Năm 2011 khép lại, những phản hồi tích cực về Chiến lược nhà ở, đã được báo chí bình chọn là quyết sách ảnh hướng lớn đến đời sống của người dân.
Trao đổi với phóng viên báo Pháp luật & Xã hội trước thềm năm mới 2012, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Bộ cần phải thực hiện quyết liệt trong năm 2012 là xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30-11-2011.

Chiến lược nhà ở - Dấu ấn năm 2011 Hiện thực “giấc mơ” nhà ở của người nghèo
Với sự quan tâm của Chính phủ, giấc mơ nhà ở của người thu nhập thấp không còn xa vời

Đầu cơ, sốt giá… làm khó người nghèo

Trong 20 năm qua, vấn đề về đảm bảo nhà ở cho người dân được quy định trong nhiều chính sách, pháp luật. Pháp lệnh Nhà ở năm 1991 đã khẳng định quyền sở hữu nhà ở là một trong những quyền chính đáng và hợp pháp của nhân dân, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư giải quyết vấn đề nhà ở. Quyết định số 118 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa tiền nhà ở vào tiền lương. Năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định 61/CP thiết lập hành lang pháp lý cho cơ chế kinh doanh nhà ở nhằm xóa hoàn toàn bao cấp về nhà ở và thực hiện chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê.

Năm 1996, pháp luật về đất đai hoàn thiện thêm một bước tạo thuận lợi cho các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở. Từ đó, chúng ta nghĩ rằng vấn đề nhà ở tại đô thị sẽ được giải quyết hoàn toàn bằng cơ chế thị trường. Còn chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nhà ở chỉ tập trung vào đối tượng là người có công với cách mạng và người nghèo ở nông thôn. Cũng từ đó, người lao động nói chung và người có thu nhập thấp tại đô thị phải bươn trải theo thị trường để tìm kiếm nhà ở. Năm 2005, Quốc hội đã thấy thị trường không phải là liều thuốc thần diệu để giải quyết nhà ở tại đô thị và đã định danh loại "nhà ở xã hội" trong Luật Nhà ở. Đến năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18 để thông qua một số cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội cho 3 nhóm đối tượng ưu tiên là học sinh-sinh viên của các trường đại học-cao đẳng, công nhân tại các khu công nghiệp và người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Thừa nhận những điểm tích cực của những chính sách, pháp luật qua từng thời kỳ như trên, song nhìn nhận ở góc độ khác, GS. Đặng Hùng Võ - cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên &Môi trường cho rằng: Thực tế cho thấy, thị trường nhà ở không hề "thân thiện" với mức thu nhập của người lao động bình thường. Ba lần "sốt giá" nhà đất ở các thời kỳ 1991-1993, 2001-2003, 2007-2008 đã làm cho giá nhà đất tăng lên hơn 100 lần trong vòng 20 năm kể từ 1990 tới nay. Trên thị trường, nhà đầu tư dự án nhà ở thường bị tâm lý đầu cơ cuốn hút, họ lao vào khu vực nhà ở cao cấp để có siêu lợi nhuận từ "sốt giá", khiến đến nay giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập trung bình cả năm của người lao động, lớn hơn gấp 5 lần so với các nước rất phát triển và gấp 10 lần so với các nước chậm phát triển. "Cứ cho rằng người lao động có thể tiết kiệm được 30% thu nhập để mua nhà ở, thì sau 75 năm làm việc mới dám nghĩ tới mua nhà ở cho mình. Như vậy, hầu hết người lao động có tuổi thọ rất cao mới dám nghĩ tới nhà ở vào lúc "nhắm mắt xuôi tay". Giá nhà đất cao nhất ở Việt Nam đang "vi vu" trên đỉnh của thế giới, nhưng thu nhập trung bình của lao động Việt Nam vẫn ở nhóm rất thấp trên thế giới"- GS. Đặng Hùng Võ phân tích.

Chiến lược nhà ở - Dấu ấn năm 2011 Hiện thực “giấc mơ” nhà ở của người nghèo
GS. Đặng Hùng Võ: “Đã thắp lên hy vọng nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo”

“Giấc mơ" không còn xa...


Chiến lược nhà ở vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo đề xuất của Bộ Xây dựng, khẳng định Nhà nước sẽ hỗ trợ về nhà ở cho 8 nhóm đối tượng khó khăn. Là người trong cuộc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chia sẻ: "Chiến lược nhà ở lần này là một bước cụ thể để hiện thực hóa đường lối của Đảng về phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó ta dùng phương tiện thị trường để thực hiện các mục tiêu xã hội chủ nghĩa - đó là mục tiêu vì con người, mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội". Theo đánh giá của GS. Đặng Hùng Võ, Chiến lược nhà ở là một dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển nhà ở tại Việt Nam, chuyển tải thông điệp về trách nhiệm của Nhà nước đối với giấc mơ nhà ở của người có thu nhập thấp, người nghèo. Thực hiện thành công Chiến lược nhà ở cũng có nghĩa là giấc mơ này trở thành hiện thực. Chiến lược nhà ở đã khẳng định Nhà nước có chính sách thúc đẩy thị trường nhà ở phát triển, đồng thời có chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. "Hướng đi của chính sách phát triển nhà ở đã "đứng trên 2 chân": bằng thị trường cho người có tiền và bằng hỗ trợ của Nhà nước cho người khó khăn. Chủ trương chung đã thắp lên hy vọng nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo".

Quả vậy, trong chủ trương hành động của Chiến lược nhà ở, mọi công cụ về chính sách, quy hoạch, đất đai, tài chính, công nghệ được đổi mới nhằm huy động nguồn lực mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường và chủ động triển khai các chương trình phát triển nhà ở cho người thuộc diện chính sách xã hội nói chung, cho người có thu nhập thấp tại đô thị và các hộ nghèo ở nông thôn nói riêng. Chủ trương hành động tập trung vào phát triển nhà chung cư, nhà cho thuê giá rẻ. Chính phủ đặt mục tiêu cụ thể xây dựng mới nhà ở mỗi năm khoảng 100 triệu m2 sàn, trong đó dành tối thiểu là 20% cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Chương trình hành động cụ thể như vậy đem đến kỳ vọng về nhà ở rất lớn cho người thu nhập thấp, người nghèo, giúp giấc mơ của họ sớm thành hiện thực. Cụu Thứ trưởng Bộ TN&MT bình luận: "Chiến lược nhà ở đã đưa ra chính sách trung tâm để giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đô thị là Nhà nước chủ động đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách Nhà nước để cho thuê, thuê mua, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp để bán, cho thuê, thuê mua. Chính sách này đã đặt lên 2 trụ chính: một là Nhà nước chủ động đầu tư và hai là Nhà nước khuyến khích cộng đồng tham gia đầu tư. Chiến lược cũng đặt ra một hệ thống giải pháp về dựa trên đổi mới chính sách đất đai, quy hoạch và kiến trúc, tài chính (tín dụng và thuế), phát triển thị trường và quản lý sử dụng, khoa học và công nghệ, cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện tổ chức, tuyên truyền nâng cao nhận thức. Những giải pháp đổi mới như vậy chắc chắn tạo được con đường đi dễ dàng tới mục tiêu đã đặt ra".

8 nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở mà thị trường nhà ở phi hàng hóa (có vai trò tham gia điều tiết của Nhà nước) cần phải đáp ứng, đó là: nhà ở cho người có công với cách mạng; nhà ở cho người nghèo ở khu vực nông thôn; nhà ở cho người nghèo ở khu vực đô thị; nhà ở cho lực lượng vũ trang; nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sỹ, trí thức; nhà ở cho sinh viên; nhà ở cho công nhân lao động và nhà ở cho những đối tượng xã hội đặc biệt khó khăn (người tàn tật, người già không nơi nương tựa...), để mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: "Đây là lần đầu tiên chúng ta có một Chiến lược quốc gia về nhà ở với tầm nhìn dài hạn và có nhiều nội dung định hướng cụ thể cho các nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội. Nhiều quan điểm và cách tiếp cận mới được Chính phủ thống nhất cao: "Giải quyết vấn đề nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân", đây cũng là cơ sở để hiện thực hóa quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu xây dựng xã hội vì con người. Cùng với việc tiếp tục phát triển thị trường nhà ở hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của những đối tượng có khả năng chi trả nhà ở theo cơ chế thị trường, trong giai đoạn tới chúng ta cần phải tập trung phát triển thị trường nhà ở phi hàng hóa (có sự tham gia mạnh mẽ của Nhà nước) để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của các đối tượng không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường".

Theo Bá Tuấn (PL & XH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.