Khu quy hoạch xây dựng tòa tháp biểu tượng TP. Cần Thơ sau nhiều năm vẫn án binh bất động
NHỮNG DỰ ÁN THÁCH THỨC THỜI GIAN
Khi nghe chúng tôi hỏi tiềm năng đất thuộc khu vực 1, một đại gia lãnh
vực kinh doanh địa ốc phải “thèm thuồng”: “Nếu TPHCM có quận 1, quận 3
trung tâm thì khu vực 1 là trung tâm TP.Cần Thơ. Mỗi ngày đi ngang qua
khu vực trên, tôi thấy quá uổng. Đất nằm trong khu vực đắc địa nhưng bỏ
hoang lãng phí. Đầu tư đúng tiến độ, nơi đây sẽ vực dậy bộ mặt TP.Cần
Thơ”.
Mảnh đất vàng cồn Cái Khế có tổng diện tích đến 126 hécta, được quy
hoạch ban đầu là xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao. Sau đó, chính
quyền địa phương điều chỉnh quy hoạch thành khu đô thị hiện đại với hàng
loạt khu cao cấp như: phức hợp thương mại - dịch vụ - du lịch, thể
thao, văn hóa... Thế nhưng cho đến nay, khu đô thị đa chức năng trên cỏ
hoang mọc um tùm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay khu đất “vàng” có 10 dự án trong
tình trạng án binh bất động. Điển hình, năm 1997, khu du lịch dã ngoại
có quy mô đến 9 hécta được khởi động. Sau ba lần điều chỉnh quy hoạch,
khu này trở thành nơi cỏ dại mọc um tùm xen lẫn căn nhà ẩm thấp của
người dân. Kế tiếp, năm 2004, dự án nhà khách TP.Cần Thơ có quyết định
quy hoạch. Hơn bảy năm thực hiện, địa phương vẫn chưa giải quyết xong
công tác giải phóng mặt bằng... Đặc biệt, dự án xây dựng tòa tháp cao 25
tầng và biểu tượng của TP. Cần Thơ tại vòng xoay Trung tâm cồn Cái Khế
được quy hoạch với diện tích hơn 2 hécta, vẫn còn nằm trên giấy. Tháng
11-2005, UBND TP.Cần Thơ ký quyết định giao cho Công ty cổ phần đầu tư
xây dựng Hoàng Anh Gia Lai thuê đất. Sau đó, đơn vị không thực hiện cam
kết ban đầu. Ngày 19-7-2007, UBND TP.Cần Thơ hủy bỏ quyết định giao đất
cho nhà đầu tư. Ngày 19-11-2008, UBND TP.Cần Thơ có quyết định điều
chỉnh quy hoạch khu quảng trường – tháp biểu tượng 170 mét... Quy hoạch
hoành tráng nhưng đến nay khu đất trên vẫn là bãi đất trống.
Người dân địa phương đang rất bức xúc trước hai dự án quy mô lớn của
Công ty đầu tư xây dựng thương mại Thùy Dương và Công ty TNHH nhà hàng
Thanh Trà. Hai dự án này thu hồi hơn 8 hécta đất của dân để xây dựng
Trung tâm thương mại - văn phòng - nhà ở cao tầng và khách sạn 5 sao,
nhưng không tuân thủ trình tự, thủ tục quy định. Việc thu hồi đất không
thỏa thuận với dân, năng lực tài chính có hạn; mang tính áp đặt, gặp sự
phản ứng quyết liệt nên đến nay rất ỳ ạch...
Tại khu đất “vàng” này còn nhiều dự án “sống dở chết dở” như: công viên
nước (trị giá hơn 54 tỷ đồng) sau nhiều năm thua lỗ đã được sang bán,
đang trùm mền, chờ chuyển công năng. Đây là một trong những công trình
được cho là lãng phí lớn nhất Cần Thơ. Trung tâm Bowling duy nhất ĐBSCL
cũng ngưng hoạt động nhiều năm qua...
ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN “TREO” THEO DỰ ÁN
Ông Bạch Ngọc Tâm có nhà đất nằm trong quy hoạch xây dựng khu du lịch dã
ngoại cho biết, năm 1969, gia đình ông tìm đến khu đất này định cư. Đến
nay, số thành viên lên đến 33 nhân khẩu mới được cho tách ra thành 7 hộ
khẩu ở trong 7 căn nhà ọp ẹp, cấp 4 khác nhau. Nhưng vì nằm trong quy
hoạch nên 7 căn nhà chỉ có một số nhà: 118/9/20 đường Lê Lợi.
Hoàn cảnh ông Bùi Văn Sơn cùng bị ảnh hưởng dự án treo này còn bức xúc
hơn: “Gia đình tôi có 2.500m2 đất và nhà cửa, sinh sống ở đây từ năm
1990 tới nay vẫn không làm được hộ khẩu; không thể đầu tư xây dựng, vay
ngân hàng... vì không có giấy đỏ. Đến nay, cồn Cái Khế ba lần được quy
hoạch tỷ lệ 1/2000 (các năm 1996, 1999, 2008), nhưng không ai có thể
khẳng định là khi nào hoàn thành hay tiếp tục “treo” để dân chịu khổ dài
dài?”.
Các dự án phục vụ đời sống dân sinh của người dân nơi đây cũng rất chậm
trễ. Theo quy hoạch được điều chỉnh tháng 11-2008, tại cồn Cái Khế sẽ
dành 4 hécta đất xây dựng khu tái định cư tại chỗ cho dân (trong đó có
khu chuyên gia cầu Cần Thơ 1,86 hécta bàn giao lại) nhưng đến nay cũng
không thấy bóng dáng. Những hộ dân bị ảnh hưởng các dự án được “đẩy” ra
tái định cư tại vùng ven phường An Khánh (quận Ninh Kiều) và Hưng Phú
(quận Cái Răng)... Nổi cộm nhất là dự án xây dựng trường tiểu học Cái
Khế được phê duyệt từ cuối năm 1999 với vốn đầu tư trên 10,6 tỷ đồng,
thực hiện từ năm 2000 – 2002. Thế nhưng đến nay đã 12 năm, ngôi trường
chuẩn trong mơ của con em dân địa phương đâu chẳng thấy, trong khi ngôi
trường cũ đã xuống cấp trầm trọng. Ông Nguyễn Toàn Thắng, có nhà đất nằm
trong dự án tái định cư trường tiểu học Cái Khế (gần 10 năm chưa hoàn
thành) chua xót: “Gia đình tôi có 1.500m2 đất (200m2 thổ cư) bị giải tỏa
trắng, nhưng chỉ được bồi thường 1,4 tỷ đồng. Trong khi đó, cũng tại
khu tái định cư này, giá bán các lô nền có diện tích 4 x 16m từ 1,4 đến 2
tỷ đồng/nền...”.
Ông Nguyễn Tấn Triều, Chủ tịch UBND phường Cái Khế, đề nghị chính quyền
địa phương cần thực hiện đẩy nhanh dự án. Khu vực 1 (cồn Cái Khế) có hơn
700 hộ dân thì đa phần bị ảnh hưởng các dự án. Đất tại nhiều vị trí ở
cồn Cái Khế như trên tuyến đường trung tâm Lê Lợi, vòng xoay công viên
nước... có giá trị sinh lợi rất lớn, nhưng giá bồi thường lại thấp. Vì
thế nên người dân không đồng tình, bất hợp tác làm cho tiến độ thực hiện
dự án chậm trễ. Mặt khác, một số nhà đầu tư còn yếu về năng lực tài
chính...