25/03/2011 2:24 PM
"Các công trình xây dựng ở Hà Nội đã được thiết kế kháng chấn cấp 7, không phân biệt khách sạn hay nhà ở… Tuy nhiên, với các khu chung cư cũ cần phải kiểm tra lại, hay đập đi xây mới", ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) trao đổi chiều 25/3.
Ông Lê Quang Hùng.
Ông Lê Quang Hùng. Ảnh: Đoàn Loan.

- Tối 24/3, nhiều nhà cao tầng ở Hà Nội bị rung lắc khiến dư luận lo ngại khả năng chống động đất tại các công trình này, ông nghĩ sao về việc này?

- Các công trình xây dựng hiện nay đều thiết kế bảo đảm khả năng chống động đất. Theo quy định, những công trình ở nơi có khả năng xảy ra động đất cấp 7 bắt buộc phải thi công chống động đất. Những vùng dao động trong khoảng cấp 5-6 thì tùy theo tầm quan trọng để quyết định hoặc có những giải pháp để kháng chấn. Còn những vùng có nguy cơ xảy ra dưới cấp 5 thì không yêu cầu.

Vùng Hà Nội được đánh giá rung động cấp 7. Dù chưa ghi nhận số liệu nào cho thấy đã xảy ra tới cấp này, nhưng theo bản đồ phân vùng cấp 7 thì Hà Nội cần có thiết kế kháng chấn. Căn cứ trên bản đồ, người ta có thể tính được chính xác tới mức ở từng quận, huyện, thậm chí từng vị trí công trình phải áp dụng giải pháp kháng chấn.

- Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện quy định chống động đất của các chủ đầu tư?

- Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm kiểm tra sự an toàn của công trình, trong đó có nội dung quan trọng là khả năng chống động đất. Cho đến nay, tôi nhận thấy chủ đầu tư đều tuân thủ quy định này, đặc biệt đối với công trình quy mô lớn.

Nếu xảy ra sự cố nghiêm trọng do động đất, trách nhiệm thuộc chủ đầu tư và nhà thầu. Vấn đề này đã được quy định rất rõ về trách nhiệm trong các văn bản pháp luật.


Nhiều người dân sống ở chung cư lo ngại chất lượng nhà cao tầng. Ảnh: Hà Anh.

- Nhiều người lo ngại chất lượng các khu tái định cư, chung cư cũ không có khả năng chống động đất, quan điểm của ông thế nào?

- Thiết kế kháng chấn không phân biệt công trình nào dù khách sạn, nhà ở hay khu cao tầng… Chất lượng công trình tái định cư nếu có băn khoăn chỉ là khâu hoàn thiện, còn phần chịu lực thì không phải lo ngại.

Riêng với chung cư cũ là vấn đề phải suy nghĩ. Theo quy định pháp luật, các công trình từ những năm 1995 trở về đây chấp hành tương đối tốt, việc xây dựng theo công nghệ mới nên có thể kiểm soát được. Còn từ những năm 1990 trở về trước, chúng ta cần phân biệt hai dạng, một là công trình có tầm quan trọng được nước ngoài hỗ trợ thiết kế thi công xây dựng. Đối với những công trình này về cơ bản đã tính đến động đất.

Còn một số công trình do chúng ta tự xây dựng cần có ứng xử khác, phải kiểm tra, chủ động cải tạo, đập đi xây mới.

- Đối với các công trình người dân tự xây, khả năng chống động đất như thế nào?

- Theo quy định, những công trình dưới 3 tầng thì dân tự thiết kế, còn trên 3 tầng thì phải thuê đơn vị thi công chuyên nghiệp. Trong khi cấp phép xây dựng, cơ quan quản lý đã kiểm tra vấn đề này.

- Sau trận động đất vừa qua, Bộ Xây dựng có biện pháp gì để quản lý việc thực hiện các giải pháp kháng chấn của chủ đầu tư?

- Qua đợt động đất vừa rồi, đặc biệt ở Nhật Bản, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất, đánh giá toàn diện, hệ thống đối với toàn bộ nhà cửa, đập, cầu… và có ứng xử thế nào với những công trình đã xây dựng. Từ đó sẽ có biện pháp chỉ đạo theo hướng kiểm tra gắt gao, phân loại rõ ràng, có thể xem xét tiến tới lộ trình cải tạo, đập đi xây lại những chung cư cũ.

Cafeland - Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland