Trả lời câu hỏi của người dân về việc xuất hiện nhiều sổ đỏ giả ở Hà Nội thời gian gần đây, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang thẳng thắn nhận khuyết điểm khi để xảy ra tình trạng này.

Sáng nay (6/4), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đối thoại trực tuyến với nhân dân qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.


Trước tình trạng xuất hiện một số sổ đỏ giả ở Hà Nội gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua, độc giả Trịnh Thúy Minh (Mỹ Đình - Từ Liêm - Hà Nội) gửi tới Bộ trưởng Quang câu hỏi: “Hiện nay đang có tình trạng phôi chứng nhận quyền sử dụng đất là thật nhưng số liệu là giả. Tình trạng này gây hoang mang trong việc mua bán bất động sản của người dân, Bộ trưởng nghĩ thế nào khi số phôi thất thoát này là nguyên nhân gây ra tình trạng này?”


Trả lời câu hỏi của độc giả Minh, Bộ trưởng Quang thẳng thắn nhận khuyết điểm trong vấn đề này. Theo Bộ trưởng, tình trạng này xảy ra có thể do 2 trường hợp: hoặc là phôi có serie mà lọt ra ngoài là liên quan tới việc quản lý của các Sở, hoặc các phôi đó là giả.


Bộ trưởng Quang: Ông Vươn tiếp tục thuê đầm

“Hà Nội vừa qua có nơi làm mất phôi sổ đỏ, có nơi làm mất 483 chiếc có seri. Dư luận lo ngại người ta sẽ sử dụng cái này để làm thế chấp hoặc lừa đảo, có trường hợp nhà 5 tầng có 5 giấy khác nhau”, ông Quang thông tin.

Ông Quang cũng nhấn mạnh rằng, quy định hiện nay về việc quản lý phôi sổ đỏ khá chặt chẽ nhưng thực tế vẫn xảy ra tình trạng một số lượng bị lọt ra ngoài.


“Chúng tôi đã có công văn nhắc nhở, đồng thời thông báo về số phôi bị mất để người dân cảnh giác. Đề nghị bà con nếu mua nhà đất, có thể kiểm tra tại cơ quan đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, theo tôi, các văn phòng công chứng có thể xác nhận thật giả của các sổ đỏ nếu liên lạc với các cơ quan đăng ký sổ đỏ”, Bộ trưởng Quang khuyến cáo tới người dân.


Ông Vươn tiếp tục được thuê đất


Một trong những vấn đề được độc giả quan tâm và gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường nhiều nhất là việc gia hạn sử dụng đất nông nghiệp.


Cùng chung thắc mắc về vấn đề này, độc giả Vũ Mậu Trịnh (Đông Hưng, Thái Bình), Nguyễn Trọng Thắng, Hoàng Thủy đặt câu hỏi: “Tới năm 2013 sẽ hết thời hạn giao đất nông nghiệp 20 năm theo NĐ 64. Vậy đất nông nghiệp trong thời gian tới sẽ được xử lý như thế nào? Làm thế nào để việc gia hạn đất nông nghiệp cho người dân tiếp tục sử dụng được thuận tiện, bớt thủ tục hành chính? Vì hiện nay tại nông thôn rất bất cập có trường hợp chết 8 năm nay vẫn còn ruộng và ngược lại có trường hợp sinh ra 8 năm nay vẫn không có ruộng mà là hộ nghèo và cận nghèo”.


Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Ông cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp đối với trường hợp này.


“Theo Luật đất đai 2003, Nghị định hướng dẫn 181, đối với hộ gia đình được giao đất lấy mốc thời điểm là năm 1993, thì tới đây vẫn được tiếp tục sử dụng đất đó. Thẩm quyền là thuộc Quốc hội, nhưng chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội theo hướng như vậy. Việc sử dụng đất vẫn giữ ổn định, không xáo trộn.


Tuy nhiên, có một số loại đất không thuộc đối tượng trên, như đất bãi bồi ven sông, ven biển, thì sau khi hết thời hạn, nếu hộ gia đình có nhu cầu sử dụng tiếp, họ cần tiến hành các thủ tục để gia hạn sử dụng. Về thủ tục gia hạn gia hạn, Chính phủ đã giao Bộ TNMT nghiên cứu, xây dựng. Chúng tôi đang chuẩn bị thông tư hướng dẫn”, ông Quang nói.


Cũng theo ông Quang, theo luật hiện hành, khi thời hạn sắp hết, đối với loại đất nêu trên tiếp tục cấp sổ đỏ. Đây là nhu cầu thường xuyên, chính đáng. Còn thời hạn thì theo quy định tại khoản 1 điều 67 của Luật đất đai 2003, tức là 20 năm tính từ năm cấp quyền sử dụng đất. Như vậy, các Ngân hàng yên tâm cho người nông dân vay vốn sản xuất, không gây đứt đoạn.


“Quan điểm chúng tôi là đất nông nghiệp là giao ổn định, lâu dài, tuy nhiên, có điều chỉnh nhất định trong trường hợp cần thiết, như trường hợp ở Thái Bình. Hiện nay, chúng ta tiến hành dồn điền đổi thừa thì có sắp xếp lại đất đai, liên quan đến nhiều vấn đề trong đó có xây dựng nông thôn mới. Có thể có điều chỉnh nhất định đối với một số trường hợp nhất định như gia đình có người mất, không làm nông nghiệp nữa, chuyển đi nơi khác. Theo tôi, với trường hợp này, cần bàn bạc trong cộng đồng với sự tham gia của người sở hữu quyền sử dụng đất để đạt sự đồng thuận. Nếu người sử dụng đất không có nhu cầu sử dụng nữa thì Nhà nước sẽ thu hồi”, ông Quang nói thêm.


Ông Quang cũng dự báo rằng, năm 2020, lao động nông nghiệp chỉ chiếm 30-35%, khi đó các vấn đề đất nông nghiệp sẽ không còn quá bức xúc.


Liên quan đến vụ việc cưỡng chế đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn, độc giả Nguyễn Thúc Lâm cùng một số bạn đọc (Hải Phòng) hỏi Bộ trưởng Quang: “Tới đây cơ quan chức năng có quyết định giao lại đất cho nhà anh Vươn tiếp tục nuôi trồng thủy sản nữa hay không?”.


Đáp lại thắc mắc của độc giả Lâm, Bộ trưởng Quang cho biết, Bộ sẽ có ý kiến chính thức về diện tích đất đầm tôm của ông Vươn là cho thuê theo quy định của pháp luật. Thời hạn bao nhiêu, tiền thuê như thế nào thực hiện theo quy định của pháp luật…


Nhắc đến vụ việc Tiên Lãng, ông Quang cũng Sau vụ Tiên Lãng, chúng tôi đã có công văn yêu cầu các tỉnh kiểm tra các bãi bồi, chúng tôi cũng tổ chức các đoàn kiểm tra… Tinh thần là tất cả đều phải tuân thủ pháp luật, không suy diễn.


Bộ trưởng Quang cũng nhắc lại các nguyên nhân dẫn đến vụ việc ở Tiên Lãng. Thứ nhất, là có nguyên nhân khách quan, lĩnh vực đất đai có quá nhiều văn bản, Luật, Nghị định, Thông tư với gần 300 văn bản…các văn bản cũng có nhiều vấn đề cần sửa.Thứ hai, liên quan đến thực thi công vụ của các cấp chính quyển, với các quyết định giao đất, thu hồi, cưỡng chế…Thứ ba, trách nhiệm của người sử dụng đất. Mỗi người dân phải có trách nhiệm sử dụng đất theo đúng pháp luật.

Theo Đất Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.