Sở GTVT Cần Thơ vừa phải giải trình cho đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng về hai dự án đường Mậu Thân - sân bay Trà Nóc và đường nối thị xã Vị Thanh - Cần Thơ do Sở GTVT Cần Thơ làm chủ đầu tư, trong đó có nhiều vấn đề sai phạm, khuất tất gây thất thoát với số tiền lên đến cả trăm tỷ đồng và số tiền cần thu hồi hàng chục tỷ đồng.

Cần Thơ: Hai dự án sai phạm hơn 130 tỷ đồng

Đường nối Mậu Thân - sân bay Trà Nóc còn ngổn ngang


Điều chỉnh theo hướng... thiệt hại


Dự án đường Mậu Thân - sân bay Trà Nóc có tổng mức đầu tư thuộc hàng “khủng” tại Cần Thơ với tổng mức đầu tư trên 1.850 tỷ đồng. Còn đường nối thị xã Vị Thanh - Cần Thơ có mức đầu tư 470 tỷ đồng. Hai dự án này do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Mặc dù đây là hai dự án được xác định là trọng điểm nhưng quá trình thực hiện đã thể hiện nhiều sai sót từ lúc lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho đến thi công, quyết toán và trong rất nhiều phương án chọn không đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật.


Công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật tại gói thầu số 5 với phương án gia cố nền đất yếu đã thay đổi phương án thực hiện nhưng không đạt được mục tiêu đề ra là đẩy nhanh tiến độ, nhưng đã làm tăng kinh phí đầu tư thêm hàng chục tỷ đồng. Thiết kế bản vẽ thi công tại hai gói thầu số 7 và 8 không phù hợp với thiết kế cơ sở được duyệt, không đảm bảo tính kinh tế, làm tăng kinh phí thêm gần hàng chục tỷ đồng nữa. Nhiều hồ sơ thiết kế không đưa ra hết các phương án lựa chọn để đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật, hoặc có đưa ra nhưng sơ sài, không thể hiện bản vẽ kết cấu, tính toán khối lượng nên khối lượng đưa ra không có cơ sở.


Trong nhiều gói thầu, công tác thi công chưa có định mức, đơn giá nhưng chủ đầu tư không tổ chức xây dựng đơn giá nên vận dụng không phù hợp dẫn đến thiệt hại lớn cho ngân sách. Hầu hết, các gói thầu san lấp mặt bằng đều đi qua kênh rạch, nhưng phương án bơm cát không được tính đến, thay vào đó xây dựng phương án vận chuyển bằng ôtô và đắp bằng máy nhưng thực tế thi công và thanh toán theo phương án bơm cát. Việc áp đơn giá giếng cát nhưng lấy theo đơn giá cọc cát là không phù hợp, làm tăng giá trị các gói thầu gần trăm tỷ đồng vì năng suất thi công giếng cát cao hơn trung bình trên mười lần so với thi công cọc cát trong định mức tương ứng.


Ngoài ra, biện pháp thi công lao dầm các cầu trên tuyến bằng cẩu nhưng dự toán lại vận dụng đơn giá lao dầm bằng xe lao. Mặc dù, thi công trong thành phố có mức chi phí lán trại chỉ 1% nhưng chủ đầu tư tính chi phí lán trại đến 2%, làm tăng giá trị dự toán trên 2 tỷ đồng. Biện pháp thi công tại cầu Bình Thủy, Rạch Ngỗng được xác định thi công trên cạn nhưng dự toán lại áp... dưới nước khiến tăng chi phí thêm vài tỷ đồng. “Qua thanh tra xác định các sai xót trên đã làm giá trúng thầu vượt giá gói thầu tính lại trên 8 tỷ đồng và điều này cần phải được phê duyệt lại dự toán xây dựng để làm cơ sở thanh, quyết toán, tránh thất thoát tiền của Nhà nước”, một nguồn tin cho biết. Một số nhà thầu tư vấn không đủ năng lực nhưng chủ đầu tư vẫn chọn thực hiện công tác đánh giá hồ sơ dự thầu. Công tác nghiệm thu, thanh toán sai sót dẫn đến thanh toán sai cả tỷ đồng.


Còn tại dự án đường nối thị xã Vị Thanh - Cần Thơ, chủ đầu tư không xây dựng định mức, đơn giá theo qui định đối với những hạng mục, công trình chưa có trong hệ thống định mức xây dựng dẫn đến làm tăng giá gói thầu thêm cả chục tỷ đồng. Còn công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán xây dựng cũng làm tăng giá thêm cả chục tỷ đồng nữa. Qua hai dự án trên, Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện Sở GTVT sai phạm số tiền lên đến hơn 130 tỷ đồng.


Chủ đầu tư lý giải, nhận sai sót


Lý giải công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự án Mậu Thân - sân bay Trà Nóc thiếu sót, làm tăng kinh phí đầu tư trên 35 tỷ đồng, ông Đinh Văn Thảo - PGĐ Sở GTVT Cần Thơ - cho rằng do dự án này gặp rất nhiều khó khăn, mật độ dân cư sinh sống dày, mặt bằng bàn giao chậm, thời gian thi công gấp nên mới đề xuất UBND thành phố thay đổi phương án thi công. Việc thay đổi này được ông Thảo đem ra so sánh với các công trình đường dẫn cầu Cần Thơ, đường vào cảng Cái Cui phải bù lún nhiều lần trong quá trình khai thác, không hiệu quả về mặt kinh tế.


Còn thiết kế bản vẽ thi công không phù hợp với thiết kế cơ sở được duyệt làm tăng kinh phí gần 20 tỷ đồng, ông Thảo cho rằng tại nền đất khu vực dự án này yếu nên đề xuất phương án xử lý bằng giếng cát mà không dùng phương pháp bù lún hai lần. Theo ông, phương án này mặc dù giá cao hơn nhưng có nhiều ưu điểm như giảm độ lún dư, đảm bảo tính ổn định chung toàn tuyến, không phải thảm nhựa bê tông bù lún, không làm ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật khác, giảm chi phí trong thời gian khai thác vận tải...


Việc không xây dựng định mức và đơn giá, Sở GTVT Cần Thơ lý giải tại thời điểm lập dự toán, địa phương chưa ban hành định mức và đơn giá công tác bơm cát nên tư vấn thiết kế và chủ đầu tư áp dụng định mức vận chuyển bằng ôtô, đắp cát bằng máy thay vì bơm cát. Còn thiết kế hạng mục cầu Bình Thủy sơ xài, không thể hiện kết cấu, tính toán khối lượng, ông Thảo xác nhận ý kiến của đoàn thanh tra và cho biết sẽ bổ sung và nghiệm thu, thanh quyết toán theo thực tế thi công.


Qua giải trình của Sở GTVT Cần Thơ, việc phê duyệt một số hạng mục thi công dưới nước tại cầu Bình Thủy và Rạch Ngỗng trước đây, nay đang được Sở GTVT thẩm định và phê duyệt lại theo hướng... đưa lên cạn để làm cơ sở thanh toán. Còn một số nhà thầu không đủ năng lực, cán bộ chuyên môn... thì ông Thảo xin rút kinh nghiệm (!?).
Theo Thiện Thảo (CATP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.