|
Nơi xây dựng chung cư B6 Giảng Võ được quy định hạn chế tầng cao để giảm tải cho hạ tầng Ảnh: Minh Tuấn. |
Phá vỡ quy hoạch
Theo nội dung phân vùng để kiểm soát phát triển công
trình cao tầng trong khu vực 4 quận nội thành đã được UBND thành phố
thống nhất và báo cáo Thủ tướng thì công trình cải tạo nhà B6 Giảng Võ
thuộc phân vùng có quy mô 21 tầng. Ngày 2-12-2009, UBND TP Hà Nội đã có
văn bản chấp thuận đề nghị của Sở Quy hoạch-Kiến trúc (Sở QHKT) cho chủ
đầu tư là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Xây lắp và Thương mại 36
xây dựng công trình gồm: Khối văn phòng cao 22 tầng và khối nhà ở cao 19
tầng. UBND thành phố cũng yêu cầu Sở QHKT hướng dẫn chủ đầu tư hoàn
chỉnh phương án điều chỉnh tuân thủ đúng quy định.
Chỉ đạo của thành phố đã rõ, nhưng rất lạ là trong hồ sơ gửi Sở Xây dựng Hà Nội mới đây xin cấp phép xây dựng, thì quy mô công trình đã lớn hơn rất nhiều so với chấp thuận của UBND thành phố. Cụ thể, khối nhà văn phòng ngoài 22 tầng nêu trên còn có thêm 3 tầng lửng cao 3,6m, 2 tầng kỹ thuật cao 2,7m và 1 tầng mái cao 5,4 m. Khối nhà ở ngoài 19 tầng còn có thêm 5 tầng lửng cao 3,6m và 2,7m; 4 tầng kỹ thuật cao 2,7m, 3,6m và 6,9m. Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đối chiếu với quy định về số tầng, công trình nêu trên có tổng cộng 28 tầng.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, khi lập dự án ban
đầu cải tạo B6 Giảng Võ trước đây thì chỉ có 2 khối nhà 13 và 15 tầng,
sau đó điều chỉnh lần đầu nâng cả hai khối lên 17 tầng, sau đó lại điều
chỉnh tiếp lên 19 rồi lên 22 tầng, đến khi xin cấp phép xây dựng thực tế
lại phình ra tới 28 tầng!
Tầng lửng lách luật?
Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng xin ý
kiến hướng dẫn về khái niệm “tầng lửng”. Trao đổi với Tiền Phong, đại
diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) khẳng định: Không
có khái niệm “tầng lửng” trong quy chuẩn quốc gia vì thực tế tầng lửng
được sử dụng và yêu cầu về an toàn cũng như các tầng khác. Vì vậy khi
cấp phép xây dựng thì tầng lửng được coi là một tầng. “Quy định của nhà
nước đã rất rõ, không thể đánh tráo khái niệm rồi lách luật được!”- đại
diện Bộ Xây dựng nói.
Trong hội nghị về cải tạo chung cư cũ mới đây, ông Vũ Văn Hậu - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội kiến nghị cần có chính sách rõ ràng với chủ đầu tư, cần chấm dứt tình trạng cân đối lợi nhuận cho chủ đầu tư qua “thoả thuận quy hoạch kiến trúc tầng cao”. Một số ý kiến khác cho rằng, nếu chủ đầu tư không đảm bảo cân đối lợi nhuận thì ngay từ đầu phải báo cáo thành phố để có chính sách hỗ trợ, đối ứng hay chọn chủ đầu tư khác chứ không thể “vào bằng được” rồi lại đòi tăng tầng.