốn đối ứng... sau đó sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án và các nhà đầu tư. Nếu chủ đầu tư nào không thực hiện trong khi đã có đủ điều kiện, được quận, huyện tạo cơ hội thì sẽ thay thế bằng nhà đầu tư khác, không để kéo dài.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn: Trong số các chung cư cũ, đặc biệt có 11 chung cư nguy hiểm cấp D, buộc phải tổ chức di dời, cải tạo xây dựng lại theo quy định của Luật Nhà ở như: Nhà B4, B14 Kim Liên; 187 Tây Sơn; I 1, 2, 3 Thái Hà; P3 Phương Liệt; C7, B6 Giảng Võ; C1 Thành Công; 148 - 150 Sơn Tây. Hiện việc triển khai cải tạo chung cư nguy hiểm vẫn rất chậm, nguyên nhân vướng mắc chủ yếu ở hầu hết dự án vẫn là công tác GPMB, bởi thực tế mâu thuẫn gay gắt nhất vẫn ở quyền lợi. Người dân luôn đòi hỏi căn hộ mới phải rộng, đẹp hơn nhà cũ, được tái định cư tại chỗ, hỗ trợ tạm cư... DN thì không thể làm mà không đạt mức lợi nhuận nhất định.


Theo Thành Nam (Báo Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.