Sự co hẹp của đất lúa đang có những tác động xấu đến đời sống một bộ phận nông dân, đe dọa an ninh lương thực. Vì thế hơn bao giờ hết, bảo vệ đất lúa là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Đứng trước tình hình hàng trăm nghìn hécta đất lúa thuộc dạng “bờ xôi ruộng mật” lần lượt bị chuyển sang mục đích sử dụng khác nên đã có không ít lần vấn đề bảo vệ đất lúa được đặt ra trong các kỳ họp Quốc hội trong vòng một thập niên qua. Mới đây, mục tiêu giữ bằng được 3,8 triệu ha đất lúa đến năm 2020 một lần nữa được Chính phủ khẳng định trong kỳ họp Quốc hội khóa XIII. Song, có không ít người quan ngại cho quyết tâm và hiệu quả của quyết tâm ấy bởi xu hướng lấy đất lúa phục vụ cho lợi ích khác đang là một trào lưu không có điểm dừng trong cơn mê lợi ích của các địa phương.


Thi nhau cắt đất


Sự co hẹp của đất lúa đang có những tác động xấu đến đời sống một bộ phận nông dân, đe dọa an ninh lương thực. Vì thế hơn bao giờ hết, bảo vệ đất lúa là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Trong vòng 10 năm qua, quyết tâm giữ đất lúa nhiều lần được khẳng định với quyết tâm cao. Thế nhưng cũng trong 10 năm qua, theo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên & Môi trường (Bộ TN&MT), đã có 270.000ha đất lúa nước khu vực đồng bằng đa số thuộc dạng “bờ xôi ruộng mật” đã chuyển sang phát triển đô thị, khu công nghiệp (KCN) và các cơ sở sản xuất phi nông nghiệp khác, trong đó có địa phương mất đến 80% đất canh tác.


Cụ thể, ở một số địa phương, tốc độ suy giảm đất lúa diễn ra nhanh đến chóng mặt như: Hải Dương: 1.400ha/năm; Vĩnh Phúc: 1.200ha/năm; Hưng Yên: 1.000ha/năm… Ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, nơi được mệnh danh là vựa lúa của cả nước cũng có tốc độ giảm nhanh đáng ngờ: TP HCM: 2.700ha/năm, Tây Ninh: 3.100ha/năm, Cà Mau: 6.200ha/năm, Bạc Liêu: 5.400ha/năm, Sóc Trăng: 4.100ha/năm… Câu hỏi được đặt ra là vì sao lại có sự mâu thuẫn lớn giữa quyết tâm và sự tích cực chuyển đổi đất lúa như thế?


Không có gì bất ngờ trong sự mâu thuẫn này bởi đây là câu chuyện lợi ích, những lợi ích ngắn hạn, phù hợp với mục tiêu hướng tới những thành tích tăng trưởng kinh tế của các địa phương, trong khoảng thời gian được tính bằng… nhiệm kỳ. Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng: “Tư duy nhiệm kỳ” là hiểm họa đối với đất nước và là điều cần phải cảnh báo. Đó là những tư duy theo nhiệm kỳ và đây là một hiểm họa vô cùng lớn đối với đất nước. Nếu tình trạng này không được xử lý, không biết vấn đề từ gốc gác, để nó lan từ trung ương đến địa phương, đến tận phường xã thì cực kỳ nguy hiểm.


“Bờ xôi ruộng mật” thành đồng hoang

Một góc KCN với đồng cỏ bạt ngàn ở Đồng Nai


Trong khi đó, khả năng khai thác, mở rộng diện tích đất lúa để bù đắp vào diện tích đất lúa đã mất đi là rất hạn chế và rất khó khăn, nếu không nói là không thể. Theo dự báo đến năm 2020, dân số nước ta vào khoảng 100 triệu người và theo tính toán của cơ quan chuyên môn, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tổng sản lượng lương thực cần khoảng 47 triệu tấn, diện tích gieo trồng cần tối thiểu 7,3 triệu ha. Bên cạnh đó, chúng ta lại là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đến năm 2020, sẽ có khoảng 6.000ha đất lúa bị ảnh hưởng và đến năm 2030 sẽ có khoảng 20.000ha, đến cuối thế kỷ thì sẽ có khoảng 70% diện tích đất lúa của chúng ta bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng. Nhưng theo tính toán của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ông Bùi Bá Bổng thì: “Đến năm 2020, dự kiến mất tiếp 300.000ha đất lúa, còn lại 3,8 triệu ha; đến năm 2030, có thể mất thêm 300.000ha nữa, đất lúa sẽ còn 3,5 triệu ha”. Vậy thì nếu không giữ vững, đồng thời phải hết sức tiết kiệm và sử dụng hiệu quả diện tích đất lúa 3,8 triệu ha đang có hiện tại hiện tại thì vấn đề lương thực Việt Nam sẽ khó khăn khôn lường trong tương lai.


Khu công nghiệp… không nghiệp


Các khu công nghiệp nối nhau mọc lên như nấm sau mưa trên những cánh đồng để rồi chỉ lèo tèo dăm ba ngôi nhà xưởng, các dự án đô thị cũng mọc lên với bạt ngàn biệt thự bỏ hoang đang góp phần làm hoang lạnh nền kinh tế… “Phải 50 năm nữa để lấp đầy các khu công nghiệp, khu kinh tế biển, kinh tế cửa khẩu đang có. Thế nhưng đến năm 2020, dự kiến đất dành cho khu công nghiệp sẽ tăng gấp ba lần, như vậy quy hoạch để làm gì? Trong mười năm công nghiệp hóa – đô thị hóa chúng ta đã biến không biết bao nhiêu đất nông nghiệp thành đất hoang, khu công nghiệp để nuôi bò. Đó là một sự vô lý”, ông Trần Du Lịch, bức xúc khi thảo luận về kế hoạch sử dụng đất 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất 2011-2020.


Theo thống kê, đến nay cả nước có 267 KCN tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng diện tích 72.000ha, tỉ lệ lấp đầy bình quân chỉ đạt gần 46%. Ngoài ra, cả nước còn 28.000ha đất của 650 cụm công nghiệp, diện tích đã cho thuê trên 10.000ha tỉ lệ lấp đầy bình quân đạt 44%. Vì sao các KCN lại có tỉ lệ lấp đầy khá thấp như thế trong khi các địa phương vẫn tiếp tục quy hoạch KCN? Để trả lời câu hỏi này, một đại diện của Bộ TN&MT đã lý giải với chúng tôi rằng: “Một số địa phương do nôn nóng trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư đã quy hoạch quá nhiều KCN không phù hợp với điều kiện hạ tầng kinh tế – xã hội, khả năng và nhu cầu phát triển thực tế gây áp lực lên tài nguyên đất. Nhiều khu – cụm công nghiệp được xây dựng bám theo các trục giao thông lớn và nằm sát khu dân cư, gây nên tình trạng ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Nhiều địa phương, tỉ lệ lấp đầy còn thấp (dưới 60%) nhưng vẫn nôn nóng đề nghị mở thêm nhiều khu – cụm công nghiệp khác”. Tất cả đó là những nguyên nhân khiến cho nhiều KCN trở nên ảm đạm, đầu tư hạ tầng lớn nhưng chỉ để cỏ mọc hoang, gây lãng phí vô cùng lớn.


Tại TP Cần Thơ, hiện còn hàng trăm hécta đất tốt ven sông Hậu ở KCN Hưng Phú đang trong tình trạng “đắp chiếu” vì chủ đầu tư chưa giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng. Người dân ven sông Hậu đoạn qua TP Cần Thơ còn bị ảnh hưởng bởi quy hoạch KCN Ô Môn, Bắc Ô Môn, Thốt Nốt với tổng diện tích 1.600ha. Tại Đồng Tháp, trong khi KCN Trần Quốc Toản (TP Cao Lãnh) còn nhiều đất bỏ hoang thì tỉnh này lại tiếp tục đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ mở rộng diện tích lên 2.730ha. Tại Hậu Giang, dù có lợi thế về vận tải thủy nhưng 2 KCN Sông Hậu và Tân Phú Thạnh diện tích 400ha vẫn trong tình trạng đìu hiu, hàng trăm hécta đất bị bỏ hoang. Dù vậy, tỉnh này vẫn tiếp tục mở rộng KCN Sông Hậu giai đoạn 2 thêm 540ha… Long An là “điểm nóng” nhất tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong việc lấy đất lúa làm KCN vì lợi thế giáp ranh thành phố, nằm trên trục QL 1A. Sau 10 năm tập trung phát triển công nghiệp, tỉnh đã thành lập 64 KCN, với 15.467ha đất bị thu hồi, trong này phần lớn là đất nông nghiệp. Nhưng theo khảo sát mới đây của chúng tôi, nhiều KCN trên địa bàn tỉnh, nhất là trên trục QL 1A vẫn còn đồng cỏ là phần lớn.


Hậu quả khó khắc phục


Thất nghiệp và nguy cơ nghèo đói là lời cảnh báo về hậu quả của việc nông dân mất đất canh tác đã được đưa ra từ lâu. Hiện nay, trung bình mỗi hộ nông dân có trên 1,5 lao động, việc thu hồi đất nông nghiệp và đất ở trong những năm qua đã tác động đến khoảng 950.000 lao động. Với một lượng lớn lao động như vậy, việc giải quyết việc làm gặp vô vàn khó khăn. Hầu hết các tỉnh đều thừa nhận, lượng lao động bị thu hồi đất nông nghiệp vào làm tại các khu công nghiệp là ít. Vấn đề này được một lãnh đạo tỉnh phân tích: “Mặc dù các doanh nghiệp cũng có đăng tuyển dụng lao động, nhưng một lượng lớn lao động địa phương chỉ làm được một thời gian rồi lại bỏ. Một phần do các doanh nghiệp trả lương thấp (lao động phổ thông), một phần cũng phải kể đến một số doanh nghiệp “ma” lợi dụng sức lao động, yêu cầu người lao động thử việc 2-3 tháng với mức lương hoặc là thấp hoặc không trả lương khiến người lao động bỏ, ở nhà… còn hơn”.


Mặt khác, phần lớn lao động tại khu vực nông thôn hiện nay đều rơi vào độ tuổi đã khá cao, trên 35 tuổi. Do vậy, tâm lý trồng lúa đã ăn sâu, chuyện học nghề để chuyển đổi là một sự… đánh đố. Hơn nữa, để học những nghề đòi hỏi nhiều chất xám thì người nông dân khó tiếp thu, còn đào tạo nghề đơn giản thì doanh nghiệp không chấp nhận. Thế là những trường, trung tâm dạy nghề được mở tại những vùng có diện tích thu hồi đất nông nghiệp lớn rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười”, không đủ học viên vào học phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.


“Bờ xôi ruộng mật” thành đồng hoang

KCN chỉ có dăm ba phân xưởng còn lại là đồng cỏ


Do trình độ hạn chế nên sau khi bị thu hồi đất có tới 67% nông dân vẫn giữ nguyên nghề nông, 13% chuyển sang nghề mới và khoảng 20% khác không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Mà số nông dân bị thu hồi đất không tìm được công việc mới, quay lại làm nghề nông lại đối mặt với nỗi lo không có đất để cấy cày, rơi vào cảnh thất nghiệp… Đơn thuần, không có đất canh tác, lại không kiếm được công việc mới nên thu nhập của 37% số hộ nông dân bị thu hồi đất bị sụt giảm so với trước đây và chỉ có 13% số hộ có thu nhập tăng hơn trước. Việc sử dụng tiền đền bù, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp của người nông dân chưa hợp lý, chủ yếu dùng để xây nhà, mua sắm, chỉ chiếm một lượng khá khiêm tốn hộ dùng số tiền đó một cách thiết thực. Do đó, chuyện nhận tiền đền bù vài trăm triệu đồng nhưng chỉ sau 1-2 năm lại trở thành hộ nghèo.


Chúng tôi chứng kiến không ít hộ gia đình sống trong nhà tương đối khang trang nhưng rất chật vật chuyện cơm – áo – gạo – tiền xung quanh các KCN thuộc huyện Bến Lức, Tân Trụ… (Long An). Một hộ trên 5 người nhưng chỉ có một người làm công nhân trong KCN, còn lại là những người trong tuổi ăn học và những người quá tuổi lao động thì không thiếu thốn mới là chuyện lạ! Không chỉ nguy cơ thất nghiệp, nghèo đói đe dọa người nông dân bị mất đất sản xuất mà nó còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Như an ninh nông thôn cũng bị xáo trộn khi có một lượng lớn người thất nghiệp tại địa phương, cùng với một lượng lớn lao động từ các nơi khác đổ về… Tình trạng thanh niên bỏ quê lên các thành phố lớn làm việc, sinh sống cũng tạo sức ép xã hội to lớn cho các thành phố này.


Quyết tâm chưa đủ


Tất cả những hậu quả đã cảnh báo từ lâu và đang diễn ra ấy dường như không thể tác động tới các quyết định giao đất đầy khát khao của một số lãnh đạo địa phương. Việc chạy theo lợi ích là một xu hướng tất yếu. Và đất lúa mất đi cũng là điều dễ hiểu khi giá trị của mỗi ha được chuyển đổi có sự chênh lệch quá rõ ràng. Bởi vậy, giữ đất lúa là một bài toán không thể giải được nếu chỉ dựa vào những phân tích, cảnh báo. Đất lúa đã, đang và sẽ tiếp tục biến mất khi mục tiêu giữ đất lúa không trở thành mục đích chính trị, gắn liền với sinh mệnh chính trị của lãnh đạo các địa phương. Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT đã phải thốt lên: “Chính quyền địa phương có để mất đất lúa hay lấy đất lúa làm việc khác thì cũng không bị làm sao cả, chưa có ai bị xử lý”.


Sự quyết tâm, những cam kết đã cho thấy không bao giờ là đủ để vượt qua những lợi ích trước mắt để biến đất lúa thành KCN! Vì vậy, đã đến lúc cần phải có những quy định cụ thể, ví dụ như nếu địa phương làm mất 1ha, 2ha, 3ha… đất lúa trong quy hoạch thì sẽ bị xử lý bằng chế tài tương ứng. Sự tồn tại của mỗi ha đất lúa là một phần quan trọng nhằm đảm bảo an ninh lương thực của cả một quốc gia. Không những thế, đó còn là số phận của những người nông dân đã, đang và sẽ sống với cây lúa. Vì vậy, mỗi ha đất lúa bị chuyển đổi đều cần phải giải trình, thậm chí phải khai hoang để bù đắp. Chỉ có như vậy, những cánh đồng mới không tiếp tục bị mất đi trong những cơn mê lợi ích.


Ông Đào Chung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ TN & MT đã chỉ rõ rằng: “Nhiều địa phương không thiết tha giữ đất lúa. Lý do là việc chuyển đất trồng lúa sang đất đô thị hay KCN có hiệu quả kinh tế cao hơn”. Vậy thì vấn đề đặt ra là làm sao để các lãnh đạo địa phương thay đổi tư duy ấu trĩ ấy để thiết tha với đất ruộng, với cây lúa hơn? Phải để người dân, chính quyền địa phương thấy rằng khi trồng lúa thì thu nhập, đời sống của họ không kém hơn so với chuyển đất sang mục đích khác. Mỗi địa phương cần xác định rõ vị trí, diện tích đất lúa nào phải giữ, sau đó cắm mốc trên thực địa và tuyên truyền cho người dân biết để giám sát. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ cho người dân và địa phương trồng lúa như tăng cường đầu tư về hạ tầng xã hội, tăng phân bổ ngân sách cho địa phương, giảm thuế, trợ giá… Có như vậy mới khuyến khích được người dân, chính quyền gắn bó với nghề nông và giữ đất lúa.

Theo Linh Đan – Lê Trúc (Petrotimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.