03/09/2019 7:45 AM
Hệ thống công chứng Đà Nẵng thời đó đã được cảnh báo về việc công chứng cho các sổ đỏ Phạm Công Danh mang đi thế chấp ngân hàng...

Liên quan tới phát biểu của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói rằng, việc cấp 14 sổ đỏ tại sân vận động Chi Lăng là sai, những cá nhân liên quan tới việc cấp sổ đỏ sai sẽ phải ra tòa, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, yêu cầu trên là hoàn toàn đúng.

Cấp 14 sổ đó sân vận động Chi Lăng là sai? Ảnh: sputnik

Vị đại biểu cho biết, sân vận động Chi Lăng là tài sản kê biên hiện đang trong thời gian thi hành án.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, vụ việc mới đang được xem xét liên quan đến vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm mang những sổ đỏ đất sân Chi Lăng mang đi thế chấp ngân hàng.

Các cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng liên quan chưa đề cập tới tính pháp lý của những sổ đỏ đó được cấp đúng hay sai. Đó là sự thiếu sót trong quá trình điều tra.

Theo ông Sơn, chính vì chưa xác định rõ tính pháp lý của những sổ đó trên nên đưa Sân vận động Chi Lăng ra đấu giá để thi hành án trả nợ hơn 4.000 tỉ đồng cho các ngân hàng, liên quan đại án Phạm Công Danh là cả vấn đề lớn, rất phức tạp.

"Tôi từng đề nghị xem xét lại việc cấp những sổ đỏ trên cho Phạm Công Danh là đúng hay sai, nhưng ý kiến của tôi lúc đó dường như không được ai để ý.

Cơ quan điều tra chỉ tập trung vào việc ông Danh có bao nhiêu sổ đỏ và những sổ đỏ đó thế chấp những ngân hàng nào và thế chấp bao nhiêu tiền mà chưa được làm rõ tính pháp lý của những sổ đỏ này.

Vì thế, ý kiến của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa là muốn yêu cầu phải kiểm tra lại tính pháp lý của những sổ đỏ đó. Khi xác định rõ được tính pháp lý thì mới tính tới chuyện mang ra đấu giá để thi hành án", ông Sơn nói.

Ông Sơn nhấn mạnh, chính quyền thành phố hiện tại biết rõ những sổ đỏ đó được cấp là sai nhưng lại là tài sản được kê biên để thực hiện nghĩa vụ thi hành án, do đó, cũng không thể thu hồi được những sổ đỏ này.

Ông Sơn cho biết thêm, ông có cơ sở để khẳng định những sổ đỏ trên trước đây được cấp là trái với các quy định pháp luật, vì thế, việc xử lý những sổ đỏ này phải được thực hiện theo đúng các trình tự, thủ tục, quy trình của pháp luật.

"Muốn giải quyết được những khúc mắc này thì phải căn cứ vào luật, không thể chỉ căn cứ vào ý chí chủ quan của bất kỳ cá nhân nào.

Riêng về nguyện vọng muốn lấy lại sân vận động Chi Lăng của người dân Đà Nẵng đó là nguyện vọng chính đáng. Nguyện vọng này có thể thực hiện được bởi các quy định của pháp luật", ông Sơn nói.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Bá Sơn còn đề cập thêm tới câu chuyện tính giá đất quy đổi để vay vốn ngân hàng với giá thực tế cũng là vấn đề phức tạp, cần phải xem xét.

"Tại thời điểm ông Phạm Công Danh mang sổ đỏ đi thế chấp vay 300 tỷ tại các ngân hàng tôi đã có cảnh báo và yêu cầu tất cả các tổ chức công chứng tại Đà Nẵng không được ký cho vay vì những sổ đỏ này không bảo đảm tính pháp lý.

Tuy nhiên, vẫn có những ngân hàng chấp thuận cho ông Phạm Công Danh vay.

Tôi nhắc lại, hệ thống công chứng của Đà Nẵng khi đó không đơn vị nào ký xác nhận cho những sổ đỏ này, vì thế, ai ký cho thế chấp người đó phải chịu trách nhiệm.

Như vậy, ở đây có hai việc rất rõ. Một là vấn đề cấp sổ đỏ sai và hai là ký thế chấp cho vay khi chưa biết rõ về tính pháp lý của những sổ đỏ đó.

Trên cơ sở xem xét từng vấn đề sẽ làm rõ được trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan. Cụ thể, trong việc cấp sổ đỏ sai thì những cá nhân, đơn vị quản lý có thẩm quyền của địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Với những người biết rõ những sổ đỏ đó không bảo đảm tính pháp lý mà vẫn cho vay hoặc biết rõ giá trị những sổ đỏ đó không tương xứng với số tiền cho vay nhưng vẫn ký cho vay thì những người đó cũng sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý", ông Sơn nói.

Có lợi ích nhóm?

Nói thêm về việc này, KTS Hồ Duy Diệm - nguyên Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch TP. Đà Nẵng cho biết, ngay từ đầu sân vận động Chi Lăng đã được điều phối bởi ý đồ của một nhóm lợi ích.

Bắt đầu từ việc dựng lên một đồ án quy hoạch thương mại tổng thể rất nguy nga, tráng lệ bao trọn bốn mặt tiền của sân vận động.

Sau đó vận động những người có thẩm quyền bán lại sân vận động Chi Lăng với những lời thuyết minh sẽ giúp Đà Nẵng giàu, đẹp hơn.

Đà Nẵng sau đó đã bán lại sân vận động này với số tiền 1.251 tỉ đồng rồi mang đi xây một sân vận động mới.

Sân vận động Chi Lăng sau đó đã bị chia nhỏ và mang đi thế chấp ngân hàng.

"Việc chia nhỏ sân vận động thành nhiều sổ đỏ khác là sai mục đích ban đầu, là trái quy định của pháp luật", KTS Hồ Duy Diệm cho biết.

Riêng về nguyện vọng lấy lại sân vận động Chi Lăng, KTS Hồ Duy Diệm cho rằng Đà Nẵng phải lấy chính số tiền bán sân vận động này để mua lại chứ không được lấy thêm một đồng nào từ ngân sách, từ tiền thuế của dân.

"Theo tôi biết, Đà Nẵng đã lấy một phần tiền bán đất sân vận động Chi Lăng để xây sân vận động Chi Lăng mới, như vậy Đà Nẵng phải tự thu xếp số tiền này.

Không thể vin vào ý chí, nguyện vọng của người dân để đưa ra một quyết định sai mới sữa lỗi cho sai lầm cũ. Nếu ngay từ đầu Đà Nẵng biết lắng nghe nguyện vọng của người dân thì đã không bán sân vận động.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng phải làm rõ mục đích lấy lại sân vận động Chi Lăng này để làm gì, sử dụng vào mục đích gì, lấy sân vận động Chi Lăng cũ thì sân vận động mới có cần thiết nữa không?", vị KTS nhắc nhở.

Lam Nguyên (Báo Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.