|
Phố Lê Duẩn đoạn trước tòa nhà chợ Cửa Nam thường xuyên xảy ra ùn tắc. Ảnh: Trọng Đảng. |
Từ khi có cầu vượt nút giao thông Ngã Tư Sở trở nên dễ thở hơn, nhưng từ khi nút giao thông này có nhiều cao ốc, trung tâm thương mại mọc lên ở các hướng, giao thông ở đây vào giờ cao điểm bắt đầu xảy ra ùn tắc cục bộ, nhất là hướng từ phố Tây Sơn.
Theo người dân ở đây, vào thời gian buổi sáng và chiều, ngoài phương tiện trên đường tăng lên, lượng người từ các toà nhà mới đi vào hoạt động như Pico mall, Parkson... ra vào đông làm cho đường dẫn lên cầu vượt Ngã Tư Sở và ngã ba Tây Sơn - Thái Thịnh thường xuyên ùn ứ.
Tại nút giao thông Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, cùng
với lượng phương tiện trên đường, vào giờ cao điểm dòng người từ nút
giao thông này ra vào toà nhà tập đoàn dầu khí cao 19 tầng ở bên cạnh
cũng tấp nập.
Tại các tuyến đường trung tâm như Lê Duẩn, Xã Đàn, Trần
Quang Khải, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo... ngoài ùn tắc vào giờ cao điểm,
phương tiện của nhân viên và người đến làm việc còn đỗ tràn trên vỉa hè,
lòng đường.
Với các tuyến đường hướng tâm, vành đai như Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Láng, Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng... trước đây rất ít xảy ra ùn tắc, nhưng thời gian qua, do bị phương tiện của các toà nhà chiếm dụng lòng đường nên vào giờ cao điểm các tuyến đường này thường xảy ra ùn tắc, như đường Phạm Hùng đoạn đi qua các toà nhà Keangnam, The manor; riêng trên đường Nguyễn Trãi - Hà Đông, ngoài các toà nhà đã đi vào hoạt động, chỉ nửa km đoạn từ bến xe Hà Đông đến khách sạn Sông Nhuệ đang có tới 5 công trình cao ốc cao từ 10 đến 50 tầng đang thi công, như Hồ Gươm Plaza (20 tầng), Hattocoo Tower (40 tầng), Westa (10 tầng), toà nhà thương mại và nhà ở (20 tầng), toà nhà đô thị Sông Đà (45 tầng).
Người dân ở đây cho biết, đoạn đường này đang thực sự là một phố cao ốc... Ông Lê Cường, PCT UBND quận Hà Đông cho rằng, do là các dự án xây dựng lớn nên tất cả các dự án trên đều do cơ quan của thành phố là Sở Xây Dựng cấp phép.
Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện trên địa bàn các quận trung tâm có 176 dự án cao ốc cao trên 9 tầng. Cụ thể, quận Hoàn Kiếm: 31 dự án; Ba Đình: 37 dự án; Đống Đa: 39 dự án; Hai Bà Trưng: 28 dự án, Tây Hồ: 20 dự án; Hoàng Mai: 31 dự án.
“Hầu hết các toà nhà này được thiết kế với công năng văn phòng, trung tâm thương mại, chung cư nhưng diện tích dành cho đỗ xe chỉ đáp ứng được 20 đến 30%”, đại diện Sở GTVT nhấn mạnh.
Khai thác “đất vàng” bằng mọi giá
|
Mặc dù đã được xây dựng cở sở mới quy mô
lớn tại Định Công, nhưng Bệnh viện Bưu điện vẫn quyết giữ lại cơ sở tại
Chợ Trời (Hà Nội).
Ảnh: Minh Tuấn. |
Nhiều bộ ngành, bệnh viện, trường học mặc dù được di dời, được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, có trụ sở mới hiện đại song lãnh đạo các cơ sở này vẫn “kiên quyết bám trụ”.
Dù được đầu tư xây dựng cơ sở mới cao tầng hiện đại tại
phường Định Công nhưng Bệnh viện Bưu Điện (thuộc Tập đoàn Bưu chính
viễn thông VN) vẫn đề nghị giữ lại cơ sở cũ tại số 1 phố Yên Bái thuộc
quận Hai Bà Trưng.
Sở Tài chính Hà Nội cho biết, đây là khu đất nằm kẹt
trong khu chợ Trời gần sát phố Huế đông đúc, ồn ào ngột ngạt rất không
phù hợp với yêu cầu của cơ sở y tế. Tuy nhiên, rốt cuộc thì Bộ Y tế,
VNPT vẫn đề nghị giữ trụ sở này lại hoạt động thuộc quyền quản lý của
Bệnh viện Bưu điện.
Một ví dụ khác là Bộ Nội vụ mặc dù đã được cấp cả chục ngàn m2 đất và vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây trụ sở mới tại khu đô thị mới Cầu Giấy nhưng bộ vẫn đề nghị giữ lại trụ sở cũ tại phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng để phục vụ cho một số cơ quan thuộc bộ hoạt động.
Trường Đại học Xây dựng mặc dù đã được chấp thuận xây trụ sở mới tại tỉnh Hưng Yên nhưng vẫn đề nghị giữ lại một phần diện tích tại trụ sở cũ trên đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng. Bệnh viện K đã được đầu tư xây trụ sở mới nhưng cũng vẫn đề nghị giữ lại trụ sở trên phố Hai Bà Trưng để làm nơi khám bệnh.
Nhiều cơ sở khác như Bệnh viện phụ sản trung ương,
Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị được khai thác tiếp quỹ đất tại trụ sở
cũ. Mặc dù Chính phủ nhiều lần chỉ đạo đẩy nhanh di dời, nhưng hàng loạt
cơ sở y tế, trường đại học vẫn đầu tư lớn để xây dựng thêm cơ sở mới
ngay trên chính diện tích đất cũ.
Điển hình như khu vực Bệnh viện Bạch Mai mở ra thêm Bệnh viện Bệnh Lâm sàng các bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Tim mạch; Bệnh viện Việt Đức thêm Bệnh viện Răng hàm mặt; Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba thêm Bệnh viện Mắt...
Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, rất nhiều các cơ sở y tế đã quá tải nghiêm trọng, cùng thực hiện nhiều chức năng như nghiên cứu, khám - điều trị bệnh nhân, phục vụ tang lễ, nhiều dịch vụ y tế khác ngay trong một khuôn viên chật hẹp dẫn đến ô nhiễm và nhiều bất cập.
Nhiều trường đại học cố bám lấy trung tâm trong khi
không có ký túc xá sinh viên, diện tích nơi vui chơi, học tập cho mỗi
sinh viên không đạt yêu cầu đề ra.
“Nhiều bộ ngành, trường đại học, bệnh viện khi lập
phương án di dời đều đề nghị được khai thác quỹ đất cũ và chủ yếu muốn
xây chung cư để bán” - ông Vũ Tuấn Định - Phó giám đốc Sở Quy hoạch -
Kiến trúc Hà Nội nói.
Về cơ chế tài chính, ông Mai Xuân Vinh - Chi cục trưởng
Chi cục quản lý công sản Hà Nội cho rằng: Quyết định 86 của Chính phủ
ngày 22-12-2010 đã cho phép bán tài sản và chuyển nhượng quyền sử dụng
đất lấy kinh phí đầu tư trụ sở mới theo hình thức “mỡ nó rán nó”.
Tuy nhiên, vướng mắc đặt ra khi bán đấu giá tài sản
trên đất mà chưa di dời đến trụ sở mới thì không đủ tiêu chuẩn mặt bằng
sạch, nhà đất sạch. Mặt khác, theo Luật Ngân sách, Nhà nước không thể bỏ
tiền ra để mua lại tài sản của chính mình. Nếu liên doanh liên kết thì
thuận lợi cho các đơn vị kinh tế.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt theo đại diện lãnh đạo Sở Tài
chính Hà Nội thì bên cạnh những vướng mắc về cơ chế còn có nguyên nhân
từ việc “tư tưởng” không thông, còn nặng quyền lợi nên không mấy trường
học, bệnh viện mặn mà hăng hái với việc di dời ra ngoại thành.
“Có bệnh viện mỗi ngày doanh thu hàng trăm triệu đồng, chưa kể còn rất nhiều dịch vụ y tế khác, cán bộ công nhân viên đi lại gần, làm thêm thuận tiện...thì không dễ gì muốn di dời ra ngoài” - một cán bộ phụ trách sắp xếp các cơ sở nhà đất công của Hà Nội khẳng định.