|
Tòa nhà số 2 Hàng Gà vừa xây xong cao hơn nhiều nhà xung quanh. Ảnh: Xuân Phú. |
Đua nhau đè phố cổ
Theo điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng, bảo tồn và
tôn tạo khu phố cổ Hà Nội, đối với các công trình xây dựng tiếp giáp
mặt phố không được xây quá ba tầng, chiều cao không vượt quá 12m và
phải lợp ngói ta. Nhưng thực tế hiện nay hầu hết mặt tiền của các tuyến
phố cổ xuất hiện hàng loạt công trình cao sáu, bảy tầng, thậm chí mười
tầng.
Tại các tuyến phố như Hàng Gà, Hàng Điếu, Lò Rèn, Mã
Mây, Hàng Than, Bát Đàn, Gia Ngư..., giữa không gian cổ kính của phố cổ
hiện nhiều công trình cao ốc xây sai phép từ hai đến bốn tầng đua nhau
mọc lên. Phố Gia Ngư chỉ dài vài trăm mét nhưng mọc lên hai cao ốc.
Tại số 38 Gia Ngư công trình cao 8 tầng theo kiểu giật
khúc “hàm ếch”, còn đối diện nó là cao ốc số 43 cao 7 tầng+1 tum. Cả
hai công trình này vừa hoàn thiện được sử dụng để kinh doanh khách sạn.
Tại phố Bát Đàn, Bát Sứ, Hàng Gà thuộc phường Hàng Bồ,
hàng loạt khách sạn hiện đại cao sừng sững như Quoc Hoa Hanoi hotel số
10 Bát Đàn cao 10 tầng; khách sạn 31 Hàng Gà cao 8 tầng+1 tum; khách
sạn 46 Bát Sứ cao 7 tầng.
Tại số 65 và 75 phố Hàng Điếu (phường Cửa Đông), cũng mọc lên hai khách sạn cao 6 và 7 tầng. “Tình trạng xây nhà vượt quá quy định từ hai đến bốn tầng trên nhiều tuyến phố cổ đang diễn ra rất phổ biến. Chúng được xây dựng để làm khách sạn, văn phòng cho thuê. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh tình trạng này lên lãnh đạo phường, quận nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”- Ông Nguyễn Văn Thành ở phường Hàng Bồ cho biết.
Ở nhiều tuyến phố thuộc diện bảo tồn cấp một như Mã Mây, Hàng Đồng..., các công trình cao ốc cũng thi nhau đè phố cổ. Tại số 11 và 13 Mã Mây lừng lững một công trình khách sạn cao 9 tầng. Các công trình này với kiến trúc mặt tiền mỗi nơi một kiểu, chẳng ăn nhập gì với các công trình phố cổ.
|
Hàng loạt cao ốc đang “đè” phố cổ. Ảnh: Nguyễn Tú. |
Phố cổ thành cao ốc?
Đại diện Thanh tra xây dựng quận Hoàn Kiếm cho rằng,
do không gian sống của người dân trong phố cổ đã trở nên chật hẹp khiến
nhu cầu xây dựng, cơi nới nhà ở của người dân rất lớn. “Để cải thiện
điều kiện sinh hoạt và khai thác mặt bằng kinh doanh, nhiều hộ dân đã
tìm mọi cách xây dựng cơi nới, sai so với giấy phép. Họ xây ngày xây
đêm, làm lén lút. Thậm chí, nhiều đối tượng còn chống đối quyết liệt
khi lực lượng chức năng đến cưỡng chế” - một cán bộ nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn
Kiếm, qua kiểm tra của Thanh tra xây dựng quận, hầu hết các công trình
này đều vi phạm về chiều cao và thực hiện không đúng nội dung được cấp
phép.
“Ngoài xử phạt hành chính, các công trình xây dựng sai phép, vượt phép sẽ bị dỡ bỏ phần vi phạm. Còn công trình thuộc dạng bảo tồn mà xây dựng, cơi nới vi phạm thì phải phục hồi nguyên trạng. Đối với những công trình - chủ yếu là các nhà hàng, khách sạn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng trước khi có quy định về quản lý phố cổ thì sẽ đề xuất, xin ý kiến TP để xử lý” - ông Hoa cho biết.
Theo Thanh tra Sở Xây dựng, để xảy ra lộn xộn về trật tự xây dựng tại phố cổ là trách nhiệm của chính quyền các phường, quận. Các đơn vị cơ sở đã thực hiện vấn đề này chưa tốt.
Ở một góc độ khác, nhiều kiến trúc sư cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chưa có quy định chặt chẽ về lĩnh vực này.
“Trong các quy định liên quan việc xây dựng, cải tạo
nhà trong các khu phố cổ, chỉ đưa ra những tiêu chí về số tầng hay
chiều cao của ngôi nhà được xây mà chưa rõ về mặt kiến trúc. Chẳng hạn,
nếu một chủ nhà muốn làm lại lan can hay sơn lại nhà theo màu gì đều
phải thực hiện theo những quy định chung và có sự thẩm định, xét duyệt.
Nếu cứ như tình trạng này thì phố cổ sẽ thành cao ốc thôi” - một kiến
trúc sư nói.
Toàn
bộ khu phố cổ nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có tổng diện tích khoảng
100 ha với tổng số có 68 phố cần được bảo tồn, được xác định mốc giới
bởi các tuyến phố Hàng Đậu (phía bắc), Phùng Hưng (phía tây), Hàng
Bông, Hàng Gai, Hàng Thùng (phía nam) và Trần Quang Khải, Trần Nhật
Duật (phía đông). Một trong các nguyên tắc quan trọng để bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ Hà Nội là các công trình được phép cải tạo phải tuân theo quy định bắt buộc như: Đối với các công trình tiếp giáp mặt phố (lớp ngoài) không vượt quá 3 tầng, lợp ngói ta, chiều cao không vượt quá 12m; Đối với các công trình lớp phía trong không vượt quá 4 tầng, chiều cao tối đa tới đỉnh mái không quá 16m… |