29/08/2011 12:43 AM
Cách đây 2 năm, lãnh đạo Bộ Xây dựng từng trả lời báo chí lạc quan về chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp (TNT) và hiệu quả của những chính sách mà Bộ đề xuất (Ban hành theo Quyết định 67/2009 của Thủ tướng Chính phủ). Nhưng tổng kết mới đây của Bộ này cho thấy, thực tế chưa đạt một phần nhỏ trong cái chiến lược được vẽ ra.

Số dự án (DA) nhà TNT của Hà Nội vừa qua không thể gọi là nhiều nhưng đã phát tín hiệu “ế”. Chẳng hạn, DA Đặng Xá (Gia Lâm) của Viglacera, mở bán đến 3 lần vẫn chưa hết gần 1.000 căn hộ. Lý do bị chê là vì giá cao. Với cơ chế trong QĐ 67, các DA nhà TNT được miễn từ tiền sử dụng đất cho đến thuế thu nhập doanh nghiệp, được giảm thuế giá trị gia tăng, được vay vốn ưu đãi, được hỗ trợ lãi suất… Thế nhưng trong khi suất đầu tư do Bộ Xây dựng quy định là 8 triệu đồng/m2 thì một số DA nhà TNT ở Hà Nội bán 11-13 triệu đồng/m2.

Với vai trò quản lý nhà nước, giám sát việc thực hiện chính sách, lẽ ra lập tức Bộ Xây dựng phải cho kiểm tra và công khai câu trả lời tại sao giá nhà TNT lại cao như vậy, tại sao người TNT lại không thể mua nhà TNT? Nếu nguyên nhân tại chính sách thì phải sửa, nếu tại nhà đầu tư “ăn gian” thì phải xử. Nhưng Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam (ông Nam trước đây là Tổng giám đốc Viglacera) mới đây có văn bản gửi chính quyền Hà Nội đề nghị mở rộng đối tượng mua nhà trong các DA nhà TNT. Không hiểu lý lẽ của đề xuất này là gì, nhưng rõ ràng, mũi tên của chính sách đang chệch khỏi cái đích dự định cần đến. Nhóm có thu nhập cao hơn nhóm có TNT sẽ được ưu tiên nhận hỗ trợ từ Nhà nước, người có TNT lại phải đợi chờ.

Việc phát triển các DA nhà TNT hiện nay sẽ khó mang lại thành công chính là bởi vì tính “bao cấp” của nó. Trở lại lịch sử một chút, trong cả thời kỳ bao cấp khá dài mà Nhà nước cũng chỉ bao cấp được có 30% nhu cầu nhà ở cho người thuộc diện được bao cấp. Một cơ chế mà chúng ta đã quyết tâm "giã biệt" vào năm 1994 (Nghị định 61 bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê) thì nay đang quay lại. Quy định "tuyển người có TNT" để được thụ hưởng ưu đãi của Nhà nước đang khiến cơ chế "xin - cho" vận hành.

Để giải quyết vấn đề nhà ở cho người TNT, việc của Bộ Xây dựng không phải là bàn chuyện căn hộ đó bán cho ai mà phải thiết lập cơ chế, trong đó xóa bỏ mọi tàn dư của tư duy "xin - cho" trong hệ thống quản lý; Tạo ra những cơ chế cho người có TNT, người nghèo cơ hội về đất đai, tín dụng để họ tự giải quyết nhà ở, đừng để các nhà đầu tư có quyền điều hành đứng giữa Nhà nước và họ, thậm chí còn đứng ra điều phối các hỗ trợ của Nhà nước cho họ như hiện nay.

Theo An Nguyên (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.