Theo lý giải của Bộ trưởng Vũ Đức Đam, đối với một tập đoàn kinh tế hay khi không còn là mô hình tập đoàn nữa, về cơ bản vẫn phải hoạt động theo pháp luật và các chủ thể trong trường hợp này, từ Chính phủ đến Thủ tướng, bộ trưởng bộ chuyên ngành, hay UBND các địa phương, hội đồng quản trị… đều có những chức năng, trách nhiệm gắn với quyền hạn nhất định và rất rõ ràng. Về cơ bản, mỗi một việc một phải có từng người, từng tổ chức một chịu trách nhiệm cụ thể.
Ông Đam cũng cho rằng, sau khi tổng kết mô hình thí điểm tập đoàn, Chính phủ sẽ chỉ đạo tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty, trong đó sẽ làm từ trên xuống và sẽ theo hướng là duy trì một lượng ít các tập đoàn nắm các lĩnh vực rất then chốt của nền kinh tế, cơ cấu lại các tổng công ty theo hướng chỉ tập trung vào các ngành nghề chính, điều chỉnh quy mô cho phù hợp trước hết là với thị trường, với năng lực quản trị, kinh doanh của chính mình, phù hợp với khả năng tài chính.
Trên tinh thần như vậy, Chính phủ sẽ tăng cường quản lý nhà nước, vai trò đại diện chủ sở hữu bằng một nghị định quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể nhà nước, đề cao trách nhiệm, quyền hạn cụ thể của Thủ tướng, của bộ quản lý chuyên ngành cũng như của hội đồng quản trị. Dự kiến, nghị định này sẽ được ban hành trong tuần tới.
Trước đó, tại gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc rà soát lại danh sách các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong các lĩnh vực thuộc ngành xây dựng do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện các quyền của chủ sở hữu, Bộ Xây dựng đã kiến nghị không đưa Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị và Tổng công ty Công nghiệp Ximăng Việt Nam vào danh sách các tập đoàn, tổng công ty cần thiết do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện một số quyền của chủ sở hữu; đồng thời phân công cho bộ quản lý ngành trực tiếp thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các tập đoàn, tổng công ty này.