Năm 2013, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5%, nhưng kiềm chế lạm phát khoảng 6% không dễ.

Trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 30/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá một số điểm nổi bật của nền kinh tế trong năm 2012 cũng như những khó khăn vướng mắc trong năm 2013, đặc biệt là vấn đề tăng trưởng, giải quyết việc làm và kiếm chế lạm phát.

Hoàn toàn có thể đạt tăng trưởng 5,5% năm 2013

Đánh giá năm 2012 là một năm sóng gió của nền kinh tế Việt Nam, với rất nhiều khó khăn, thách thức, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích rằng: Do năm qua, nước ta phải thực hiện ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Kết quả đã rõ, nhưng qua đó cũng để lại hệ quả là tăng trưởng kinh tế giảm so với mục tiêu đặt ra, GDP năm nay đạt hơn 5,03%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Trong số những hệ quả cho nền kinh tế, vấn đề thiếu việc làm cũng rất nghiêm trọng. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tăng trưởng kinh tế chính là nhằm mục tiêu tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho xã hội. Đó là mục tiêu tối cao của Đảng và Nhà nước ta.

Vừa qua, mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5%/năm không đạt được, do phải tập trung kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, với nhiều chính sách tiền tệ, tín dụng và tài khóa chặt chẽ. Vì thế, các doanh nghiệp khó khăn tiếp cận vốn, tổng nhu cầu của xã hội cũng giảm đi. Từ đó, công ăn việc làm cũng bị ảnh hưởng do hàng loạt doanh nghiệp bị thu hẹp sản xuất. “Đây là điều rất đau xót và rất không mong muốn” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng, nước ta đang quyết tâm để tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, không phải cho trước mắt mà cho trung hạn và dài hạn. Chỉ khi nền kinh tế vĩ mô ổn định trong trung hạn và dài hạn mới có thể tiếp tục thu hút được đầu tư tăng trưởng sản xuất bền vững, lúc đó mới tạo ra được nhiều công ăn việc làm hơn.

Riêng năm 2013, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, nội tại nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức từ khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, vừa phải tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải tăng trưởng ở mức hợp lý. Bởi vì nếu không tăng trưởng hợp lý, chắc chắn vấn đề an sinh xã hội (trong đó có vấn đề tạo việc làm và thu nhập cho người dân) sẽ không đạt được.

Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng năm 2013 là 5,5%. Chỉ tiêu này, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: "Đây là một sự cố gắng, nhưng hoàn toàn có thể đạt được, mặc dù nhìn thấy rất thấu đáo những khó khăn của năm 2013. Nếu đưa ra mức tăng trưởng cao hơn 5,5% đến 6% hay 7%, có thể lạm phát quay trở lại".

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh còn cho biết thêm rằng, năm 2013, vốn ngân sách đầu tư cho xây dựng cơ bản chỉ còn 175.000 tỷ đồng, thấp hơn 5.000 tỷ đồng, “nếu tính theo cả trượt giá thì thấp hơn rất nhiều”- Bộ trưởng lưu ý. Ngoài ra, trái phiếu Chính phủ cũng tương đương năm 2012.

Còn các nguồn đầu tư khác, hiện nay, nếu chỉ xét theo về đầu tư ngân sách nhà nước thì năm 2013 sẽ khó khăn hơn. Nhưng hiện nay Chính Phủ đang tập trung tháo gỡ khó khăn này, bằng cách đẩy đầu tư tổng xã hội tăng lên. Nếu tiếp tục để giảm xuống dưới 30% như năm 2012, chắc chắn tình hình gặp khó khăn.

Chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời ngày 30/12 do Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Đài TNVN, Đài THVN và một số cơ quan báo chí phối hộp tổ chức.
Cho nên, ngoài có chính sách tín dụng thích hợp, phải tiếp tục tháo gỡ. Theo Bộ trưởng, phải huy động nguồn lực mới, trong đó có 3 kênh chính: Kênh thứ nhất, nguồn tín dụng phải mở, phải giảm lãi xuất cho vay để các doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn này.

Kênh thứ hai là huy động lĩnh vực ngoài ngân sách nhà nước tham gia đầu tư, trong đó đặc biệt là tư nhân (cả trong và ngoài nước) thông qua hình thức BOT, PPP (đối tác công - tư) và nhiều hình thức khác để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền ra đầu tư xây dựng.

Kênh thứ ba là kênh từ nước ngoài, kể cả nguồn vốn ODA, FDI.

Với 3 kênh chính này, Bộ trưởng cho rằng, có thể hi vọng năm 2013 đầu tư sẽ tăng lên.

Mục tiêu CPI khoảng 6% không dễ làm

Năm 2012, giới kinh doanh đã quá quen thuộc và thậm chí mệt mỏi với những cụm từ như “thua lỗ, phá sản, giải thể, thu hẹp cầm chừng”… Sang năm 2013, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, vẫn còn rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, sự hồi phục của kinh tế 2013 sẽ tốt hơn, những vấn đề về phá sản, thu hẹp sản xuất, thua lỗ chưa thể hết được, nhưng sẽ giảm hơn năm 2012.

Đáng chú ý, chỉ số tăng giá tiêu dùng, lạm phát tăng cao không chỉ là nỗi ám ảnh đối với cơ quan hoạch định, điều hành chính sách, với doanh nghiệp mà còn đối với từng người dân. Lạm phát cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp để chúng ta thực hiện hàng loạt các chính sách thắt lưng buộc bụng, thắt chặt chi tiêu. Đặc biệt, lạm phát khiến đồng tiền Việt Nam mất giá, người tiêu dùng và doanh nghiệp không tin vào đồng Việt Nam; làm cho lãi suất ngân hàng tăng chóng mặt, và các doanh nghiệp không thể có lãi, gây ra nhiều hệ quả cho nền kinh tế.

Dẫn chứng chỉ số lạm phát qua các năm: 2010 là 11,85%, tháng cuối năm 2011 là 18,1%, nhưng kết thúc năm 2012, chỉ số lạm phát chỉ có 6,81%, Bộ trưởng đánh giá đây là một “con số đẹp”, một thành quả lớn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Song, Bộ trưởng cho rằng, lẽ ra chúng ta có thể để lạm phát cao hơn một chút, nếu ở mức độ 7,5% là phù hợp. Bởi vì, không phải chỉ mục tiêu duy nhất là kiềm chế lạm phát chặt chẽ như vậy mà phải có bước đi thích hợp để giảm dần và tương thích với vấn đề phát triển.

Vì thế, năm 2013 mục tiêu đặt ra là chỉ số CPI thấp hơn 6,81%, mà Thủ tướng công bố là khoảng 6%. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, “đây là mục tiêu rất quyết liệt, không dễ làm”. Bởi vì, trong nền kinh tế rất nhiều thứ phải hoàn thiện”.

Hơn nữa, theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta đang có nhu cầu phải tăng giá, có những tăng giá rất chính đáng mà chúng ta không thể không tăng giá được. Bộ trưởng lấy ví dụ, giá dịch vụ y tế tăng là chính đáng, vì đã mười mấy năm không tăng giá. Giáo dục cũng vậy, đặc biệt trong giao thông, lúc nào đó phải có phí giao thông hợp lý nhất để đầu tư cho con đường tốt lên, và thu phí lại để hoàn vốn cho doanh nghiệp. Rồi giá than, giá điện đưa về cơ chế thị trường, vì không theo cơ chế thị trường thì không có cơ hội, nguồn lực để tái đầu tư, nền kinh tế tiếp tục khó khăn.

Cho nên, theo Bộ trưởng việc tăng giá hợp lý theo cơ chế thị trường để giá dịch vụ phản ánh đúng bản chất của nó là một yêu cầu thực tế khách quan mà nền kinh tế phải đi tới. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải có sự điều tiết mà nhạc trưởng là Chính phủ để dự báo được.

“Chúng ta hoàn toàn có đủ căn cứ khoa học là dự báo để tính được rằng khi tăng giá xăng, giá điện như thế này sẽ tác động lan tỏa trong nền kinh tế như thế nào, CPI sẽ tăng lên bao nhiêu. Nếu chỉ đạo điều hành chặt chẽ và phối hợp tốt giữa các Bộ sẽ có thể đạt được chỉ tiêu CPI khoảng trên dưới 6% trong năm 2013, mà vẫn có thể đáp ứng được một số yêu cầu về tăng giá theo lộ trình khi cần thiết và hợp lý. Từ đó, thúc đẩy nền kinh tế tăng lên, nền kinh tế phát triển một cách tự nhiên” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh./.

Theo Xuân Thân (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.