Hoàn thiện chính sách đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mục đích của Hội thảo quy định về giá đất trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi), do Thường trực Ủy ban thẩm tra Dự án Luật đất đai (sửa đổi), tổ chức ngày 7/9, tại Hà Nội.

Các chuyên gia trên lĩnh vực đất đai đã trình bày những tham luận nhằm làm sáng tỏ những vấn đề cốt yếu như Thực hiện các quy định của Luật đất đai 2003 về giá đất và định giá đất; Giá đất - Sự hình thành, biện pháp quản lý phù hợp và cơ chế điều tiết trong thị trường; Các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, nguyên tắc và phương pháp định giá đất-Những vấn đề cần hoàn thiện trong Luật Đất đai 2003; Những tích cực, hạn chế của cơ chế xây dựng khung giá đất, bảng giá đất và xác định giá đất cụ thể hiện hành; kiến nghị quy định về giá đất và Nhà nước quyết định giá đất trong Luật đất đai (sửa đổi); Cơ chế xây dựng giá đất hiện hành và tính khả thi...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh rằng trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai lần này, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tài chính đất đai, giá đất có ý nghĩa nghĩa hết sức quan trọng cho công tác quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai ở Việt Nam trong thời gian tới. Kết quả thảo luận của Hội thảo sẽ cung cấp những lý luận và thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện chính sách đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các đại biểu đều cho rằng, trong những năm qua, cùng với cơ chế chính sách về phát triển kinh tế nói chung, cơ chế chính sách quản lý, sử dụng đất đai ngày càng được hoàn thiện thể chế hóa được các chủ trương đường lối của Đảng, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Luật Đất đai năm 2003 đã tạo nên nhiều đổi mới quan trọng, trong đó trọng tâm là hoàn chỉnh bốn công cụ quản lý đất đai bao gồm pháp luật, quy hoạch, tài chính và hành chính cho phù hợp với cơ chế thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Đặc biệt, với các quy định cho hộ gia đình, cá nhân được thực hiện quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp, tặng cho, bảo lãnh và góp vốn bằng quyền sử dụng đất; tổ chức kinh tế trong nước được Nhà nước giao đất cho thuê đất hoặc tổ chức kinh tế nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất được thực hiện quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, bảo lãnh và góp vốn bằng quyền sử dụng đất đã từng bước phát huy được nguồn lực đất đai. Giá trị quyền sử dụng đất đai đã trở thành nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển sản xuất.

Việc thừa nhận về mặt pháp lý các giao dịch về đất đai góp phần hình thành và phát triển thị trường bất động sản góp phần tạo lập đồng bộ cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính sách về giá đất thời gian qua đã liên tục được điều chỉnh, hoàn thiện theo hướng tiếp cận cơ chế thị trường, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đất đai, từng bước phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và là cơ sở để từng bước giải quyết tốt hơn quyền lợi của người có đất bị thu hồi, đồng thời góp phần hạn chế tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất.

Những đổi mới về chính sách đất đai đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nguồn thu từ đất tăng đều qua các năm (năm 2005 đạt gần 18.000 tỷ đồng; năm 2006 đạt gần 21.000 tỷ đồng; năm 2007 đạt gần 37.000 tỷ đồng; năm 2008 đạt hơn 40.000 tỷ đồng; năm 2009 đạt gần 47.000 tỷ đồng; năm 2010 đạt 67.000 tỷ đồng).

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chính sách về đất đai cần được nhìn nhận đánh giá, hoạch định đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong 10 năm tới và những năm tiếp theo. Mặt khác, qua quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai cũng cho thấy những hạn chế đặc biệt là những vấn đề về tài chính đất đai, giá đất. Cụ thể là khung giá các loại đất được quy định theo ba vùng là giá dành cho đồng bằng, giá dành cho trung du và giá dành cho miền núi có biên độ quá rộng và chậm được điều chỉnh.

Vì vậy, khi sử dụng khung giá làm căn cứ cho các địa phương ban hành bảng giá đất hàng năm của địa phương chưa sát giá thị trường; có sự chênh lệch giá đất của từng loại đất giữa các vùng, giữa các địa phương trong vùng. Giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh ban hành vẫn thấp hơn nhiều so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường, có địa phương chỉ bằng khoảng 30-60% so với giá thị trường. Trong khi đó, việc xác định giá đất cụ thể sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện còn hạn chế.

Do có quy định ban hành và công bố Bảng giá đất vào ngày 1/1 hàng năm mà giá đất và mức giá năm sau thường cao hơn năm trước, nên người có đất bị thu hồi có tâm lý chờ đợi thời điểm công bố bảng giá mới, nên đã gây khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Còn có sự chênh lệch lớn về giá đất tại các khu vực giáp ranh giữa các địa phương, trong khi các quy định của pháp luật về đất đai hiện hành lại chưa giải quyết được tình trạng này.

Cùng ngày, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo báo cáo của Ban soạn thảo, sau gần mười năm thi hành, Luật Đất đai năm 2003 đã đạt được những kết quả tích cực, chính sách, pháp luật đất đai từng bước được hoàn thiện, quỹ đất được phân bổ khá hợp lý cho các mục đích sử dụng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, qua tổng kết tình hình thi hành Luật Đất đai năm 2003 còn một số tồn tại, bất cập như pháp luật đất đai và các pháp luật khác có liên quan đến đất đai còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, một số nội dung chưa rõ ràng, chưa phù hợp; nguồn lực về đất đai chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nguồn lực phục vụ đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp gây bức xúc trong xã hội; công tác quản lý Nhà nước về đất đai còn hạn chế, bất cập. Do vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 là cần thiết nhằm giải quyết những tồn tại nói trên.

Mục đích của việc sửa đổi Luật Đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực đất đai và phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai…./.

Văn Hào-Quỳnh Hoa (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.