16/07/2011 12:47 AM
Đó là giá đất do Nhà nước ban hành và giá đất thị trường. Đây cũng là khởi nguồn của những tranh cãi, những sự vụ, những quy định chồng chéo nhau. Đặc biệt, việc tính tiền sử dụng đất (SDĐ) theo giá thị trường như Nghị định 120 đang thu hút sự quan tâm của dư luận hiện nay, nguyên nhân cũng từ việc "linh hoạt" áp dụng "chính sách 2 giá".

Thật vô lý khi hằng năm, UBND các tỉnh, thành đều công bố bảng giá đất nhưng bảng giá này lại được sử dụng trong... tùy từng trường hợp. Lý do đơn giản là giá đất nhà nước một đằng, giá giao dịch trên thị trường một nẻo. Vì "một đằng" và "một nẻo" có độ vênh quá lớn, nên khi "áp" vào thực tế, Nhà nước sẽ tùy cơ ứng biến, sử dụng giá thị trường hay giá nhà nước sao cho có lợi cho mình. Đơn cử như để đền bù giải tỏa, bảng giá nhà nước được áp dụng nhưng khi tính thuế SDĐ (như trong NĐ 120 về tính tiền SDĐ) lại dùng giá đất thị trường. Với cách quản lý này, có thể khẳng định, Nhà nước đã công khai thừa nhận chính sách 2 giá trên thị trường bất động sản (BĐS). Nhưng đáng lo hơn là sự "linh hoạt" này chắc chắn đã và sẽ còn tạo ra những vi phạm ngầm phía sau. Đó là những cái "bắt tay" thỏa thuận giữa người dân và thuế để giảm phần thuế phải đóng. Như vậy, cái lợi lớn nhất, thuộc về "kẻ thứ 3" chứ không phải người dân hay ngân sách.


Chúng ta đều biết, chính sách 2 giá không xa lạ trong nhiều lĩnh vực tại VN. Nó thể hiện sự loay hoay của cơ quan có thẩm quyền trong vấn đề điều hành, quản lý. Đơn cử như giá USD. Việc tồn tại 2 giá USD trong hệ thống ngân hàng và giá USD chợ đen đã gây đau đầu cho các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân. Chúng ta đã phải làm đủ mọi cách, từ những biện pháp hành chính cho tới những biện pháp nghiệp vụ mang tính dài hạn mới tạm dẹp được việc này. Nhưng so với USD, đất đai còn giá trị, còn ảnh hưởng mạnh và rộng lớn hơn nhiều. Cũng có nghĩa là những hệ lụy, những hậu quả của nó cũng theo cấp số nhân nếu chúng ta tiếp tục thừa nhận và sử dụng chính sách 2 giá như hiện nay. Vì vậy, con đường tất yếu của thị trường BĐS là phải đưa về một giá.


Tất nhiên, để thống nhất một giá đất không phải là điều đơn giản. Nó phải được nghiên cứu một cách khoa học, cần có thời gian, lộ trình để thực hiện. Nó cần được chuẩn bị thật tốt, thật hoàn chỉnh trước khi đưa vào áp dụng. Nếu chọn giá nhà nước thì phải hoàn thiện dần theo hướng sát với giá thị trường. Cách này trước mắt người dân có thể có lợi hơn vì giá thấp nhưng điều hành có lợi cho dân là việc nên làm. Còn nếu chọn giá thị trường, thiết nghĩ người dân, doanh nghiệp cũng vui vẻ chấp nhận nếu có một chính sách khoa học và lộ trình thực hiện phù hợp với thị trường VN. Bởi cái đáng sợ trên thực tế là sự thiếu công bằng, mờ ám, hệ lụy được tạo ra từ sự lỏng lẻo, thiếu nhất quán của chính sách chứ không phải chọn giá nhà nước hay giá thị trường trên con đường đi đến một giá duy nhất cho thị trường BĐS VN.

Theo Nguyên Hằng (Thanh Niên Online)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.