Theo đó, Bộ Xây dựng đã làm trái thẩm quyền khi quy định thêm hành vi và hình thức xử phạt vi phạm hành chính tại thông tư nói trên.
Cụ thể, Điều 13 của Thông tư 12 quy định: “cá nhân xin cấp chứng chỉ hành nghề nếu làm giấy tờ giả hoặc khai báo không trung thực thì không được xét cấp chứng chỉ hành nghề trong thời gian một năm”... Đối với cá nhân đã được cấp chứng chỉ, nếu vi phạm quy định của thông tư này và pháp luật có liên quan sẽ bị “thu hồi chứng chỉ trong thời gian một năm nếu phát hiện có sự khai báo không trung thực trong hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề” và “thu hồi chứng chỉ trong thời gian ba năm nếu tự ý tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ…”.
Theo Cục KTVBQPPL, về nguyên tắc, Chính phủ có thẩm quyền quy định xử lý hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước (Điều 2 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2008). Việc xử phạt vi phạm hành chính về cấp chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng đã được Chính phủ quy định tại Nghị định 23/2009/NĐ-CP. Các hành vi vi phạm hành chính nêu tại Thông tư 12 chưa được nghị định của Chính phủ quy định. Cục đề nghị Bộ Xây dựng sớm sửa đổi nội dung này, “nếu thấy cần xử phạt thì đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 23”.
Cùng ngày, Cục KTVBQPPL cũng gửi văn bản đề nghị Bộ Khoa học và l Công nghệ xem xét lại Thông tư số 01/2010/TT-BKHCN quy định hoạt động tư vấn, đánh giá và chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2008 đối với cơ quan hành chính nhà nước. Thông tư này quy định tổ chức tư vấn trong lĩnh vực xây dựng phải “luôn có ít nhất ba chuyên gia” trong khi theo Quyết định 144/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lại quy định chỉ cần ít nhất hai chuyên gia.