Tại buổi họp bàn về việc xã hội hoá đầu tư nhà ga, cảng hàng không chiều ngày 2/4, theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2020 cần khoảng 1 triệu tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách, vốn ODA, trái phiếu Chính phủ chỉ chiếm 30%, còn lại phải huy động từ xã hội hóa.
“Tổng mức đầu tư hạ tầng giao thông rất lớn, nhất là các sân bay. Muốn thu hút nhà đầu tư dự án phải có tính thương mại, lâu nay toàn làm theo truyền thống là lấy vốn từ Nhà nước, ODA… Nếu trông chờ cách làm truyền thống trước đây là rất khó. Do đó, việc thực hiện đa dạng hóa hình thức đầu tư, kêu gọi đầu tư tư nhân là giải pháp cần thiết và cấp bách hiện nay,” Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giao thông cũng khẳng định, hạ tầng hàng không gắn với an ninh quốc phòng nên tính toán dự án nào để kêu gọi chuyển nhượng quyền khai thác phải thống nhất với Bộ Quốc phòng, trình Chính phủ quyết định.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, việc nhượng quyền khai thác phải đúng theo tinh thần của Hiến pháp và các Luật, Nghị định hiện hành, tuyệt đối không chuyển giao vai trò quản lý Nhà nước cho tư nhân như quản lý bay, quản lý vùng trời; chỉ nhượng quyền cung cấp dịch vụ những lĩnh vực mà không cần nắm giữ. Những hạng mục kết cấu hạ tầng kết hợp quân sự, dân dụng, có vai trò an ninh quốc phòng hoặc nằm trong thế trận phòng thủ an ninh quốc phòng thì tuyệt đối không chuyển nhượng.
“Trước mắt, chỉ làm thí điểm và chỉ chuyển nhượng cho nhà đầu tư trong nước, chưa chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài. Chúng ta làm thí điểm để có kinh nghiệm, có đầy đủ cơ sở pháp lý rồi mới tính toán đến việc chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài,” Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý, việc nhượng quyền khai thác phải được định giá, tính toán tài chính, đảm bảo đúng theo luật hiện hành; lựa chọn nhà đầu tư công khai minh bạch, đảm bảo hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ. Đối với những cảng hàng không như Phú Quốc, T1 Nội Bài đang có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia sẽ tổ chức đầu thầu công khai…
Trên cơ sở này, Bộ trưởng giao Cục Hàng không Việt Nam xem xét, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp; giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tiếp tục hoàn thiện đề án để trình Thủ tướng Chính phủ 2 dự án nhỏ làm trước gồm nhà đỗ ôtô ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài, sau đó đến sảnh E và T1 Nội Bài.
“Chúng ta đừng sợ độc quyền vì còn hợp đồng, có điều khoản rõ ràng… Chuyển nhượng quyền khai thác nhưng phải đảm bảo vai trò quản lý Nhà nước, chỉ chuyển nhượng sân bay, còn các hạng mục khác như đường lăn, đài không lưu, cấp phép bay, giá cả sẽ do Nhà nước quản lý. Không có chuyện tùy tiện nâng giá. Chỉ chuyển nhượng quyền khai thác, trên quy tắc làm nhanh nhưng hiệu quả, phải đúng quy định của pháp luật,” Bộ trưởng Đinh La Thăng nói rõ./.