Qua điều tra cho thấy, nguyên nhân dẫn đến sai phạm là do UBND tỉnh Bình Định đã ban hành và áp dụng Quyết định số 99/2005/QĐ-UBND về “Quy định hạn mức đất ở trên địa bàn tỉnh” có những điều khoản không rõ ràng, vi phạm Luật Đất đai.

Thửa đất của ông Nguyễn Có, thôn An Hậu, xã Ân Phong, huyện Hài Ân bị thu hồi trái phép vào năm 2006 để xây dựng trụ sở thôn

Ngày 22-8-2005, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số: 99/2005/QĐ-UBND về việc “Quy định hạn mức đất ở trên địa bàn tỉnh”, nhằm quy định về hạn mức đất ở giao mới, hạn mức đất ở công nhận và những điều kiện để được giao đất ở. Quyết định này được áp dụng vào việc cấp giấy chứng nhận đất ở trên địa bàn tỉnh Bình Định từ đầu tháng 9-2005 đến hết tháng 12-2009 - thời điểm UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 52/2009/QĐ-UBND để thay thế. Việc UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 99/2005/QĐ-UBND là đúng thẩm quyền, nhưng do nội dung quyết định có những điều khoản không rõ ràng, khi áp dụng dẫn đến vi phạm quy định của Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, ngày 29-10-2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai. Cụ thể, khoản 2, Điều 1, Quyết định số 99/2005/QĐ-UBND quy định hạn mức đất ở để công nhận quyền sử dụng đất ở như sau:

- Đối với thành phố Quy Nhơn, hạn mức đất ở để công nhận quyền sử dụng đất ở tại các phường là 150m2, tại các xã là 250m2.

- Đối với các huyện, hạn mức đất ở để công nhận quyền sử dụng đất ở tại các thị trấn là 300m2; trung tâm các huyện lỵ An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh là 600m2; các xã đồng bằng 500m2; các xã miền núi 600m2; các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số 800m2.

Do điều khoản trên không nêu rõ được áp dụng công nhận quyền sử dụng đất ở cho những trường hợp cụ thể nào, và có nguồn gốc đất ra sao, nên đã dẫn tới tình trạng nhiều trường hợp, thửa có nguồn gốc mà theo Luật Đất đai quy định đủ điều kiện để được công nhận toàn bộ diện tích là đất ở, hoặc diện tích đất ở được công nhận bằng 5 lần hạn mức, thì lại chỉ được công nhận theo hạn mức nêu tại khoản 2, Điều 1 của Quyết định số 99/2005/QĐ-UBND.

Điều 79, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP quy định: “Hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại Khoản 2, Điều 83 và Khoản 5, Điều 84 của Luật Đất đai chỉ áp dụng khi Nhà nước giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân kể từ ngày 1-7-2004 và trường hợp được Nhà nước cấp GCNQSDĐ quy định tại Khoản 5, Điều 87 của Luật Đất đai”. Khoản 5, Điều 87 của Luật Đất đai quy định: “Đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này thì diện tích đất ở có vườn, ao được xác định theo mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân quy định tại Khoản 2, Điều 83 và Khoản 5, Điều 84 của Luật này”. Khoản 2, Điều 45 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, còn quy định về nguồn gốc đất để được công nhận là đất ở: “Trường hợp đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư được sử dụng trước ngày 18-12-1980 mà trong hồ sơ địa chính hoặc các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai có ghi nhận rõ ranh giới thửa đất ở (hoặc thổ cư) thì toàn bộ diện tích đất đó được xác định là đất ở theo quy định tại khoản 2 Điều 87 của Luật Đất đai; trường hợp ranh giới thửa đất chưa được xác định trong hồ sơ địa chính hoặc trên các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì diện tích đất ở được xác định không quá năm (05) lần hạn mức diện tích giao đất ở của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại khoản 2 Điều 83 và khoản 5 Điều 84 của Luật Đất đai nhưng tổng diện tích không vượt quá diện tích đất mà hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng; phần diện tích đất còn lại sau khi đã xác định thửa đất ở thì được xác định theo hiện trạng sử dụng đất”; và Khoản 3, Điều 45 nêu: “Trường hợp đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư được sử dụng từ ngày 18-12-1980 đến trước ngày 1-7-2004 thì diện tích đất ở được xác định theo quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 87 của Luật Đất đai”.

 Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Hoài Ân Bài 3: Đâu là nguyên nhân sai phạm?
Quyết định số 99/2005/QĐ-UBND được tỉnh Bình Định thực hiện từ tháng 9-2005 đến tháng 12-2009 gây thiệt hại cho dân

Từ viện dẫn trên cho thấy, không phải tất cả các thửa đất đều phải áp dụng theo hạn mức đất ở nêu tại Quyết định số 99/2005/QĐ-UBND, mà phải căn cứ vào nguồn gốc thửa đất để xác định những trường hợp sau: Trường hợp thửa đất không phải điều chỉnh theo Quyết định số 99/2005/QĐ-UBND tức là đủ điều kiện công nhận toàn bộ diện tích đất là đất ở; trường hợp chịu một phần điều chỉnh theo Quyết định số 99/2005/QĐ-UBND như quy định tại Khoản 2, Điều 45 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP; và trường hợp chịu điều chỉnh hoàn toàn theo Quyết định số 99/2005/QĐ-UBND như quy định tại Điều 79, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP. Chính vì những điều khoản không rõ ràng, nên Quyết định số 99/2005/QĐ-UBND đã gây thiệt hại cho hàng nghìn hộ dân ở tỉnh Bình Định được cấp GCNQSDĐ ở trong thời gian hơn 4 năm (từ tháng 9-2005 đến tháng 12-2009). Trong đó có những trường hợp mà quyền và lợi ích chính đáng của họ bị xâm phạm trong thời gian dài như cựu chiến binh Nguyễn Thái Kỷ, hộ nghèo Trần Minh Châu, hộ Ngô Quang Thống, hộ Trương Văn Tôi cùng trú tại thị trấn Tăng Bạt Hổ; thương binh Hoàng Thị Sương, trú xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân.

Ngoài ra, Khoản 3, Điều 1 của Quyết định số 99/2005/QĐ-UBND quy định điều kiện: “Phải có hộ khẩu thường trú nơi có đất, đã lập gia đình, (…), trường hợp nữ là hộ độc thân có tuổi từ 35 trở lên” mới được giao đất ở là trái với quy định của pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của công dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Thơ, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Hoài Ân cho biết: "Tính đến cuối tháng 10-2011, toàn huyện đã cấp quyền sử dụng đất ở cho 85% trong tổng số hơn 20 nghìn hộ dân trên địa bàn, trong đó có hơn 90% là đất công nhận quyền sử dụng đất và gần 10% là đất ở cấp mới. Riêng giai đoạn áp dụng Quyết định số 99/2005/QĐ-UBND, huyện Hoài Ân cấp GCNQSDĐ ở cho khoảng 3000 hộ”. Như vậy, với hàng nghìn hộ dân được cấp GCNQSDĐ ở áp dụng theo hạn mức đất ở quy định tại Quyết định số 99/2005/QĐ-UBND, thì chỉ tính riêng ở huyện Hoài Ân cũng có tới hàng trăm hộ bị thiệt hại do cấp diện tích đất ở không đúng quy định của Luật Đất đai và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện tại, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Hoài Ân đang tiếp nhận và giải quyết cấp lại GCNQSDĐ ở cho những trường hợp mà trước đây cấp sai quy định.

Ngày 26-10-2011, làm việc với chúng tôi, ông Đặng Trung Thành, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, phụ trách lĩnh vực quản lý đất đai tỉnh Bình Định cho biết: “Toàn tỉnh Bình Định cấp được 70 nghìn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở theo Quyết định số 99/2005/QĐ-UBND, trong đó chủ yếu là đất công nhận, tỷ lệ đất cấp mới không đáng kể”. Như vậy, với 70 nghìn GCNQSDĐ ở được cấp theo hạn mức như quy định tại Quyết định số 99/2005/QĐ-UBND của tỉnh Bình Định, chúng tôi khẳng định rằng phải có hàng nghìn hộ dân được cấp diện tích đất ở không đúng theo quy định của Luật Đất đai và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng khiếu kiện đòi quyền lợi về đất đai ở tỉnh Bình Định, nhất là trên địa bàn huyện Hoài Ân, xảy ra trong thời gian dài.

Tại Công văn số 60/CV-ĐB, ngày 11-10-2011 do ông Trần Đình Long, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XIII ký, về việc “Đôn đốc giải quyết khiếu nại của công dân” gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã nhận định: “Quyết định số 99/2005/QĐ-UBND ngày 22-8-2005 của UBND tỉnh Bình Định là trái pháp luật, cần có biện pháp khắc phục những thiệt hại do việc thực hiện quyết định này gây ra trên phạm vi toàn tỉnh”. Chúng tôi cho rằng, việc áp dụng những quy định không rõ ràng của Quyết định số 99/2005/QĐ-UBND và cả những quyết định trước đó đã dẫn tới cấp GCNQSDĐ ở có nhiều sai sót trên địa bàn tỉnh Bình Định, gây thất thoát nguồn thu của Nhà nước, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân. Các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Bình Định phải nghiêm túc rà soát lại số hộ được cấp GCNQSDĐ ở trong thời điểm áp dụng Quyết định số 99/2005/QĐ-UBND, và một số quyết định trước đó, tìm ra những trường hợp cấp GCNQSDĐ ở không đúng theo quy định của Luật Đất đai để cấp lại, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của dân.

Theo Kiều Bình Định (QĐND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.