Chiều ngày 29/6, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức hội thảo “Chính sách tài chính cho thị trường bất động sản” với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Xây dựng, các chuyên gia kinh tế, ngân hàng... cùng nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước, quỹ đầu tư nước ngoài và Hiệp hội Nhà của Hàn Quốc.
 Chính sách tiền tệ kìm thị trường bất động sản
Ảnh minh họa. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản nhận định từ đầu quý II đến nay, thị trường bất động sản đang rơi vào trạng thái trầm lắng, đặc biệt là phân khúc chung cư cao cấp với mức giá bán trên 30 triệu đồng/m2 và quy mô từ 120m2/căn hộ trở lên. Bởi vậy, các bước giá giảm nhiều nhất chính là phân khúc này và nó diễn ra tại cả hai đô thị lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Một trong những nguyên nhân chính là thị trường đang khát vốn. Trong bối cảnh cả nước cùng thắt chặt tiền tệ phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế, chống lạm phát, hệ thống ngân hàng đã và đang hạn chế tín dụng đối với thị trường bất động sản.

Do đó, trong phân kỳ trung và ngắn hạn, thị trường bất động sản sẽ cực kỳ khó khăn. Theo tiến sỹ Trần Kim Chung - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, bất ổn thể hiện ở phân kỳ ngắn hạn (3-6 tháng) đang diễn ra và khá rõ nét. Nhưng trong trung hạn (1-2 năm), thị trường Hà Nội sẽ có sự điều chỉnh giá giảm xuống, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ nhích lên đôi chút.

Còn với dài hạn, để thị trường bất động sản vận hành mà không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của chính sách cũng như không bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng thì cần tìm thêm các nguồn tài chính, tiền tệ ngoài hệ thống ngân hàng; thay thế kênh cung cấp tài chính cho thị trường.

Bên cạnh đó, mô hình Quỹ tiết kiệm nhà ở do Bộ Xây dựng đang triển khai cũng được xem như kênh giải quyết tài chính nhà ở cho đối tượng xã hội có nhà. Đây là kênh thu hút vốn để cung ứng cho thị trường. Đặc biệt, nguồn vốn trong dân chính là một kênh rất dồi dào và cần được khai thông, dẫn dòng để tiếp sức cho thị trường bất động sản.

Trong các hình thức huy động vốn cho thị trường này, việc hình thành quỹ tín thác với hành lang pháp lý đồng bộ đã được ông Nguyễn Văn Hoàng - Trưởng phòng quan hệ đầu tư Dyna Capital đề cập đến.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, giai đoạn này đang là một thử thách lớn đối với thị trường bất động sản Việt Nam và sự thăng trầm của nó vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng cùng chính sách tiền tệ./.
Theo Thu Hằng (TTXVN/Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.