03/06/2013 11:13 AM
Lý do khiến hàng trăm hộ dân tại Tp.HCM và một số địa phương khác trả lại sổ đỏ là do địa phương này áp dụng hệ số K cao hơn từ 2- 4,5 lần so với quy định, khiến nhiều hộ gia đình không thể có đủ tiền nộp để nhận sổ đỏ về.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: "Trong quy định tại Tp.HCm, hệ số K tương đối cao khiến nhiều hộ gia đình không có tiền để nộp nên họ trả lại hoặc không đến nhận sổ đỏ".

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trong chuyên mục “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”, ngày 2/6.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, vừa qua báo chí đã phản ánh rất đúng tình trạng người dân tại Tp.HCM và một số địa phương khác trả lại sổ đỏ vì số tiền phải nộp quá cao. Theo ông, ngọn nguồn của vấn đề này là hệ số K được các cơ quan sở tại xác định khá cao so với quy định chung.

Bộ trưởng Quang cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, hệ số K chính là hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền thu sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Nhưng đó là diện tích vượt hạn mức theo quy định vượt hạn mức diện tích đất ở đô thị. Thứ hai, hệ số K theo Thông tư 93 của Bộ Tài chính sẽ được UBND các tỉnh quy định phù hợp với thực tế của từng địa phương.

“Qua tìm hiểu thì tình hình ở Tp.HCM cũng có liên quan đến hệ số K này. Trong quy định của địa phương này vừa rồi dao động từ 2- 4,5 lần so với quy định và có thể nói là hệ số K tương đối cao. Với các hộ gia đình trong điều kiện khó khăn hiện nay nên họ rất khó để có được khoản tiền như vậy để nộp và sau đó lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho nên có động tác họ trả lại hoặc không nhận sổ”, Bộ trưởng Quang nói.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có họp bàn với Bộ Tài chính và đề nghị với Tp.HCM cũng như các tỉnh khác vận dụng Thông tư 93 sao cho phù hợp.

Theo Bộ trưởng, để thực hiện cần chia ra làm hai phần. Phần thứ nhất, đối với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu với diện tích vượt hạn mức thì mục đích quản lý là chính và bảo vệ quyền lợi của người dân theo luật pháp đã quy định. Do vậy, cũng cần tính toán, xem xét hệ số K sao cho tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân có thể nộp khoản tiền theo quy đinh.

Thứ hai, đối với những trường hợp chuyển đổi mục đích sang đất ở thì cũng căn cứ theo giá thị trường thì sẽ phù hợp hơn.

“Tôi cũng được biết Tp.HCM có hướng điều chỉnh hệ số K xuống từ 1,2 - 3 lần. Chúng tôi đánh giá cao xử lý kịp thời này của thành phố. Chúng tôi cũng mong rằng các địa phương cũng cần rút kinh nghiệm qua việc làm của Tp.HCM trong tính toán hệ số K liên quan đến việc cấp giấy cho người dân”, Bộ trưởng Quang cho hay.

Liên quan đến việc một số địa phương tính lãi của người chậm nộp tiền sử dụng đất quá cao, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, Thông tư 93 của Bộ Tài chính có quy định khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì người được cấp giấy phải nộp một khoản tiền. Sau khi có quyết định thu tiền rồi mà chậm nộp theo hạn quy định thì phải chịu một khoản nộp phạt là 0,05%/ngày, nghĩa là tương đương với 18% một năm.

Tuy nhiên, trong Nghị định 120 của Chính phủ lại có quy định khi người dân chưa có đủ điều kiện về kinh tế, chưa có tiền để trả khoản phải nộp khi cấp giấy thì có thể ghi nợ được.

“Việc ghi nợ được thực hiện trong 5 năm, người dân chỉ phải trả theo giá ở thời điểm cấp giấy đó. Có thể ở một số địa phương vấn đề ghi nợ chưa được triển khai, hoặc người dân chưa biết được chính sách này để có thể ghi nợ”, Bộ trưởng Quang nói.

Bộ trưởng khẳng định, về phía các địa phương thì các chính sách này người dân phải được biết, các cơ quan chuyên môn phải làm cách nào đó giải thích cho người dân.

Tuy nhiên, Bộ trưởng khuyến nghị, trong trường hợp nếu điều kiện kinh tế cho phép thì cũng không nên nợ, còn nếu có ghi nợ thì cố gắng trong 5 năm trở lại, nếu sau 5 năm thì việc tính giá sẽ tính tại thời điểm nộp tiền thì sẽ rất khác. Do vậy cũng đề nghị với bà con không nên vì có chính sách như vậy mà cố tình trì hoãn.

Thông tin về tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên toàn quốc, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết Bộ đã và đang triển khai nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bộ đã có làm việc với 22 địa phương có tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thấp để họp bàn các giải pháp tháo gỡ khó.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, nhiều tỉnh, thành đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, một số tỉnh thành vẫn còn chậm. Dự kiến trong hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, Bộ sẽ công khai những địa phương, đơn vị kết quả thực hiện thấp để tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 6 tháng cuối năm.

Song Hà (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.