Sau khi lãnh đạo TP yêu cầu thảo luận tiếp về hai nội dung trong đề án dãn dân phố cổ (DDPC) đã trình UBND TP, ngày 25.8, UBND quận Hoàn Kiếm họp với tổ tư vấn (đại diện sở, ban ngành của TP).
Một trong hai nội dung này là đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện tốt đề án dãn dân phố cổ. Đây không chỉ là câu chuyện nóng bỏng được người dân chờ đợi, mà cũng rất sôi nổi trong buổi họp. Tuy nhiên, vì đây là dự án chưa từng có tiền lệ, lại hết sức nhạy cảm, nên các ý kiến sôi nổi nhưng cũng hết sức thận trọng.


Cần 6.000 tỉ đồng để di dời 1.800 hộ dân
Mưu sinh trong khu phố cổ. Ảnh: Kỳ Anh

Di chuyển khoảng 26.200 người


Đề án DDPC Hà Nội nghiên cứu và đề xuất những giải pháp thực hiện nhằm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ mật độ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha vào năm 2020, tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người. Việc DDPC không chỉ với mục tiêu cải thiện môi trường sống đô thị trong khu vực phố cổ, với người dân di dời sang khu đô thị mới, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện việc bảo tồn tôn tạo các di tích và các công trình kiến trúc cổ có giá trị trong khu phố cổ Hà Nội.


Cần 6.000 tỉ đồng để di dời 1.800 hộ dân
Phố cổ đang dần mất vẻ đẹp văn hoá đặc trưng. Ảnh: Kỳ Anh

Ông Vũ Văn Viện - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - cho biết, trong giai đoạn I của đề án GDPC được thực hiện trên khu đất có diện tích 11,12ha tại khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên), sẽ nghiên cứu đề xuất những giải pháp cơ bản để di chuyển khoảng 1.800 hộ dân tương ứng 7.200 người.

Nói về khu đô thị mà người dân phố cổ sẽ di chuyển tới sinh sống, ông Viện khẳng định: Tại đây sẽ hình thành một khu ở đồng bộ về kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo cuộc sống cho người dân khu phố cổ sang định cư. Khu đô thị mới Việt Hưng sẽ đáp ứng đủ quỹ nhà phục vụ dãn dân giai đoạn 1, đảm bảo có đủ chỗ kinh doanh cho khoảng 39,1% số hộ dân phố cổ đến định cư (tương đương 700/1800 hộ dân di chuyển trong giai đoạn I).

Đề xuất giá bồi thường gấp 2 lần so quy định

Vấn đề được đông đảo người dân phố cổ quan tâm, chờ đợi, đó là cơ chế chính sách với các hộ sẽ di dời được thực hiện như thế nào. Đây cũng là nội dung được nhiều chuyên gia cho ý kiến nhất. Theo đó, có sự phân biệt làm 3 đối tượng: Thứ nhất là diện thuộc giải phóng bằng. Đó là các hộ dân sống trong các di tích (562 hộ), công sở (148 hộ), trường học (39 hộ). Với các trường hợp này, nhiều ý kiến đề xuất cho áp dụng giá đất bồi thường hỗ trợ với hệ số 2 lần (dự thảo chỉ từ 1,5 - 2 lần) so với mức giá quy định trong bảng giá đất hằng năm do TP ban hành.

Diện thứ hai là các hộ thuộc đối tượng vận động dãn dân. Đó là các hộ dân sống trong những ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn, các hộ dân sống trong các biển số nhà xuống cấp, nguy hiểm và các biển số nhà đông các hộ mà diện tích bình quân ở dưới 5m2/người. Thứ ba là các hộ tự nguyện di chuyển, theo ông Viện, đây cũng là diện đông nhất (khoảng 1.200 hộ/1.800 hộ di chuyển giai đoạn 1).

Theo dự thảo thì cơ chế đền bù, hỗ trợ và giá mua nhà cũng như diện tích được mua, được thuê ở khu dãn dân với 3 đối tượng này cũng khác nhau. Tuy nhiên, đây là vấn đề mà hội nghị đang thảo luận và cũng là lĩnh vực tế nhị nên chúng tôi cũng chưa đề cập cụ thể.

Riêng đối với các hộ thuộc diện nghèo, ông Lâm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm – cho biết, sẽ được xét cho thuê nhà. Giá thuê nhà sẽ áp dụng theo quy định của UBND TP vào thời điểm hiện tại. Về chính sách ưu đãi phân phối diện tích kinh doanh - dịch vụ tại tầng 1, sẽ được bán hoặc cho thuê theo giá kinh doanh thương mại. Việc bán diện tích kinh doanh dịch vụ có xét đến yếu tố ưu tiên theo ngành hàng, vị trí mà hộ dân đã kinh doanh khi còn ở phố cổ.

Theo dự thảo về tờ trình liên ngành lên UBND TP, nguồn vốn đầu tư cho toàn bộ dự án giai đoạn I khoảng 6.225.990 triệu đồng. Trong đó, vốn nhà nước khoảng 537.717 triệu đồng, vốn kêu gọi doanh nghiệp đầu tư khoảng 5.688.273 triệu đồng. Như vậy, vốn của các DN đầu tư vào đây là chủ yếu. Do đó, đây cũng là vấn đề có nhiều ý kiến như: Làm sao để các nhà doanh nghiệp chịu đầu tư vào đây, làm thế nào để xây dựng hạ tầng xã hội đồng bộ... Ông Vũ Văn Viện kết luận: Sẽ đề xuất TP cho phép chủ đầu tư (UBND quận Hoàn Kiếm) được lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để thực hiện dự án.

Theo Thu Huyền (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.