Cảng hành khách Quốc tế Phú Quốc được thực hiện theo Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) có sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Cụ thể, trong 1.644 tỷ đồng vốn đồng tư thì vốn ngân sách là hơn 1.151 tỷ đồng, vốn của nhà đầu tư là hơn 493 tỷ đồng.
Nhà đầu tư trực tiếp quản lý điều hành và thu hồi vốn thông qua thu phí đối với các hạng mục chủ yếu, gồm: 120m bến tàu, 1004m cầu dẫn, 02 tàu lai và các hạng mục phụ trợ khác. Thời gian khai thác hoàn vốn khoảng 30 năm.
Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc được xây dựng dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt, thị trấn Dương Đông với tổng diện tích 179,3 ha bao gồm các hạng mục trên bờ là 2,8 ha và dưới nước là 176,5 ha.
Cảng có thể tiếp nhận tàu chở 5.000-6.000 hành khách (trọng tải 225.000 GT), đồng thời kết hợp khai thác container hàng sạch. Cầu tàu dài 409m, trong đó cầu chính dài 240m, rộng 35m cho phép tàu cập bến cả hai bên. Một cầu dẫn dài 1.004m rộng 13 được xây dựng từ bờ ra cầu tàu để đưa hành khách vào đảo. Nhà ga cao 2 tầng với 1.950m2 diện tích sàn cùng các công trình phụ trợ gồm có nhà bảo vệ, trạm cấp điện, trạm cấp nước, bãi đỗ xe, đường nội bộ.
Cảng hành khách Quốc tế Phú Quốc được thực hiện theo đề xuất của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc (thành viên của Tập đoàn Vingroup) với Bộ GTVT và UBND tỉnh Kiên Giang. Vào tháng 2, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT và UBND tỉnh Kiên Giang về việc áp dụng hình thức chỉ định thầu để thực hiện dự án.
Dự kiến công trình sẽ được khởi công trong năm 2015, hoàn thành vào năm 2017.