Các dự án cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội chậm triển khai so với kế hoạch do những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Thành phố Hà Nội có trên 30 khu chung cư cũ với hàng trăm các dãy nhà cần phải cải tạo xây dựng lại. Tuy nhiên, chỉ một số nhà đơn lẻ được phá đi xây mới như nhà B4 Kim Liên, nhà C Thành Công, C7 Giảng Võ… khi mà dân không thể tiếp tục ở được nữa. Các dự án khác chủ yếu vẫn trong quá trình khảo sát, điều tra xã hội, lập quy hoạch.


Khi vấn đề này chưa được giải quyết triệt để, việc cải tạo chung cư cũ trong khu vực trung tâm Hà Nội lại gặp thêm một “nút thắt” về chủ trương xây dựng nhà cao tầng khu vực nội đô. Cải tạo chung cư cũ vẫn là bài toán khó cho Hà Nội nói riêng và các đô thị trong cả nước nói chung.

Phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) có 36 nhà tập thể, trong đó đến 90% được đưa vào sử dụng từ những năm 1960, xuống cấp nghiêm trọng cần phải cải tạo xây dựng lại. Bà Tống Thị Kim Lan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Quỳnh Mai cho biết: Hai công ty đầu tiên vào khảo sát là Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị và Công ty cổ phần địa ốc Sông Hồng, đưa ra thiết kế sẽ cải tạo hai tòa nhà 5 tầng E6 và E7 lên hai tòa nhà 19 tầng. Việc cải tạo hai chung cư này rất cần thiết vì đã một lần chống lún nhưng không hiệu quả. Tuy nhiên, việc không được xây dựng nhà cao tầng khiến tiến độ của dự án cải tạo phải dừng lại.

Bà Tống Thị Kim Lan nói: “Theo đúng thiết kế cải tạo, chung cư sẽ được xây dựng 19 tầng nếu chỉ được xây 9 tầng các công ty sẽ không vào cuộc. Với góc độ chính quyền địa phương, tôi rất lo, nếu chẳng may có bão hoặc động đất nhà đổ thì không biết hậu quả xảy ra ai chịu trách nhiệm”.

Hạn chế xây dựng nhà cao tầng tại khu vực nội thành cũng là vướng mắc không nhỏ trong việc cải tạo nhà chung cư bên cạnh những khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng.

Chính phủ giao thành phố Hà Nội quyết định chiều cao số tầng tại các dự án trong khu vực nội thành nhưng điều này mới chỉ dừng ở mức khai thông về mặt chủ trương.

Hà Nội đang gặp “bài toán khó”, hầu hết chung cư cũ đều nằm trong khu vực trung tâm nơi có mật độ dân số rất cao, chấp thuận xây dựng nhà cao tầng sẽ tăng sức ép lên hệ thống hạ tầng cơ sở, nếu để xây dựng thấp tầng sẽ lãng phí những khu vực “đất vàng” và khiến các nhà đầu tư khó triển khai vì sinh lãi thấp.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Doãn Minh Khôi, Viện trưởng viện Quy hoạch - Kiến Trúc Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng: ngoài việc tính toán số tầng chiều cao của tòa nhà, cần tính toán cả số căn hộ, tiêu chuẩn căn hộ với khả năng chất tải tối đa của hạ tầng cơ sở và các chủ đầu tư cũng phải có sự đóng góp trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở chung của thành phố.

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Doãn Minh Khôi: “Nhà quản lý quyết định phê duyệt chung cư cao tầng cần phải chú trọng cân bằng hóa hệ thống hạ tầng, phục vụ của hạ tầng với dân cư ở đấy. Nếu hạ tầng không đáp ứng thì tắc nghẽn ngay, nước, điện không thỏa mãn được và giao thông thì tắc, giao thông tĩnh cũng tắc, bãi đỗ xe tắc, phải tính toán xem có khả năng đáp ứng được lượng dân không để phát triển bền vững”.

Nghị quyết 34 của Chính phủ năm 2007 đặt mục tiêu đến năm 2015 hoàn thành việc cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ hỏng, đã xuống cấp, hết niên hạn sử dụng ở các đô thị trên cả nước. Tuy nhiên, khi những vướng mắc về giải phóng mặt bằng về quy định chiều cao xây dựng các tòa nhà trong khu vực nội thành chưa được giải quyết thì mục tiêu trên khó có thể đạt được.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng: việc cải tạo các chung cư cũ trước hết phải phù hợp với quy hoạch phát triển chung của thành phố. Bộ Xây dựng đang tiến hành soạn thảo một văn bản mới thay thế Nghị quyết 34 sao cho hài hòa các lợi ích các bên giữa chủ đầu tư, người dân và lợi ích chung của xã hội.

“Khi cải tạo phải hài hòa được ba lợi ích, lợi ích của nhà nước là đô thị được cải thiện, đô thị phải đẹp lên; doanh nghiệp có lời; người dân được cải thiện đời sống tốt hơn. Trong ba quyền lợi đó, chúng ta phải hài hòa, doanh nghiệp lấy lợi nhuận thấp đi, người dân muốn cải thiện đời sống có thể đóng góp thêm, nhà nước muốn có đô thị tốt cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng hạ tầng, chính sách, thậm chí cả bằng kinh phí”- Ông Nguyễn Mạnh Hà nói.

Hiện nay, trên cả nước có hơn 3 triệu m2 sàn nhà chung cư được xây dựng từ trước năm 1991, với trên 100.000 hộ dân đang sinh sống, đa phần là những chung cư xuống cấp không đảm bảo được những điều kiện sống tối thiểu.

Hơn ai hết những người dân sống trong các chung cư cũ đang mong ngóng từng ngày các dự án được triển khai, đây cũng là việc góp phần cải thiện bộ mặt các đô thị của cả nước. Tuy nhiên để thực hiện được việc cải tạo chung cư cũ tại các đô thị thì những “nút thắt” về giải phóng mặt bằng, quy hoạch cần được tháo gỡ.

Bộ Xây dựng đang nghiên cứu dự thảo thay thế Nghị quyết 34 và người dân đang đón chờ những giải pháp mới khả thi để các dự án cải tạo chung cư không còn trên giấy tờ./.

Cafeland.vn - Theo VOV
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland